Tranh cãi vụ án chi “hoa hồng” cho các chủ đầu tư

 Tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Tòa tuyên trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
(PLO) - “Số tiền 1,1 tỷ đó, bị cáo đã dùng để chi hoa hồng cho các chủ đầu tư. Đó là khoản chi phí hợp lý, được trích ra từ tiền công khoán việc của người lao động và người lao động đã đồng ý. Đó không phải tiền từ ngân sách nhà nước. Bị cáo không làm thất thoát tiền nhà nước. Nếu thất thoát, cũng là thất thoát tiền của người lao động, nhưng người lao động không có ý kiến””, bị cáo phân bua tại tòa.

Chi phí “hoa hồng hợp lý”

Phiên tòa “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành xét xử sơ thẩm. Hai bị cáo trong vụ án là Lê Hữu Lam (Sn 1967, ngụ tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm trực thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế), và bị cáo Nguyễn Lợi (Sn 1975, ngụ tại Huế, nguyên Trưởng phòng kế hoạch – tài chính thuộc trung tâm trên).

Cả hai bị cáo được tại ngoại, đến tòa án cùng người thân. Bị cáo Lam dáng mệt mỏi, thiếu sinh khí, khác hẳn với vẻ năng nổ, sốc vác của ngày trước. Bị cáo Lam từng là giám đốc Trung tâm tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm (viết tắt là trung tâm) trực thuộc ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là Trung tâm xúc tiến tư vấn đầu tư dịch vụ việc làm thuộc Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp có thu, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn là quy hoạch, đầu tư, xây dựng, nguồn nhân lực, việc làm, du lịch và dịch vụ, đất đai và tham mưu quản lý trên các lĩnh vực được giao. Nguồn thu chính của trung tâm là từ hoạt động dịch vụ đo vẽ lập bản đồ địa chính, những chi phí phát sinh liên quan đến hoạt động dịch vụ đều được chi ra từ nguồn thu dịch vụ này.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian bị cáo Lam giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại trung tâm, bị cáo Lam cùng bị cáo Lợi đã lợi dụng vào chính sách tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập có thu, Lam đã chỉ đạo nâng khống chi phí thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới.

Đối tượng đồng thời đưa ra chủ trương khoán sản phẩm nhằm tăng thu nhập cho người lao động và trích tiền hoa hồng (tiền %) cho chủ đầu tư, nhằm duy trì công việc thường xuyên cho trung tâm, dẫn đến gây thiệt hại về tài sản cho trung tâm.

Theo đó, từ năm 2011 đến năm 2015, Lam đã chỉ đạo Nguyễn Lợi – Kế toán trung tâm nâng khống chi phí giao khoán tiền công thực hiện công trình quy hoạch nông thôn mới 4 xã của huyện A Lưới từ 35% lên thành 75% tương ứng với số tiền từ 172 triệu đồng lên thành 369 triệu đồng.

Số tiền chênh lệch Lam chỉ đạo để ngoài sổ sách, sử dụng vào các chi phí nhưng không có hóa đơn chứng từ gây thiệt hại cho trung tâm số tiền 197 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình chỉ đạo, điều hành trung tâm, Lam đã đưa ra chủ trương thông qua khoán sản phẩm cho người lao động hợp đồng để tăng thu nhập cho người lao động và thực hiện cơ chế giới thiệu công việc  hưởng hoa hồng (trích %) cho chủ đầu tư để duy trì việc làm thường xuyên cho công ty.

Từ năm 2011 đến năm 2014, trung tâm đã khoán tiền công 29 công trình với khoản tiền công khoán việc là 3,3 tỷ đồng. Trong đó trung tâm chỉ thực chi tiền công khoán sản phẩm cho người lao động là 569 triệu đồng; Lam đã chỉ đạo chi 1,6 tỷ để phục vụ cho lợi ích người lao động, cán bộ công viên chức của trung tâm như chi thưởng lễ tết, ốm đau, hiếu hỷ…; Còn 1,1 tỷ đồng còn lại là để trích phần trăm cho chủ đầu tư.

Số tiền 1,1 tỷ này Lam nhận từ thủ quỹ để đi chi tiền phần trăm giá trị công trình cho các chủ đầu tư là : Sở tài nguyên môi trường, Sở giao thông vận tải, phòng tài chính kế hoạch huyện Phú Lộc…

Cũng theo  cáo trạng, quá trình điều tra, xác minh, đối chất, các chủ đầu tư trên đều không thừa nhận có nhận tiền từ bị cáo Lam. Đồng thời hành vi chi phần trăm cho các chủ đầu tư là hành vi làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho trung tâm số tiền 1,1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền mà bị cáo Lam gây thiệt hại cho trung tâm là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong vụ án, bị cáo Lam là người chủ mưu thực hiện tội phạm nên phải chịu trách nhiệm với vai trò chính. Bị cáo Lợi là người giúp sức với Lam nên phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm.

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Tại phiên tòa, bị cáo Lam cho rằng, thực chất số tiền 197 triệu đồng là chi phí có thật do cán bộ, nhân viên Trung tâm tạm ứng để phục vụ công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới và phục vụ lợi ích cho cán bộ công nhân viên chứ không phải gây thiệt hại cho trung tâm.

Theo bị cáo, khi triển khai lập đồ án quy hoạch 4 xã nói trên, do trung tâm không có kiến trúc sư nên đã ký hợp đồng với công ty Kiến Châu để khoán một phần công việc với mức khoán bằng 35% giá trị công trình.

Khi thực hiện công việc được phân công cho hai bên, phía công ty Kiến Châu tạm ứng kinh phí (chứng từ tạm ứng gồm hợp đồng giao khoán và giấy đề nghị tạm ứng) tại trung tâm để thực hiện phần việc của mình.

Còn phần việc của trung tâm, cán bộ, nhân viên của trung tâm cũng tạm ứng kinh phí (chứng từ tạm ứng gồm kế hoạch thực hiện công việc và giấy đề nghị tạm ứng) tại trung tâm để thực hiện phần việc của mình.

Sau khi hoàn thành công trình đã nghiệm thu thanh toán với chủ đầu tư, trung tâm đã tiến hành quyết toán việc giao khoán thực hiện công việc. Đối với công ty Kiến Châu thì hồ sơ quyết toán đầy đủ.

Còn đối với nội bộ trung tâm thì khi cán bộ, nhân viên tạm ứng tiền đi thực hiện công việc xong không xuất được hóa đơn, chứng từ thanh toán, nên không có cơ sở để thanh toán phần kinh phí do cán bộ, nhân viên trung tâm ứng đi thực hiện công việc. Ngoài ra trong thời gian trên trung tâm cũng đã tổ chức một số hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân viên và người lao động như đi tham quan, du lịch, lì xì đầu năm…

Với những khoản chi phí thực tế trên, nhưng không có hóa đơn chứng từ thanh toán, nên bộ phận kế toán đã tham mưu nhờ công ty Kiến Châu thanh toán bằng cách công ty Kiến Châu làm hồ sơ thanh toán các công trình từ 35% lên 75% với số tiền chênh lệch là 197 triệu đồng.

Nghĩa là đưa chi phí mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn vào chi phí hợp lý, trong công tác lập đồ án quy hoạch nông thôn mới 4 xã ở miền núi A Lưới.

Về khoản tiền 1,1 tỷ đồng chi hoa hồng cho các chủ đầu tư, bị cáo Lam cho rằng đây là tiền công khoán của người lao động và được người lao động tự nguyện trích lại để thưởng cho các tập thể, cá nhân đã giao việc làm cho đơn vị trong thời gian từ 2011 – 2015. Do đó đây không phải là tiền của trung tâm như VKS quy kết. Bị cáo Lam cho rằng ông không gây thiệt hại cho trung tâm.

“Trung tâm đã họp và thống nhất về việc chi hoa hồng cho các chủ đầu tư để trung tâm thường xuyên có việc làm, anh em cũng có thêm thu nhập. Khoản tiền này là một phần trong tiền công khoán việc của người lao động được trích lại để trung tâm đi giao dịch và chi lại hoa hồng cho chủ đầu tư. Toàn thể cán bộ nhân viên và người lao động đều thống nhất việc này, và không ai có khiếu nại”, bị cáo Lam trình bày.

Vì vậy, bị cáo khẳng định mình không phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo bị cáo, khi ông về tiếp nhận trung tâm, trung tâm đang trải qua thời kỳ vô cùng khó khăn, không có kinh phí hoạt động, lương công nhân viên nhiều tháng không có, nhiều cán bộ đã rời đơn vị… Nhưng bằng những nỗ lực, tâm huyết của mình, ông đã vực dậy trung tâm, biến trung tâm thành một đơn vị lớn mạnh, có uy tín và được nhiều chủ đầu tư tin tưởng giao nhiều công trình lớn và trọng điểm. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của trung ương cũng như địa phương về thành tích xây dựng và phát triển trung tâm.

“Tất cả những việc bị cáo làm, đều để giúp cho trung tâm lớn mạnh, anh em nhân viên, người lao động có thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống. Việc làm của bị cáo là đúng, nên ban lãnh đạo trung tâm mới đồng ý. Nếu việc không đúng, thì ban lãnh đạo trung tâm đã phê bình rồi. Giờ nói bị cáo vi phạm pháp luật, thì oan ức quá”. Bị cáo Lam nói.

Những cán bộ, nhân viên, người lao động được tòa triệu tập đến, đều thừa nhận có biết việc bị cáo Lam trích lại một phần tiền công của họ để dùng vào việc chi hoa hồng. Họ đều không có ý kiến gì về số tiền này, và cũng không yêu cầu bị cáo phải trả lại số tiền này cho họ.

Theo luật sư, người bào chữa cho bị cáo Lam tại tòa cho rằng, cần phải xác định rõ khoản tiền 1,1 tỷ đồng dùng để chi hoa hồng, là tiền của trung tâm hay tiền của người lao động? Rõ ràng theo cơ quan điều tra, cũng như trong thực tế vụ việc, thì đây là khoản tiền được trích ra từ tiền công khoán việc của người lao động, họ đã ký nhận và đã được quyết toán sau khi hoàn thành xong 29 công trình.

Họ cũng ý thức được việc ký nhận nhiều hơn thực nhận, nhưng không ai thắc mắc, khiếu nại. Tại phiên tòa, họ cũng khẳng định tiền này là của họ, và họ đồng ý trích lại để ban lãnh đạo đi giao dịch. “Nếu người lao động có yêu cầu đòi lại tiền, thì bị cáo Lam có trách nhiệm trả lại tiền cho người lao động theo quan hệ dân sự.

Nếu có tranh chấp xảy ra liên quan đến tiền công thì được giải quyết theo quan hệ dân sự chứ không phải hình sự hóa như hiện nay”, luật sư cho hay. Theo luật sư, VKS buộc tội bị cáo là không có căn cứ và không đúng bản chất sự việc.

Sau một ngày xét xử và 2 ngày nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Bị cáo Lam rời tòa, tâm trạng có vẻ nhẹ nhõm hơn một chút. Dẫu vậy, con đường phía trước đang chờ bị cáo, chẳng thể biết được là ánh sáng hay bóng tối, như chính buổi chiều âm u hôm ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tàu khai thác cát lậu bị bắt quả tang. (Ảnh trong bài: Công an cung cấp)

Đường dây khai thác cát lậu tại ven biển Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh): Đề nghị truy tố 24 đối tượng

(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị VKSND truy tố 24 bị can trong đường dây khai thác cát lậu và các hoạt động phạm pháp khác do Trương Văn Chinh (39 tuổi, quê Lâm Đồng) cầm đầu. 3 bị can khác cũng liên quan đến ổ nhóm tội phạm này nhưng CQĐT đang điều tra trong vụ án độc lập khác, sẽ tiến hành xử lý sau.

Đọc thêm

Xét xử vụ án vi phạm trong quản lý đất đai tại Hưng Yên

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) -Ngày 26/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên tổ chức xét xử 9 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào (nay là Phường Dị Sử, Thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về các hành vi: Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản.

Vụ án liên quan cựu Bí thư Thị xã Bến Cát: 3/3 yêu cầu giám định của Công an Bình Dương đều bị từ chối

Ông Khanh tiếp tục gửi đơn kêu oan, đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can với ông. (Ảnh trong bài: Bùi Yên)
(PLVN) - Sau hơn 5 tháng tạm đình chỉ điều tra, ngày 18/3/2024, Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương (CQĐT) có Quyết định 969/QĐ-CSKT(P4) phục hồi điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và Quyết định phục hồi điều tra bị can với 7 người; ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, cựu Bí thư TX Bến Cát, người mua đất trong vụ án) tiếp tục có đơn yêu cầu đình chỉ điều tra vụ án vì cho rằng ông bị oan trong vụ án đã kéo dài hơn 7 năm.

Hai phạm nhân trốn trại nhận thêm án

Hai bị cáo Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng tại phiên tòa xét xử. Ảnh: PV
(PLVN) - Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh) 2 phạm nhân Phan Công Thành và Nguyễn Đắc Hoàng đã bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và vừa đưa ra xét xử.

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh

VKSND cấp cao kháng nghị hủy bản án phúc thẩm vụ án Công ty Phúc Thanh Vinh
(PLVN) - VKSND cấp cao đánh giá, suốt quá trình giải quyết vụ án, Cty Phúc Thanh Vinh không cung cấp được chứng cứ chứng minh khách hàng đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, khách cung cấp được các chứng cứ chứng minh Cty Phúc Thanh Vinh đã vi phạm nghĩa vụ, tự ý đơn phương bán lại các căn nhà cho người khác.