Dự tính thu 1.000 đồng/km/xe
Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết: Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, hiện phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân theo xe đơn vị là 2.518 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Như vậy, nếu phải nộp phí khoảng 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng/km.
Hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay (tổng dài 196 km), nếu thực hiện thu phí dịch vụ đường cao tốc với mức thu là 1.000 đồng/km/xe tiêu chuẩn thì dự kiến hàng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng bổ sung cho việc đầu tư cải tạo hệ thống đường cao tốc hiện hành cũng như bổ sung vốn đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc mới.
Tỷ lệ tuyến đường cao tốc hiện có so với quy hoạch ở nước ta hiện nay mới đạt khoảng 15%. Trong khi đó, đầu tư xây dựng đường cao tốc đòi hỏi số lượng vốn rất lớn, trong khi nguồn lực Nhà nước còn hạn chế nên cần thiết phải huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển đường cao tốc. Vì vậy, cần bổ sung quy định thu phí hoặc giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Đối với phương án thu phí dịch vụ sử dụng đường cao theo quy định pháp luật về giá, Bộ Tài chính cho rằng quy định như vậy phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020. Trong đó, giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công nghiên cứu áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư.
Mặt khác, quy định theo cơ chế giá cũng khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ. Ngoài ra, với việc mức thu phí dịch vụ sẽ được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án và thời gian thu hoàn vốn dự án. Hết thời gian hoàn vốn sẽ dừng thu như các dự án xây dựng đường cao tốc đầu tư theo hình thức PPP. Điều này tránh được phản ứng của người dân, doanh nghiệp và dư luận xã hội cho rằng “phí chồng phí”.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư quy định thu phí dịch vụ theo cơ chế giá là không đúng bản chất; Bộ GTVT và địa phương phải thành lập công ty để quản lý thu phí dịch vụ đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Còn phương án quy định thu phí sử dụng đường cao tốc theo quy định pháp luật về phí, lệ phí sẽ góp phần đảm bảo nguyên tắc tại Luật phí và lệ phí là dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thu phí. Song, nhược điểm lớn nhất của phương án này là không minh bạch trong xác định mức thu phí, sẽ có nhiều ý kiến cho rằng “phí chồng phí” vì hiện nay đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, nay lại thu phí sử dụng đường cao tốc qua trạm thu phí. Do đó, để đảm bảo công khai, minh bạch, đồng bộ với thu phí dịch vụ hoàn vốn các dự án BOT, Bộ tài chính nghiêng về phương án thu phí theo cơ chế giá.
Chỉ áp dụng thu phí với đường cao tốc có đường song hành
Theo bà Đào Thanh Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT: việc thu phí cao tốc chỉ áp dụng cho đường có đường song hành để người dân lựa chọn, chứ không phải đường độc đạo như trước kia. Đánh giá thêm về ưu, nhược điểm của mỗi phương án, bà Đào cho rằng việc thu theo cơ chế phí sẽ góp phần tạo nguồn thu ngân sách; linh hoạt trong sử dụng phí thu được; linh hoạt trong xác định mức thu; không trùng với phí hàng năm thu do có đường song hành; thời gian triển khai nhanh (chỉ cần bổ sung thêm vào danh mục thu phí, lệ phí là có thể thu được).
Còn nếu thu theo cơ chế giá sẽ phải xây dựng cơ chế đặc thù cho doanh nghiệp đứng ra thu phí; phí thu được không phải khoản thu ngân sách để hoàn vốn dự án; mức giá không linh hoạt như thu phí. Đặc biệt, khi giao doanh nghiệp thu phí cao tốc theo cơ chế giá thì phải giao vốn nhưng để xác định được giá trị một con đường để đưa vào vốn của doanh nghiệp là việc vô cùng khó khăn. Với những phân tích trên, Bộ GTVT đồng tình với phương án thu theo cơ chế phí.
Còn đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị, Bộ kế hoạch đầu tư khẳng định việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ tác động của từng phương án với đến người dân, tránh việc người dân phải chịu thêm một khoản phí khác. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tăng cường tính phản biện xã hội đối với các chính sách pháp luật.
Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên, PGS.TS Dương Đăng Huệ nhấn mạnh cần phải xử lý được các vấn đề chính đó là: thu ở đường nào, mức thu bao nhiêu là hợp lý, thu theo giá dịch vụ hay phí dịch vụ? Theo quan điểm cá nhân, để phù hợp với Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội, ông Huệ ủng hộ phương án thu theo giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn Nhà nước đầu tư.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao sự cần thiết ban hành Nghị quyết song cần thống nhất về nhận thức, quan điểm thu theo cơ chế giá hay phí? Cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá sâu hơn ưu, nhược điểm của từng phương án dưới các khía cạnh khác nhau như: cơ sở pháp lý; quyền lợi người dân; tác động đến chính sách thu hút nguồn vốn, thu ngân sách, phân bổ vốn đầu tư công… Cùng với đó, cũng cần đánh giá kỹ hơn sự liên quan giữa các quy định của dự thảo Nghị quyết với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Giá, Luật phí và lệ phí…
“Cần làm rõ cách thu như thế nào, sẽ thu loại đường cao tốc nào? Theo đó, việc thu phí cao tốc cần đảm bảo nguyên tắc chỉ áp dụng cho đường có đường song hành và được đầu tư mới, như vậy mới thuyết phục được người dân”, Thứ trưởng lưu ý.