Đăng kí học làm giàu, trúng bẫy… đa cấp
Theo chân một người bạn, tôi đến một khóa học làm giàu có tên “Động lực mạnh mẽ, làm giàu nhanh chóng” mở tại một con hẻm rộng trên đường Nam Kì Khởi Nghĩa, TP HCM. Khóa học được giới thiệu là “siêu rẻ”, chỉ với 150 ngàn đồng/người, với lời quảng cáo: Bỏ tiền rất ít, làm giàu rất nhanh, và diễn giả là một “doanh nhân thành đạt” với thu nhập vài trăm triệu đồng/ tháng. Đến nơi, thấy đa phần người tham gia đều là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường. Lớp học có khoảng gần 400 người, hội trường khá đông đúc, chật chội.
Trước khi mở màn, người hướng dẫn bày ra các trò chơi kết nối, với việc từng người giới thiệu tên, tuổi, địa vị xã hội. Trò chơi cũng đậm tinh thần “khát khao làm giàu” khi người chơi liên tục hô to các khẩu hiệu: Nắm bắt cơ hội, Làm giàu nhanh chóng, Nghĩ lớn để thành công… Trò chơi dường như là màn “khởi động” nhằm kích thích ham muốn làm giàu, thành công của những người tham gia khóa học.
Diễn giả khi phát biểu cũng toàn những nội dung rất đao to búa lớn và chung chung, như hãy mạnh mẽ, dám vứt bỏ tất cả để thực hiện ước mơ, nếu không nghĩ khác đi, thay đổi tư duy sẽ mãi mãi ở một chỗ, hãy làm việc làm sao để đến 40 tuổi đã có thể nghỉ hưu và đi du lịch khắp thế giới… Diễn giả cũng tự lấy mình ra làm ví dụ, trước kia là nhân viên văn phòng, nhờ dám nghĩ, dám làm, đã bỏ việc văn phòng, ra ngoài kinh doanh và giờ đây có hàng loạt bất động sản, tiền bạc rủng rỉnh…
Cuối cùng, diễn giả tiết lộ công việc mình đang làm, học viên mới vỡ lẽ, thì ra diễn giả làm việc tại công ty bán hàng đa cấp T.N. Tiếp đó, tất nhiên là những luận cứ để thuyết phục học viên tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp này để nhanh chóng làm giàu…
Theo tìm hiểu, khóa học “làm giàu” của công ty đa cấp này được tổ chức 2 tháng/ lần. Cứ mỗi lần như thế, có vài chục người gia nhập thêm mạng lưới đa cấp. Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên năm 4 Đại học Kinh tế TP HCM, từng là “nạn nhân” của một khóa học như thế chia sẻ, cách đây 6 tháng, Tuấn đã tham gia một buổi học, sau đó cảm thấy rất hứng thú với “chân trời mới” do diễn giả vẽ ra. Tuấn đã đóng một số tiền, tham gia bán hàng đa cấp. Một thời gian sau, hàng bán không được, bạn bè xa lánh, việc học giảm sút, Tuấn đành bỏ giấc mộng làm giàu, thiệt hại mất số tiền học phí và mua sản phẩm…Tuấn kể, bạn bè của Tuấn là sinh viên các trường đại học, không ít người đã “dính bẫy” đa cấp từ những lớp học “làm giàu” trá hình như thế.
Đằng sau những chiêu trò “truyền động lực”
Dễ nhận thấy, trong cơn sốt làm giàu ấy đã ra đời không biết bao ấn phẩm dạy làm giàu, những khóa học làm giàu, buổi truyền động lực làm giàu… Trong số đó, ngoài tự truyện và ấn phẩm miêu tả bước đường thành công trong sự nghiệp của các tỉ phú quốc tế, còn có không ít ấn phẩm của tác giả Việt Nam, có cả những doanh nhân… không ai biết là ai. Tương tự, không ít khóa học, buổi truyền động lực làm giàu, diễn giả được giới thiệu hoành tráng, thu nhập khủng, nhưng thực chất là những người “thành đạt” như thế nào không ai biết.
Điều đáng nói là, để thu hút sự quan tâm của dư luận, các ấn phẩm, khóa học, câu lạc bộ… truyền động lực làm giàu đều được đầu tư về truyền thông mạnh mẽ, với những “cam kết” vô tội vạ kiểu như: Giúp thay đổi tư duy, khóa học giúp đổi đời, thay đổi số phận, làm giàu dễ dàng, nhanh chóng với các “tuyệt chiêu”… Trên thực tế, hầu hết ấn phẩm về làm giàu thực chất là một phương tiện để xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu cho những doanh nghiệp. Tương tự, đa phần các khóa học làm giàu cấp tốc, thực ra chỉ có thể làm giàu cho… người tổ chức khóa học, bằng tiền của học viên. Còn những kiến thức và khẩu hiệu hô hào, chỉ có thể dùng để tham khảo cho vui, chứ không thể lấy làm kim chỉ nam cho sự nghiệp.
Mới đây, tại Huế, trong một buổi ra mắt sách và truyền động lực làm giàu, một doanh nhân đã lên khinh khí cầu và rải “cơn mưa” tiền xuống dưới. Lý giải của doanh nhân này, việc làm nói trên là nhằm “tán lộc”, thông qua “cơn mưa” tiền để truyền thông điệp là của cải luôn ở chung quanh, chỉ chờ người biết nắm bắt cơ hội… Tất nhiên, cách truyền động lực kiểu rải tiền, cùng với việc đám đông xúm xít nhặt tiền đã tạo nên một hình ảnh rất phản cảm, khiến đa phần cộng đồng không tiếp nhận được cách truyền “động lực” ấy.
Chính trào lưu làm giàu thiếu thực tế, mang tính thổi phồng, chưa nói đến xuất phát từ nguyên nhân tư lợi của một số người đã góp phần tạo ra một lớp các bạn trẻ sống ảo, mê làm giàu bất chấp và chỉ muốn làm chủ, muốn đi đường tắt để mau giàu, đó là một sự nguy hại trong tư duy của thế hệ trẻ. Làm giàu chưa bao giờ là dễ, làm giàu chân chính càng khó khăn hơn. Và, trước khi học cách làm giàu, người trẻ cần học cách lao động chân chính. Nếu bỏ qua những bước đi chập chững buổi đầu sẽ không bao giờ chạm được đến sự “giàu có” và “đổi đời” như những giấc mơ hoang đường mà các khóa học tiêm vào đầu họ.