Tranh chấp liên quan tới sở hữu trí tuệ: Khó áp dụng án lệ trong giải quyết

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Thực tế hiện nay, ở rất nhiều lĩnh vực của sở hữu trí tuệ (SHTT) những hành vi như vi phạm bản quyền, đạo ý tưởng, copy mẫu mã thương hiệu… vẫn thường xuyên diễn ra. Song, các vụ kiện bảo vệ quyền SHTT dù vẫn được thụ lý giải quyết nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu và những bức xúc của xã hội. 

Vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp

Đầu năm 2019, câu chuyện 12 năm hành trình đòi lại quyền SHTT của 4 hình tượng nhân vật trong bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt” của hoạ sĩ Lê Phong Linh với Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.

Việc toà án tuyên bố ông Lê Phong Linh là tác giả của bộ truyện này không chỉ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng bạn đọc mà rất nhiều tác giả khác trong mọi lĩnh vực sáng tác, đặc biệt nhiều nhất vẫn là trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Hiện nay, bảo vệ quyền SHTT không chỉ là mối quan tâm của từng quốc gia, khu vực mà là mối quan tâm chung của toàn thế giới.

Với vai trò là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã ký kết và tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương về bảo vệ quyền SHTT, điển hình như: Công ước Bern về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật; Công ước Giơ-ne-vơ về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm; Công ước Brúc-xen về phân phối tín hiệu mang chương trình truyền qua vệ tinh; Công ước Rôm về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng, Hiệp định Trip về những khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền SHTT; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương…

Trước đây, việc xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan xảy ra rất nhiều, gây ra nhiều nhức nhối. Các nhà nghiên cứu cho rằng, một số nguyên do chính dẫn đến kiện tụng, tranh chấp là do thiếu cơ sở pháp lý giữa các đối tác khi làm việc với nhau, lúc làm việc thì thiếu thỏa thuận, giao kết trong hợp đồng không rõ ràng, dẫn đến việc “nhùng nhằng”, thiếu minh bạch; nhưng đến khi kiện nhau ra toà thì vẫn thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết. Chưa kể, nhận thức của người dân về vấn đề vi phạm SHTT vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang có những tác động đối với từng lĩnh vực và SHTT cũng không ngoại lệ. Theo Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục SHTT cho biết, thống kê năm 2016 có hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến IoT đã được nộp tại Cơ quan sáng chế châu Âu và tăng trưởng 54% chỉ trong 3 năm 2014-2016.

Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, ví dụ như bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm in bằng công nghệ 3D…

Thực tế đã và đang cho thấy diễn biến vi phạm quyền SHTT vẫn đang vận động theo hướng ngày càng phức tạp, dẫn chiếu từ các quy định sẵn có trong các văn bản pháp luật dường như chưa đủ, đặt ra thách thức lớn cho các nhà làm luật. Theo thông tin của Cục SHTT, với những ưu thế về thời gian, thủ tục và chi phí, bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hành chính hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động bảo vệ quyền SHTT.

Biện pháp hình sự được áp dụng đối với hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và sao chép lậu quyền tác giả, quyền liên quan ở quy mô thương mại, hoặc đạt tới các ngưỡng hình sự về trị giá hàng giả mạo, hàng sao chép lậu, thu lợi bất chính hoặc thiệt hại. Còn trong tố tụng dân sự, có thể còn ít hơn.

Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 đã có quy định Tòa án có thể áp dụng “các nguyên tắc cơ bản của án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật”.

Điều này đã mở rộng cho toà án áp dụng các nguyên tắc linh hoạt hơn trong xét xử, bên cạnh chỉ bó buộc trong các quy định của pháp luật dân sự, nhằm đáp ứng diễn biến thay đổi khôn lường trên thực tế. Tuy vậy, chỉ nói riêng về án lệ trong tố tụng dân sự liên quan tới SHTT vẫn còn rất hạn chế. Chưa kể tới, trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Luật Tố tụng Hành chính 2015 còn chưa quy định rõ ràng, cụ thể về nguyên tắc có được áp dụng án lệ hay không. 

Án lệ - cần có nhưng khó làm

Nói đến án lệ, người ta thường nói đến sự khiếm khuyết của các quy phạm pháp luật trong một hệ thống pháp luật. Theo nhà nghiên cứu, ThS. Cao Việt Thăng - Viện Nhà nước và Pháp luật, thông thường án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng.

Mới đây nhất là Thông tư 02/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp về quyền tác giả, quyền liên quan sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, được kỳ vọng sẽ góp phần siết chặt hành lang pháp lý, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền.

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

Nói cách khác, kết luận giám định tư pháp có ý nghĩa pháp lý quan trọng trong quá trình tố tụng và giải quyết các vụ tranh chấp liên quan tới SHTT.

Khi đó, tòa án sẽ viện dẫn những căn cứ pháp luật được coi là hợp lý để đưa ra một phán quyết có tính đột phá và bản án này sẽ được tòa án tối cao công bố là án lệ để áp dụng chung cho các trường hợp tương tự. Tuy nhiên, việc áp dụng án lệ ở Việt Nam nói chung đã khó, chứ chưa nói riêng đến trong lĩnh vực SHTT.

Việc xây dựng án lệ cũng phải tuân thủ những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt chứ không chỉ đơn thuần là phán quyết bất kỳ của toà án tối cao đối với một vấn đề mới. Đơn cử, phải tuân thủ các nguyên tắc của lập pháp, như tính thống nhất quy phạm, các nguyên tắc về thời hiệu, tính pháp chế. Án lệ muốn có được vị trí của mình trong hệ thống quy phạm pháp luật phải được thông qua bằng những cơ chế hợp pháp.

Mặt khác, khi các “khoảng trống” pháp lý đã được “lấp đầy” bằng quy định pháp luật, án lệ sẽ bị thay thế và huỷ bỏ. Trường hợp do có sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ. Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm cũng không áp dụng án lệ.

Từ đó cho thấy, điều kiện tồn tại án lệ cũng chỉ là những khoảng thời gian hạn chế chứ không phải cơ chế cố định để giải quyết về lâu dài. Đặc biệt, các vụ án liên quan đến SHTT liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, không cái nào giống cái nào, vậy đâu là tiêu chuẩn để công nhận một án lệ liên quan tới SHTT?

Nếu công nhận án lệ, nhưng các toà án không áp dụng cho các vụ án sau này thì việc công nhận có tác dụng hay không? Nếu áp dụng án lệ, toà án sẽ áp dụng như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tiễn, mà không mâu thuẫn với pháp luật thực định? Đó là những câu hỏi hiện vẫn chưa có được những câu trả lời thỏa đáng.

Luật sư Trương Thị Hòa - Đoàn Luật sư TP HCM: 

Người ta hay nói những nước mới phát triển như Việt Nam chẳng hạn, thì việc áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ luôn luôn chậm, từ vụ án này (vụ kiện bản quyền truyện tranh “Thần đồng đất Việt” - PV) cho thấy, tuy có chậm - kéo dài đến 12 năm nhưng cũng đã xét xử một cách khá thỏa đáng, trên cơ sở quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, qua đây cũng cho thấy, để thực thi Luật Sở hữu trí tuệ và các luật có liên quan, mỗi thành viên trong xã hội cần phải được giáo dục nhiều hơn để tránh những hành vi trộm cắp, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ như trong thời gian vừa qua, đó là lòng tự trọng, là văn hóa đạo đức của mỗi con người.

Ths. Cao Việt Thăng - Viện Nhà nước và Pháp luật: 

Ở nước ta, việc chưa thể áp dụng án lệ cũng có cơ sở của nó. Theo cách thức tổ chức quyền lực hiện tại, Tòa án chỉ là một cơ quan phái sinh đối với Quốc hội; như vậy, về thẩm quyền để ra một bản án có cơ sở áp dụng lâu dài (án lệ) có lẽ là điều thiếu thực tế vì thẩm quyền ban hành luật và thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế đều nằm trong tay Quốc hội.

Do đó, việc sáng tạo luật chắc cũng khó có cơ chế dành cho Tòa án. Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử ở nước ta từ trước đến nay cũng chưa thấy viện dẫn được những trường hợp cụ thể về việc thiếu quy phạm pháp luật điều chỉnh hoặc xung đột pháp luật để làm cơ sở chính đáng cho việc ra đời một bản án lệ.

Nhà văn Phong Điệp: 

Bất kỳ người sáng tác nào hay văn nghệ sĩ nào cũng đều muốn bản quyền của mình được bảo vệ, nhưng thông qua những vụ kiện bản quyền thời gian qua khiến cho nhiều nghệ sĩ cảm thấy nản vì việc phải mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc vào việc kiện tụng, đấu tranh.

Văn nghệ sĩ họ sống theo cảm xúc và điều này đã làm cho họ mệt mỏi, không sáng tác được nữa nên phải buông tay. Do đó, tôi thiết nghĩ, ngoài việc các nghệ sĩ phải tự bảo vệ bản quyền của mình thì cần phải có những cơ quan, tổ chức chuyên sâu trong từng lĩnh vực đứng ra hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người sáng tạo, giữ được sự lành mạnh trong môi trường sáng tạo. 

D.Bảo  (tổng hợp)

Đọc thêm

Mâu thuẫn đất đai đứa cháu giết cô ruột dã man

Nguyễn Minh Trường đến cơ quan Công an đầu thú.
(PLVN) -  Sáng ngày 18/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Minh Trường (SN 1990 , trú ấp Phú Hòa 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) để tiếp tục điều tra về hành vi “Giết người”.

Bắt tạm giam chủ tịch UBND xã và kế toán ở Bắc Giang

Cơ quan Cảnh sát điều tra tống đạt các quyết định và lệnh đối với Nguyễn Văn Quang.
(PLVN) - Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND thị trấn An Châu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo bà Vi Thị Thắm, Kế toán UBND thị trấn An Châu thực hiện trái công vụ, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước số tiền 340 triệu đồng.