Những hôn lễ vàng
Trong những tháng cuối năm 2018, thế giới như được mở rộng tầm mắt khi đọc được thông tin về siêu đám cưới của hai minh tinh màn bạc, cô dâu là hoa hậu thế giới-Priyanka Chopra với chú rể là ca sĩ người Mỹ nổi tiếng Hollywood-Nick Jonas. Đám cưới được tổ chức tại cung điện nguy nga Umaid Bhawan, nằm bên bờ hồ Pichola thơ mộng.
Tiếp đến là đám cưới được mệnh danh là “đắt nhất hành tinh” của cô dâu Isha Ambani (con gái của người giàu nhất châu Á) và chú rể Anand Piramal (con trai của nhà tài phiệt ngành dược phẩm). Quan khách “khủng” của đám cưới phải kể đến những cái tên nổi tiếng từ giới chính trị cho đến giải trí. Thậm chí, cặp đôi Ambani và Piramal còn thuê riêng một buổi trình diễn của ngôi sao ca nhạc đình đám thế giới.
Theo truyền thông Ấn Độ, danh sách khách mời của đám cưới quá dài nên 2 tỷ phú Ấn Độ đã phải thuê cả 5 khách sạn 5 sao và mở một phòng quản lý đặc biệt ở Mumbai để phục vụ công tác hậu cần. Không những vậy, hơn 100 chuyến bay đã được thuê để đưa khách đến và về từ sân bay Maharana Pratap của thành phố. Ước tính, mức chi trong đám cưới của cặp đôi này có thể lên tới 2.000 USD mỗi khách một ngày .
Hai đám cưới khoa trương liên tiếp diễn ra cuối năm 2018 đã góp số tiền lớn vào ngành công nghiệp tổ chức hôn lễ của Ấn Độ, ước tính đạt mức trung bình 40 - 50 tỷ USD, tăng vọt so với năm 2012 vào khoảng 25,5 tỷ USD. Không chỉ vậy, khoảng một nửa số vàng của cả nước bán ra mỗi năm, đều được người Ấn Độ mua để sử dụng trong các nghi lễ đám cưới.
Theo nhà xã hội học Parul Bhandari, thỉnh giảng tại Đại học Cambridge, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa cưới xin, xu hướng hôn nhân, giới tính và tầng lớp xã hội, chia sẻ, “Trong khi đám cưới là dịp khiến nhiều đất nước phải đau đầu vì phải chi số tiền khá lớn. Ở Ấn Độ đám cưới là dịp giúp họ khẳng định quyền lực và địa vị trong xã hội.
Họ coi hôn nhân là sự kiện đều đánh dấu sự gắn kết 2 gia đình, dòng họ, thậm chí là 2 thôn làng hay các nhóm cộng đồng lớn hơn... Hôn nhân là nghi thức quan trọng, là dấu mốc đưa cô dâu bước sang trang khác của cuộc đời, với địa vị xã hội, tiềm lực kinh tế và chính trị mới. Đám cưới đôi khi là nấc thang, giống như bước chân vào hoàng tộc”.
Hình ảnh trong đám cưới |
Cũng theo bà Bhandari, “siêu đám cưới” ở Ấn Độ trở thành xu hướng và ngày càng gia tăng ở Ấn Độ, đặc biệt là giới nhà giàu và giới Bollywood. Những người có điều kiện kinh tế có thể tổ chức hôn lễ trong một cung điện lỗng lẫy như Cung điện Rajasthan. Được biết, cung điện này từng là hoàng cung và sẽ mãi là một hoàng cung được người Ấn tôn kính. Nhưng sau vài trăm năm, một phần diện tích ở đây trở thành khách sạn và trở thành địa điểm lý tưởng của các “siêu đám cưới”.
Ở Ấn Độ có 12 triệu đám cưới được tổ chức mỗi năm, và tầng lớp trung lưu cũng rất “chịu chi” cho một đám cưới của gia đình.
Ngành cưới “miễn dịch với thời tiết”
Các đám cưới ở Ấn Độ thường kéo dài trong nhiều ngày với nhiều nghi thức phức tạp trước và trong hôn lễ. Theo ông Bhavnesh Sawhney, Giám đốc Công ty Tổ chức tiệc cưới Wedniksha ở thành phố Mumbai, bất kể địa vị xã hội của các cặp đôi, hầu hết đám cưới ở Ấn Độ kéo dài từ vài ngày đến 10 ngày, với nhiều nghi thức khác nhau. Và sau đám cưới, địa vị của họ cũng như gia đình họ sẽ thay đổi mãi mãi - tăng lên hay hạ xuống đều xét theo mức độ thành công của hôn lễ ấy.
Báo chí Ấn Độ mỗi năm lại nhắc đến cụm từ “Big Fat Indian Wedding” cho những đám cưới to và hoành tráng nước họ. Thậm chí, một website riêng có tên trên được lập chuyên đưa tin về các sự kiện cưới xa hoa của người Ấn.
Bên cạnh loạt thông tin gây sốc về độ chịu chi, họ đặt câu hỏi về tính cần thiết cũng như sự lãng phí của chúng. Tuy nhiên, những “siêu đám cưới” này đang được ca ngợi rằng đã giúp đất nước tạo ra việc làm, đóng góp đáng kể cho ngành du lịch.
Khách mời đông đảo từ khắp nơi đến sẽ chi tiền cho đi lại bằng taxi, khách sạn, vải vóc và trang sức. Nghệ nhân hoa, người vận hành lều trại, người làm đẹp, thợ may, họa sĩ, kỹ sư âm thanh, dân buôn trà ở đó... là những đối tượng hưởng lợi hơn hết.
Hình ảnh cặp đôi trong ngày cưới ở Ấn Độ |
Với các nghệ sĩ địa phương, đám cưới đắt tiền đồng nghĩa nguồn thu nhập cao đột biến. Ngoài ra, một lợi ích khác là thông qua ảnh chụp khách đăng lên mạng xã hội, các địa điểm được quảng bá gián tiếp hoàn toàn miễn phí.
Một đám cưới cỡ bự ở đó thuê khoảng 500-700 người làm việc, gồm những nghề quan trọng như thợ mộc, tài xế, hoa và trang trí. Leher Kala, chủ một hãng chuyên làm phim cho các dịp lễ kỷ niệm ở Ấn Độ, cho biết ngành cưới hỏi ở đây “miễn dịch với khủng hoảng kinh tế và thời tiết”. Cô này nhớ lại một lần đi quay chứng kiến những bó hoa lan sặc sỡ được vận chuyển bằng máy bay từ Singapore sang và đội chuyên gia cắm hoa gồm 5 người từ Hong Kong.
Bà Priyanka Gupta, một giám đốc công ty tổ schức tiệc cưới ở thành phố Bangalore, cho biết, “Trước đây, khách hàng thường mong muốn có đến 1.000 quan khách tham dự lễ cưới. Nhưng bây giờ giảm xuống 200 đến 250 khách là vừa, chủ yếu là bạn bè người thân. Còn phần lớn chi phí sẽ tập trung cho địa điểm tổ chức, càng xa hoa càng tốt”.
Bà Gupta ước tính gia đình trung lưu có thể chi ra 400 USD cho mỗi khách mời 1 ngày (khoảng 9,3 triệu đồng). Hôn lễ ở Ấn Độ luôn bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp, kéo dài từ 2-10 ngày. Vậy riêng số tiền đãi khách có thể chạm ngưỡng hơn 500.000 USD (~12 tỷ đồng).