Tranh cãi vụ doanh nhân bị cướp 35 tỷ đồng tiền ảo

Nhóm 7 đối tượng bị bắt và bị khởi tố về tội danh “Cướp tài sản” khi sau có hành cướp tiền ảo của ông Nguyên
Nhóm 7 đối tượng bị bắt và bị khởi tố về tội danh “Cướp tài sản” khi sau có hành cướp tiền ảo của ông Nguyên
(PLVN) - Một doanh nhân kinh doanh tiền ảo trên mạng bị nhóm đối tượng chặn đường, khống chế rồi chiếm đoạt số tiền ảo được cho có giá trị 35 tỷ đồng. Các đối tượng bị bắt giữ và bị khởi tố tội “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, hiện đang có hai luồng ý kiến đang tranh cãi tiền ảo có phải là tài sản hay không? Nếu không phải tài sản thì không thể cáo buộc các bị cáo “cướp tài sản” được.

Bắt cóc để cướp tiền ảo

Như đã thông tin, trưa 17/5, ông Lê Đức Nguyên (SN 1988) được biết đến là một doanh nhân chuyên đầu tư vào lĩnh vực tiền ảo, cùng gia đình từ Lâm Đồng về TP HCM, khi đến đầu đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây thì xảy ra va chạm với một ô tô khác.

Sau khi dừng xe, 3 người xuống xe để giải quyết vụ việc thì một nhóm người đi trên 2 ô tô khác ập đến, đưa ông Nguyên và vợ con lên ô tô rồi chở đi. Cùng lúc này, một người vào xe của nạn nhân giật đứt camera hành trình rồi lái xe đi theo.

Ba nạn nhân bị nhóm cướp đánh đập, dùng súng đe dọa bắt cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu ví điện tử trên điện thoại. Sau khi chuyển số tiền ảo được cho rằng có giá trị 35 tỷ đồng qua tài khoản khác, nhóm cướp thả gia đình ông Nguyên tại một khu vực vắng vẻ ở quận 2 rồi tẩu thoát. Gia đình nạn nhân tự giải thoát và trình báo công an về vụ việc.

Sau khi điều tra, ngày 21/6, Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ và khởi tố 7 nghi phạm với cáo buộc “Cướp tài sản”. Danh tính nhóm 7 người bị khởi tố gồm: Hồ Ngọc Tài (SN 1989), Trần Ngọc Hoàng (SN 1983, cùng quê Đà Nẵng), Mai Xuân Phốt (SN 1992, quê Quảng Nam), Nguyễn Văn Đức (SN 1996, quê Đắk Lắk), Trương Chí Hải (SN 1989), Trịnh Tuấn Anh (SN 1985) và Bùi Quang Chung (SN 1996, cùng ở TP HCM).

Ông Nguyên thường xuất hiện với tư cách là diễn giả tại các buổi thuyết trình về kinh doanh tiền ảo. Đầu năm 2018, ông giới thiệu với nhiều người rằng đã thương lượng thành công với các chuyên gia tài chính nước ngoài để đưa một loại tiền ảo mới có tên Pincoin về Việt Nam. Ông Nguyên khi đó kêu gọi nhiều người đầu tư vào để cùng tham gia xây dựng thương hiệu cho đồng Pincoin và đổi lại sẽ thu được lợi nhuận khủng.

Để tham gia mua đồng Pincoin, nhà đầu tư trước hết phải nộp tiền ảo Bitcoin vào tài khoản ông Nguyên. Những người không có Bitcoin thì phải dùng USD để mua Bitcoin rồi chuyển qua Pincoin. Một thời gian sau, sàn tiền ảo Pincoin bất ngờ sập và có thông tin cho rằng là do bị hacker tấn công.

Không thể lấy lại được tiền của mình và cho rằng bị ông Nguyên lừa, nhóm đối tượng lên kế hoạch lấy lại tiền đã đầu tư. Nhóm đối tượng thuê Mai Xuân Phốt tìm hiểu đường đi nước bước để thực hiện kế hoạch uy hiếp, chiếm mật khẩu. Phốt sẽ được trả công một tỷ đồng sau khi “phi vụ” thành công.

Phốt sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao trái phép, đặt giám sát, nắm toàn bộ lịch trình của gia đình ông Nguyên. Chúng nhiều lần lên kế hoạch tiếp cận ông này nhưng đều bỏ dở vì đó là những chỗ đông người, sợ bị phát hiện.

Đến giữa tháng 5, gia đình doanh nhân từ Sài Gòn đi Đà Lạt, nhóm nhà đầu tư tiền ảo thuê thêm người, chọn địa điểm ra tay là nơi vắng vẻ trên đường dẫn lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây (thuộc tỉnh Đồng Nai) và thực hiện vụ việc như trên.

Trong số nhóm đối tượng bị bắt giữ, có một số người tham gia đầu tư vào tiền ảo Pincoin của ông Nguyên. Đối tượng Hồ Ngọc Tài được cho là đã đầu tư 10 tỷ đồng vào tiền ảo Pincoin nhưng sau khi sập sàn thì mất trắng, không lấy được tiền.

Tiền ảo có phải là tài sản hay không?

Đây là vụ “cướp tiền ảo” đầu tiên từ trước đến nay, do đó gặp phải nhiều tranh cãi khi nhiều chuyên gia pháp lý đặt vấn đề “tiền ảo” có phải là tài sản hay không? Và hành vi của các đối tượng có phải cướp hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng không thể xử lý các đối tượng trên tội “Cướp tài sản”. Bởi vì “Cướp tài sản là dùng thủ đoạn, vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản”. Như vậy thì cần phải xác định có tài sản bị chiếm đoạt thì mới cấu thành tội cướp”.

Căn cứ Điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 thì “Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử”.

Tại khoản 6, khoản 7 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP thì: “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc quy định nêu trên”.

Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Theo Luật sư, cả ba căn cứ trên cho thấy, Bitcoin hoặc Pincoin hoặc tiền ảo đều không được pháp luật Việt Nam công nhận là hàng hóa, tài sản hoặc được phép quy đổi thành tiền, hiện vật có giá trị ngoài thực tế.

Ngoài ra, việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Pincoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Việc giao dịch, sử dụng và phát hành các loại tiền ảo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng hoặc bị xử lý hình sự tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015.

Một ý kiến khác lại thì có quan điểm ngược lại, cho rằng hành vi của các đối tượng đã cấu thành tội “Cướp tài sản”. “Nhận thức chủ quan của nhóm đối tượng thì tiền ảo là tài sản. Tội cướp tài sản là tội hình thức. Ở đây, dùng vũ lực đã có, ý thức chiếm đoạt đã có nên đủ yếu tố cấu thành tội phạm”, chuyên gia pháp luật có ý kiến trái ngược Luật sư Quynh nói.

Theo Cục Cảnh sát hình sự thì công an đang tập trung điều tra về hành vi cướp tài sản. Nội dung kinh doanh tiền ảo sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu, đánh giá căn cứ các quy định pháp luật, từ có có hình thức xử lý phù hợp.

Đọc thêm

Phát hiện thi thể nữ sinh đại học dưới hồ Láng

Cảnh sát PCCC&CNCH đưa thi thể nạn nhân lên bờ. Ảnh: Công an cung cấp
(PLVN) - Khoảng 10h50 sáng 7/5, những người dân đi qua khu vực cổng sau Bệnh viện phụ sản Hà Nội, ven hồ Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Hà Nội) bất ngờ phát hiện dưới mặt hồ nổi lên một phần thi thể người.

Vụ án lừa đảo hơn 182 tỉ đồng tại Nghệ An

Trụ sở TAND tỉnh Nghệ An. (Ảnh trong bài: Trung Thứ)
(PLVN) - Tại phiên tòa xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 182 tỉ đồng, một số người đưa quan điểm: Còn một số tình tiết chưa được làm sáng tỏ, cần tránh trường hợp tội phạm bị bỏ lọt.

Tuyên án đối với thuyền trưởng đưa người đi đánh bắt thuỷ sản trái phép

Tuyên án đối với thuyền trưởng đưa người đi đánh bắt thuỷ sản trái phép
(PLVN) - Ngày 6/5, tại thị trấn Sông Đốc, TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm đối với Phạm Văn Nghệ (SN 1971, thường trú tỉnh Bến Tre, tạm trú khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) về hành vi “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Bắt 'bà trùm' ma túy Hương 'Chăm'

Nguyễn Thị Hương và đồng bọn. Ảnh: CACC
(PLVN) - Nguyễn Thị Hương (tức Hương “Chăm”) đã móc nối với một số đối tượng tỉnh ngoài và các đối tượng "cộm cán" trên địa bàn TP Thanh Hóa hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên tỉnh.