Khắp mọi miền chung giọt nước mắt mừng vui
“Đã 69 năm trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Phan Văn Viễn (sinh năm 1895 tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) hy sinh. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù khi đó đã 52 tuổi nhưng ông Phan Văn Viễn vẫn tham gia đội tự vệ xã. Năm 1948, trên đường đi họp theo giấy triệu tập của Ủy ban kháng chiến xã, ông cùng ba đồng đội khác bị giặc Pháp phục kích bắt giam.
Nhiều đòn thù tra khảo tàn ác đã trút xuống, nhưng ông Viễn quyết giữ im lặng không khai báo nên giặc Pháp đã bắn chết ông. Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, thân nhân ông Phan Văn Viễn đã đi tìm hài cốt ông và đưa về nghĩa trang gia đình. Tuy nhiên, việc làm giấy tờ để ông Phan Văn Viễn được công nhận liệt sĩ vì lý do chiến tranh kéo dài liên miên và cuộc sống mưu sinh khó khăn, ly tán, nên tạm thời thân nhân của ông chưa thể lo được. Nay, hai người con trai của ông Phan Văn Viễn – một người đã hơn trăm tuổi, một người gần ngưỡng 90 đều chung một mơ ước trước khi về với tiên tổ, được cầm trên tay tấm Bằng Tổ quốc ghi công của người cha liệt sĩ của mình…”.
Trên đây là những thông tin từ câu chuyện kể của ông Phan Văn Suyền, 74 tuổi ở Khu phố 2, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị là cháu nội của liệt sĩ Phan Văn Viễn tại buổi lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 26/12/2017. “Khi gia đình tôi nhận được thông báo ông nội tôi được Nhà nước suy tôn liệt sỹ, cả nhà đã rất vui mừng, phấn khởi. Tấm bằng “Tổ quốc ghi công tôi nhận cho ông tôi hôm nay là một tài sản tinh thần quý báu, vô giá của gia đình, dòng họ, một niềm tự hào vô cùng lớn để các thế hệ con cháu trong gia đình noi gương học tập, lao động và cống hiến cho quê hương, đất nước” - ông Suyền rưng rưng.
Ông Nguyễn Minh Đức ở Hoài Đức, Hà Nội năm nay đã 88 tuổi là con trai của liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm. Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ Nguyễn Minh Đức vẫn nhớ như in những ngày tháng lịch sử. Thân sinh của cụ là cụ Nguyễn Ngọc Gấm từng tham gia Trung đoàn 48 năm 1946, do sức khỏe yếu nên được đơn vị cử về địa phương hoạt động bí mật.
Đến tháng 10/1950, ông Nguyễn Ngọc Gấm bị chỉ điểm, địch phát hiện rồi đào tung hầm nơi liệt sỹ ẩn náu để giết hại. Ông Nguyễn Ngọc Gấm khi ấy đã anh dũng cầm lựu đạn tự sát và tiêu diệt quân địch. Sau 30 năm làm hồ sơ để được công nhận liệt sỹ và sau hơn nửa thế kỷ kể từ khi liệt sỹ Nguyễn Ngọc Gấm hy sinh, người con trai của liệt sĩ đã được nhận tấm Bằng Tổ quốc ghi nhận công lao của cha mình.
Xúc động nghẹn ngào, cụ Đức chia sẻ: “Được cầm tấm bằng này tôi mãn nguyện lắm, sống đến giờ cũng chỉ mong có thế. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã truy tặng, công nhận, vinh danh cha tôi”.
Ông Nguyễn Văn Nam, con trai liệt sỹ Nguyễn Văn Hường lặn lội đường sá từ Điện Biên về Hà Nội để nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho người cha đã hy sinh. Cầm tấm bằng trên tay, ông Nam kể, đến nay ông cũng chỉ biết đến mặt cha qua những bức ảnh còn sót lại. Khi liệt sỹ Nguyễn Văn Hường hy sinh năm 1960, ông Nam mới tròn 6 tháng tuổi.
Ông cho biết: “Theo những hồ sơ còn lại, bố tôi đã hy sinh trong một trận ném bom của quân địch xuống tỉnh Lai Châu cũ, nay là tỉnh Điện Biên”. Sau khi cha hy sinh, một mình mẹ ông nuôi 5 người con, đời sống kinh tế khó khăn, vất vả, cũng vì thế mà đến tận năm 1985, gia đình mới có điều kiện làm hồ sơ để cha ông được công nhận liệt sỹ. Do còn một số vướng mắc, nên năm 2017, gia đình ông Nam mới được đón nhận tấm bằng Tổ quốc ghi công. “Bao năm qua, dù nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi chưa từng nản chí, tôi tin rằng, đến một ngày nào đó, sự hy sinh vì đất nước của bố tôi sẽ được công nhận” – ông Nam chia sẻ trong xúc động.
Lời hứa và động lực
Đi cùng với niềm vui của những gia đình thân nhân liệt sĩ là nỗi niềm day dứt khôn nguôi của những người làm công tác người có công. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã từng chia sẻ rằng: “Trải qua các thời kỳ kháng chiến, chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều cơ quan quản lý thay đổi, người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ. Bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ lên đường không bao giờ nghĩ đến giấy tờ riêng cho mình và cũng không giữ được giấy tờ gốc...
Mặc dù các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn căn cứ, giấy tờ gốc bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả như mong muốn, nguyện vọng của người có công và thân nhân, đặc biệt là đối với những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là một điều trăn trở và day dứt đối với thế hệ chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp”.
Từ nỗi niềm day dứt ấy, trong phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 18/4/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã hứa cố gắng phấn đấu làm càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt việc quy tập và xác định danh tính liệt sĩ, bởi chiến tranh đã qua lâu, nếu không nhanh thì cơ hội càng ít. Lời hứa này đã và đang được ngành LĐ-TB&XH nỗ lực thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với mục tiêu hết năm 2017 căn bản giải quyết xong hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) tại các tỉnh, thành phố và trong cơ quan quân đội, công an. Được biết, trong công tác xử lý những hồ sơ tồn đọng, đối mặt với những câu hỏi về tư liệu, nhân chứng lịch sử không đầy đủ hoặc không còn, ngành LĐ-TB&XH đã yêu cầu các địa phương phải bằng mọi cách tích cực nhất, khai thác tối đa các nguồn thông tin từ nhiều kênh khác nhau.
Nhiều nơi đã phải thu thập thông tin từ hồ sơ để lại của các nhà tù của địch trước đây hoặc từ những tài liệu, sổ sách, những quyển nhật ký và mọi giấy tờ có liên quan. Có nơi như tỉnh Long An, Vĩnh Long, An Giang phải tổ chức họp hoặc đến tận nhà xin ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ. Có trường hợp để công nhận liệt sĩ hôm nay, tổ chức và địa phương đã phải xác minh tại 3 quân khu, 4 địa phương. Những hồ sơ còn có những điểm chưa rõ hoặc thiếu cơ sở vững chắc đều được tổ chức xác minh làm rõ và kết luận.
Tất cả danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ đều được đưa ra lấy ý kiến của nhân dân, trước hết là các bậc lão thành cách mạng, tiền khởi nghĩa, những người hoạt động kháng chiến, các cụ cao niên và được niêm yết, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp xã cho đến cấp tỉnh và trung ương. Tất cả những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự nhất trí hoàn toàn của các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và đến nay không có bất kỳ ý kiến nào khác qua niêm yết, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp…
Từ việc triển khai thí điểm giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng tại 5 địa phương Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An qua đó rút kinh nghiệm triển khai toàn quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp, đổi trên 50.000 Bằng Tổ quốc ghi công làm cơ sở để giải quyết chính sách; toàn quốc đã xác nhận 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đặc biệt đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xác nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với với 1.250 liệt sĩ, trong đó có những liệt sĩ hy sinh từ thời kỳ chống Pháp (người hy sinh lâu nhất là 86 năm, là cụ Nguyễn Văn Sớm, quê xã Chánh Hội, xã Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), nhiều liệt sĩ không còn thân nhân mà chính quyền và ngành Lao động sẽ thay gia đình để hương khói...
Tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công đợt 3 ngày 26/12/2017, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kể về hình ảnh Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng hơn 80 tuổi, nụ cười rạng rỡ mà nước mắt lưng tròng cùng đàn con cháu ôm tấm Bằng Tổ quốc ghi công mà Đảng, Nhà nước vừa trao tặng cho người chồng của mẹ dịp 27/7 đi vào viếng Bác. Người mẹ ấy chỉ mong có ngày này để cả gia đình (bao gồm cả ông ấy - lời mẹ) cùng được vào viếng Bác. “Hình ảnh đó đã trở thành động lực cho những người làm chính sách chúng tôi trên hành trình xử lý hồ sơ và xác minh thông tin cho người có công với cách mạng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Quy trình 7 bước bao gồm: Sở LĐTB &XH nghiên cứu hồ sơ, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố; Họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành cho ý kiến; Các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ và xác minh theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố và gửi lại hồ sơ cho Sở LĐTB&XH để tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho Ban Chỉ đạo; Công khai và thu thập thông tin; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố họp nghe Sở LĐTB&XH báo cáo tình hình và kết quả thu thập ý kiến và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cho ý kiến từng trường hợp; Tổ công tác T.Ư nghiên cứu từng hồ sơ đã hoàn thiện và đề xuất ý kiến từng trường hợp nào đủ điều kiện để giải quyết và cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp nào không đủ điều kiện giải quyết với lý do tại sao; Đề nghị xác nhận chính thức.