Hôm này - 18/5, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu như trên khi dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Nhiều khoản hỗ trợ đã đi vào cuộc sống
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã chuẩn bị và tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Phó Thủ tướng phân tích, Nghị quyết 11 đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng chừng 347.000 tỷ. Trong số này, nhiều khoản hỗ trợ đã đi vào cuộc sống như khoảng 46.000 tỷ dành cho việc chi mua vaccine và trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19; giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa dịch vụ… mà doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch, đã có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, qua đó giúp kiểm soát được chỉ số lạm phát bình quân của 4 tháng đầu năm 2022…
Trong gói hỗ trợ chung, có khoản 38,4 nghìn tỷ dành cho tín dụng chính sách với 5 chương trình giao cho NHCSXH thực hiện. Hiện nay, cả 5 chính sách này Chính phủ đã xây dựng xong các quy định. Chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 4/2022), chúng ta đã huy động được 2.600 tỷ để triển khai thực hiện 4 chương trình (còn 1 chương trình về cho vay ưu đãi để phát triển chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đang chờ hoàn thiện văn bản hướng dẫn).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả này có được là do có sự nỗ lực của cả hệ thống, từ sự chỉ đạo của Trung ương, tới Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của các bộ ngành, địa phương. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng biểu dương NHCSXH đã vào cuộc rất chủ động phối hợp với các bộ ngành để triển khai Nghị quyết 11 hiệu quả.
“Ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, cùng ngày NHCSXH đã ban hành Kế hoạch 933 và tổ chức hội nghị triển khai thực hiện. Tôi đánh giá rất cao, rất ấn tượng với sự chủ động của các đồng chí”, Phó Thủ tướng ghi nhận.
Quang cảnh Hội nghị. |
Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt, tới nay sau 3 tháng, vừa làm vừa giải ngân, vừa làm vừa bố trí vốn, dù rất áp lực về mặt thời gian nhưng đến nay NHCSXH đã giải ngân 4 chương trình tổng số 2.319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…
Hai việc quan trọng trong giải ngân tín dụng ưu đãi
Về các giải pháp giải ngân trong thời gian tới, bày tỏ đồng tình với báo cáo của NHCSXH, ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý 2 việc. Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có văn bản hướng dẫn ưu đãi đối với cái chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các bộ ngành, địa phương phản ánh kịp thời để có biện pháp tháo gỡ để chính sách đi vào cuộc sống. Bộ Tài chính phải nhanh chóng tiếp thu sau khi xin ý kiến thành viên Chính phủ về Nghị định hướng dẫn hỗ trợ lãi suất đối với những khoản vay trên 6%.
Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với NHCSXH triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho NHCSXH để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu NHCSXH phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách. Đồng thời, đề nghị là cấp ủy và chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ rồi thì tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai các chính sách an sinh.
Phó Thủ tướng mong muốn Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đặc biệt là các chính sách cho vay ưu đãi đến các cấp, các ngành và nhân dân biết và thực hiện, giám sát.