Theo Báo cáo phát triển 2010 về Các thể chế hiện đại do Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây, chỉ có khoảng 10% doanh nghiệp (DN) sử dụng toà án (TA) để giải quyết các tranh chấp. Nguyên nhân được bản báo cáo này chỉ ra là do DN chưa có đủ sự tin tưởng cần thiết để gửi gắm vụ việc của mình cho TA giải quyết…
Chỉ có 7% nói rằng khi xảy ra tranh chấp giải pháp đầu tiên của họ là đưa ra TA giải quyết (Ảnh minh họa) |
Mệt mỏi hầu tòa
Tranh chấp trong làm ăn, một DN ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đâm đơn kiện đại lý, DN nhập khẩu uỷ thác ra toà. Với 2 vụ kiện, Ở các phiên xử sơ thẩm, DN này thắng, thế nhưng đến phúc thẩm, lại thua. Vụ việc dùng dằng mất 2- 3 năm mà vẫn chưa có hồi kết vì DN vẫn vớt vát kêu lên đến “giám đốc thẩm”. Vụ việc chỉ có thế nhưng 2 cấp xét xử ra hai bản án trái ngược nhau khiến DN “không biết đâu mà lần”. Tốn kém về tiền bạc, thời gian song điều quan trọng là DN mất cơ hội làm ăn và mệt mỏi thêm…
Đây không phải là trường hợp cá biệt. Theo báo cáo của WB, trong một khảo sát so sánh 34 quốc gia- chủ yếu là các nước trong thời kỳ chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường thuộc Trung Âu, Đông Âu và LB Xô Viết (cũ), Việt Nam là nước chưa có đầy 10% DN đã sử dụng TA để giải quyết tranh chấp trong vòng 3 năm trước cuộc khảo sát. Theo WB, điều này không có nghĩa TA là lĩnh vực cải cách ít được ưu tiên. Ngược lại, khi xã hội ngày càng phân quyền, người dân đòi hỏi cao hơn ở bộ máy nhà nước, hoạt động kinh tế ngày càng phát triển thì TA ngày càng phải đối mặt với sức ép ngày một tăng trong trong việc thực thi công lý, công bằng và hiệu quả. Trên thực tế, khối lượng vụ việc ở cơ quan TA tăng theo tốc độ tăng trưởng kinh tế chứ không phải tốc đô tăng dân số…
Theo khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2008, phiếu điều tra yêu cầu DN nêu lên những loại tranh chấp mà họ gặp phải nhiều nhất và sau đó liệt kê 3 phương thức giải quyết tranh chấp mà họ thường sử dụng nhất, chỉ có 7% nói rằng giải pháp đầu tiên của họ là đưa ra TA giải quyết, thậm chí có 1,1% lựa chọn câu trả lời “Không làm gì cả, DN hoàn toàn bất lực” (!?)
Thiếu lòng tin?
Vì sao DN ít đưa tranh chấp của họ ra TA giải quyết? Theo các chuyên gia của WB, nguyên nhân rất dễ suy đoán, đó chính là thiếu lòng tin vào TA và trên thực tế đó chính là một phần nguyên nhân. Khi được hỏi liệu DN có đồng ý với nhận định rằng họ tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ hợp đồng và các quyền tài sản của họ trong các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh, chỉ có 20% DN trả lời không đồng ý, nhưng mặt khác chỉ có 10% lựa chọn hoàn toàn đồng ý.
Theo các chuyên gia của WB, điều này cho thấy còn rất nhiều điều cần cải thiện. Ngoài ra, những DN lựa chọn câu trả lời hoàn toàn không đồng ý là những DN có quy mô lớn. “Có thể là do các DN lớn thường có những mối quan hệ thương mại phức tạp hơn!”- Bản báo cáo của WB nhận định. Điều khiến cho các chuyên gia của WB không khỏi lo ngại là tình hình này không có xu hướng được cải thiện. Nếu tập trung vào những DN đã tham gia khảo sát PCI trong nhiều năm, tỷ lệ DN tin rằng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ các quyền của họ không tăng, thậm chí còn giảm nhẹ.
Theo nhận định của WB, các mối quan hệ thị trường ngày càng tăng, cùng với các quy định pháp luật thiếu rõ ràng và hiểu biết pháp luật còn nghèo nàn sẽ làm tăng nhanh số vụ tranh chấp. Vì vậy, thách thức đặt ra là rất lớn - Phải tăng cường niềm tin với TA để giải quyết các tranh chấp độc lập và hiệu quả, và nâng cao năng lực để giả quyết khối lượng vụ việc ngày càng tăng…
THANH THANH