Tranh cãi việc có nên trục vớt tàu ngầm xấu số San Juan

 Tàu San Juan trước khi bị chìm
Tàu San Juan trước khi bị chìm
(PLO) - Nhiều chuyên gia cho rằng việc trục vớt tàu ngầm San Juan của Argentina từ đáy biển gần như là điều không thể. Việc trục vớt như vậy vừa tốn kém và được cho là sẽ không giúp phát hiện thêm thông tin gì mới. 

Nhiệm vụ “bất khả thi”?

Giới chức Argentina ngày 17/11 vừa qua thông báo đã xác định được vị trí của tàu ngầm ARA San Juan ở Đại Tây Dương. Hải quân Argentina cho biết đã phát hiện được tín hiệu của tàu ở khu vực ngoài khơi Bán đảo Valdes thuộc vùng Patagonia.

Vài ngày sau đó, trên trang Twitter chính thức, Hải quân Argentina đăng một số bức ảnh con tàu xấu số ở đáy biển. Theo thông báo của giới chức Argentina, Công ty Ocean Infinity của Mỹ, công ty được thuê để tìm tàu ngầm mất tích, là đơn vị phát hiện xác tàu. 

ARA San Juan là tàu ngầm mới nhất trong ba tàu ngầm mà Hải quân Argentina sở hữu. Con tàu được hạ thủy vào năm 1983 và là tàu ngầm chạy bằng diesel - điện lớp TR-1700 do hãng Thyssen Nordseewerke của Đức chế tạo. Hải quân Argentina mất liên lạc với tàu vào ngày 15/11/2017, khi tàu đang ở vùng biển cách bờ biển Argentina khoảng 450km. Trên tàu có đoàn thủy thủ gồm 44 người.

Sau khi tàu ngầm mất tích, lực lượng từ 13 nước đã tham gia tìm kiếm. Nhưng 15 ngày sau khi tàu ngầm mất tích, Argentina tuyên bố kết thúc chiến dịch giải cứu thủy thủ đoàn còn việc tìm kiếm tàu vẫn tiếp tục.

Đến cuối năm 2017, lực lượng tìm kiếm đa quốc gia đã rút gần hết do thời tiết xấu. Theo các phân tích ban đầu, tàu ngầm có thể đã chìm xuống biển và mất tích vì một vụ nổ. Gần 10 ngày sau, hải quân Argentina xác nhận đã xảy ra một vụ nổ trên tàu mà theo các chuyên gia nhiều khả năng liên quan đến vấn đề ở ắc quy.

Vụ việc đã khiến Hải quân Argentina vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ sau khi các thông tin cho biết con tàu đã gặp trục trặc trước khi mất tích. Trong lần liên lạc cuối cùng, thủy thủ đoàn trên tàu cũng đã thông báo tàu có trục trặc. Một thủy thủ tàu ngầm từng có 35 năm phục vụ trong Hải quân Argentina cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do việc sửa chữa không chất lượng.  

Tròn một năm sau khi tàu mất tích, Công ty Ocean Infinity bằng các thiết bị hiện đại vào cuối tháng 11 vừa qua đã xác định được vị trí của con tàu. Sau khi tàu được phát hiện, người dân Argentina đang hy vọng rằng thủy thủ đoàn San Juan sẽ được nâng lên mặt nước.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi Argentina có tất cả cơ sở và công nghệ cần thiết, việc trục vớt con tàu từ đáy biển vẫn gần như là không thể. “Tàu San Juan nằm ở độ sâu 907m. Nhân loại chưa từng thực hiện một chiến dịch nâng một con tàu từ độ sâu như vậy lên”, ông Martín Pizzi, một chuyên gia hàng hải người Argentina, nói. 

Theo vị chuyên gia, đại dương và không gian vũ trụ cho tới nay vẫn là những lĩnh vực mà con người chưa nghiên cứu được sâu. “Con tàu được tìm thấy trong các cấu trúc đá ở độ sâu hơn 900m. Ở đó không có ánh sáng mặt trời và áp lực nước đạt tới 90 kg/cm2”, vị chuyên gia phân tích.

Theo ông, việc trục vớt tàu lên, nếu được tiến hành, sẽ chỉ có thể thực hiện bằng thiết bị điều khiển từ xa. “Đây sẽ là một chiến dịch chưa từng thấy trong lịch sử chinh phục biển cả. Chưa bao giờ có việc trục vớt tàu từ độ sâu như vậy”, ông Pizzi nhấn mạnh và dẫn chứng việc Nga vớt tàu ngầm Kursk từ độ sâu chỉ 108m để đối chiếu. Ông Pizzi cho rằng nhiều khả năng San Juan sẽ vĩnh viễn phải nằm lại dưới đáy biển.

Có đáng hay không?

Một số ý kiến chuyên gia khác cho rằng việc trục vớt tàu San Juan xét về mặt kỹ thuật là có thể, nhưng phụ thuộc vào kinh phí và khả năng kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Argentina. Trong khi đó, không ít ý kiến đồng tình việc con tàu phải nằm lại dưới đáy biển bởi việc trục vớt được tàu lên bên cạnh việc tốn kém, còn nhiều khả năng không cung cấp thêm thông tin gì mới.

Bộ trưởng Quốc phòng Argentina Oscar Aguad cũng đã có những phát biểu ngụ ý việc con tàu khó có thể được trục vớt. “Con tàu đang nằm lại ở độ sâu hơn 900m. Về mặt công nghệ, việc trục vớt tàu là không thể”, ông nói. Trước đó, ông Oscar Aguad cũng cho biết việc trục vớt tàu có thể tiêu tốn đến 4 tỉ USD. Đây sẽ là một quyết định liều lĩnh.

Thiết bị hiện đại được dùng để tìm kiếm xác tàu
Thiết bị hiện đại được dùng để tìm kiếm xác tàu 

Song, cũng có ý kiến không đồng ý. “Có rất nhiều chiến dịch trước khi bắt tay vào làm tưởng như bất khả thi nhưng cuối cùng vẫn được thực hiện thành ông”, ông Richard Janssen, Giám đốc công ty trục vớt tàu SMIT, nói.

Đây là một trong hai công ty đã tham gia vào việc trục vớt tàu Kursk, tàu ngầm hạt nhân của Nga đã bị chìm ở Biển Barents với 118 thủy thủ hồi năm 2000. Con tàu được nâng lên thành công từ độ sâu 108m dưới đáy biển, tức nông hơn đến gần 800m so với tàu San Juan, nhưng lại lớn hơn tàu của Argentina đến tám lần.

Theo ông Janssen, kể từ đó cho đến nay, kỹ thuật trục vớt tàu đã có những phát triển đáng kể. Công ty này đã đưa được tàu Ehime Maru của Nhật từ độ sâu hơn 600m lên khỏi đáy biển ở ngoài khơi Hawaii vào năm 2001.

Ông cho rằng, với sự tiến bộ của khoa học thời gian gần đây, việc tiến sâu xuống đáy biển thêm 300m không phải là không thể vì việc này cũng không khác nhiều so với việc khoan thăm dò dầu mỏ và khí đốt. Cũng theo ông, San Juan nếu được vớt lên sẽ không phải là vụ trục vớt tàu ở độ sâu lớn nhất mà thế giới thực hiện.

Trước đó, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, CIA với sự hỗ trợ của tỉ phú Howard Hughes thậm chí còn từng trục vớt được một số phần của một tàu ngầm của Liên Xô bị chìm gần 5.000m ở Thái Bình Dương.

Ông Stewart Little của Công ty tư vấn giải cứu tàu ngầm từng có hơn 30 năm hợp tác với Hải quân Anh cũng cho rằng các vấn đề kỹ thuật không đáng lo ngại. Vấn đề ở đây là việc này có đáng hay không. “Con tàu có nằm ở độ sâu quá lớn hay không? Không. Vấn đề là tài chính”, ông nói. Một số người khác lại lo ngại về khả năng thi thể các thủy thủ đoàn không còn nguyên vẹn để có thể đưa lên.

“Nếu tàu được đưa lên, liệu chúng ta có thể nói với 44 gia đình rằng chúng ta chỉ có thể nhận dạng được 14 người, còn 30 người còn lại là không thể được không?”, chuyên gia Neil Hopkin, người từng làm việc cho Bộ Quốc phòng Anh 30 năm, phân tích trên cơ sở nhận định vụ nổ trên tàu đã gây ra sức công phá vô cùng lớn. 

Ông Little cũng cho biết thêm rằng nói trục vớt tàu lên để rút kinh nghiệm nhằm ngăn những tai nạn tương tự tương lai là việc không cần thiết vì trong năm năm tới sẽ không có các tàu ngầm tương tự được Argentina đưa vào hoạt động, nên bài học rút ra nếu có cũng không có giá trị thực tế. 

Quyết định phụ thuộc vào vị thẩm phán

Hiện nay, quan chức duy nhất có thể yêu cầu trục vớt con tàu lên là bà Marta Yáñez, thẩm phán liên bang của Argentina đang phụ trách việc điều tra về vụ chìm tàu. Theo các thông tin, đến cuối tháng 11 vừa qua, bà Yáñez đã được Công ty Ocean Infinity cung cấp 6.700 bức ảnh và các đoạn video về nơi xác tàu đang nằm lại cũng như hiện trường xung quanh. Tới đây, nữ thẩm phán sẽ làm việc cùng với các chuyên gia để xác định chính xác những việc đã xảy đến với con tàu xấu số. 

Nếu thẩm phán Yáñez và các chuyên gia cho rằng những hình ảnh và video đã thu thập được không giúp làm rõ các nguyên nhân của vụ chìm tàu và việc điều tra chỉ có thể đi đến kết luận cuối cùng thông qua việc nghiên cứu trên chính xác tàu, bà có thể yêu cầu tiến hành nghiên cứu về tính khả thi của việc trục vớt con tàu San Juan từ đáy biển.

Phát biểu trước công luận, bà Yáñez nói rằng việc xem xét chưa biết đến khi nào sẽ kết thúc. Bà cũng khẳng định sẽ chỉ ra phán quyết yêu cầu trục vớt con tàu lên nếu việc trục vớt đó có thể giúp ích cho việc điều tra. Trong tất cả các trường hợp còn lại, bà sẽ không yêu cầu làm vậy.  

Gia đình của những thủy thủ trên tàu sau khi phải chờ đợi đến hơn một năm mới nhận được tin tức chính thức về người thân mình, thì đang tìm cách gây sức ép để thẩm phán phải ra lệnh trục vớt tàu. “Thẩm phán trong vụ việc dường như không vội vã trong việc điều tra.

Chúng tôi sẽ phải có hành động để tạo áp lực nhằm buộc bà ấy phải hành động”, cô Natalia Toconás, có anh trai là thủy thủ Mario Armando Toconás trên tàu San Juan, cho hay. 

Gia đình của các thủy thủ cho biết, việc yêu cầu trục vớt tàu sẽ là chương mới trong cuộc chiến đòi quyền lợi cho người thân của họ. Nhiều người trong số này cho rằng Chính phủ Argentina có thể đã không chịu bỏ ra 7,5 triệu USD để thuê Công ty Ocean Infinity tìm kiếm con tàu nếu họ không gây áp lực, trong đó có việc dựng trại phản đối ở ngoài dinh Tổng thống ở Buenos Aires suốt gần hai tháng. 

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Việt Nam phát biểu chung đại diện nhóm các nước tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền

 Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Anh Hiển/TTXVN
(PLVN) - Theo tin từ Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Geneva, trong khuôn khổ Khóa họp 55 của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 27/3, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đã có bài phát biểu chung trong Phiên thảo luận chung tại đề mục về việc theo sát và thực hiện Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) với chủ đề về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu người dân trong xung đột vũ trang, thu hút đông đảo các nước tham gia quan tâm và đồng bảo trợ.

Việt Nam – Hoa Kỳ thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao

Hình ảnh tại Đối thoại.
(PLVN) - Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và triển khai thực hiện Tuyên bố chung giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tháng 9/2023 về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện, ngày 25/3, tại thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã đồng chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Pháp nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất

Tháp Eiffel là biểu tượng nổi tiếng và hấp dẫn nhất của thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS/Sarah Meyssonnier.
(PLVN) - Chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ xả súng đẫm máu tại nhà hát ở ngoại ô Moscow, Nga. Thông báo được đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức an ninh và quốc phòng cấp cao của Pháp với Tổng thống Emmanuel Macron.

Lái máy bay khi say rượu, phi công Mỹ bị kết án tù

Ông Lawrence Russell Jr bị phát hiện uống rượu vượt quá giới hạn cho phép của hãng hàng không gấp gần 2,5 lần.
(PLVN) - Phi công Lawrence Russell (63 tuổi), một công dân Mỹ, vừa bị kết án 10 tháng tù tại Scotland sau khi bị phát hiện có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép trong máu trước khi tiến hành chuyến bay xuyên Đại Tây Dương vào ngày 16 tháng 6 năm 2023.

Chưa ghi nhận công dân Việt Nam gặp nạn trong vụ tấn công khủng bố tại Nga

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, đến nay, chưa ghi nhận có công dân Việt Nam là nạn nhân trong vụ việc. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán đang khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại bám sát tình hình, sẵn sàng các biện pháp bảo hộ cần thiết trong trường hợp có công dân Việt Nam gặp nạn.