Và phán quyết hôm 20/10 của Thẩm phán Maren Nelson tiếp tục thổi bùng cuộc chiến pháp lý giữa những người bị hại với hãng Johnson&Johnson. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thay cho mọi phụ nữ bị ảnh hưởng bởi sản phẩm nguy hiểm này”, ông Mark Robinson, luật sư của bà Eva Echeverria tuyên bố, đồng thời khẳng định, sẽ kháng án cho dù thân chủ qua đời.
Khi phát biểu tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 8, luật sư Mark Robinson tuyên bố, Johnson&Johnson đã khuyến khích phụ nữ dùng các sản phẩm của hãng này mặc dù biết rõ về các kết quả nghiên cứu có liên quan tới ung thư buồng trứng, khi dùng phấn rôm trong một thời gian dài. “Bà Eva Echeverria đang chết dần chết mòn vì bệnh ung thư buồng trứng, và không muốn nhận sự thương hại”, ông Mark Robinson nói thêm.
Bởi theo đơn kiện, bà Eva Echeverria cho biết, đã bị ung thư buồng trứng sau một thời gian dài dùng phấn rôm (bột Talc) của Johnson&Johnson. Bà Eva Echeverria là người sử dụng phấn rôm từ thập niên 1950 của thế kỷ trước cho đến khi bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng.
Hãng Reuters dẫn tuyên bố của Thẩm phán Maren Nelson khi đưa ra phán quyết có lợi cho hãng Johnson&Johnson - bản án sơ thẩm yêu cầu bồi thường 417 triệu USD cho bà Eva Echeverria, 63 tuổi có nhiều bất hợp lý. Và cho biết, cả hai bên liên quan đều không cung cấp bằng chứng thuyết phục tại phiên tòa hồi tháng 8. Điều đáng nói nhất là việc Thẩm phán Maren Nelson đã chỉ ra “những hành vi sai trái” của bồi thẩm đoàn được ghi hình trong suốt phiên xử sơ thẩm.
Theo tuyên bố hơn 2 tháng trước (21-8) của bồi thẩm đoàn Los Angeles, hãng Johnson&Johnson phải chi 70 triệu USD để bồi thường thiệt hại và 347 triệu USD là số tiền phạt. Đó là vụ kiện lớn nhất đối với Johnson&Johnson và là đòn giáng nặng cho hãng này bởi họ đang phải đối mặt với 4.800 đơn kiện tương tự.
Ngay sau khi bồi thẩm đoàn Los Angeles ra phán quyết phải trả 417 triệu USD cho bà Eva Echeverria, đại diện của Johnson&Johnson lập tức tuyên bố, sẽ kháng án bởi đã làm theo kết luận khoa học về độ an toàn của phấn rôm trẻ em Johnson.
Bà Eva Echeverria nằm trên giường bệnh |
Theo giới truyền thông, Johnson&Johnson đã nhận hàng nghìn đơn kiện vì phớt lờ những nghiên cứu về tác động của sản phẩm Johnson's Baby Powder và Shower to Shower có chứa chất gây ung thư buồng trứng. Theo giới chuyên môn, có tới 70% khách hàng sử dụng phấn rôm Baby Power của Johnson&Johnson tại thị trường Mỹ là phụ nữ. Johnson&Johnson khuyến khích người dùng sử dụng phấn rôm Baby Power để vệ sinh phụ nữ, trong khi các nhà nghiên cứu Anh đã công bố bột Talc có thể gây ung thư buồng trứng từ năm 1971. Johnson&Johnson từng phải chi 72 triệu USD, 55 triệu USD và 72 triệu USD cho vụ kiện của bà Deborah Giannecchini ở thành phố Modesto, bang California, bà Gloria Ristesund và bà Jacqueline Fox.
Gần nửa năm trước (4-5), tòa án Saint Louis ở bang Missouri (Mỹ) từng ra phán quyết, theo đó Johnson&Johnson phải bồi thường hơn 110 triệu USD cho bà Lois Slemp, người được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng từ năm 2012. Theo cáo buộc của bà Lois Slemp (sống ở bang Virginia, Mỹ), nguyên nhân của căn bệnh ung thư buồng trứng là do sử dụng sản phẩm có chứa phấn rôm Johnson's Baby Powder và Shower to Shower trong gần 40 năm. Luật sư Ted Meadows, một trong những người bảo vệ quyền lợi của bà Lois Slemp cho biết, thân chủ đang “chờ thi hành án tử hình” bởi ung thư đã di căn vào gan.
Cũng theo phán quyết hôm 4-5 của tòa, Imerys Talc America - hãng cung cấp phấn rôm cho Johnson&Johnson phải nộp 100.000 USD. Tại thời điểm kể trên, đó là số tiền bồi thường lớn nhất trong số 2.400 vụ kiện cáo buộc Johnson&Johnson không cảnh báo người tiêu dùng một cách đầy đủ về nguy cơ ung thư của các sản phẩm có chứa phấn rôm.
Ngoài những bê bối về sản phẩm có chứa phấn rôm, Johnson&Johnson còn phải giải quyết các vụ kiện có liên quan tới Risperdal bởi cho đến nay có khoảng 13.000 đàn ông Mỹ đã và đang kiện hãng này về loại thuốc gây tác dụng phụ khiến ngực họ phát triển giống như phụ nữ. Nhiều người từng dùng Risperdal ban đầu cho rằng, ngực của họ phát triển là do tăng cân, nào ngờ bị “phản ứng phụ”./.