Ảnh minh họa |
Văn bản nhiều cách hiểu
Liên quan đến vụ một nữ sinh bị công an hóa trang để bắt người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm nổ súng bắn vào đùi, một lãnh đạo Công an địa phương này khi trả lời báo chí câu hỏi: “Quy định nào cho phép CSGT hoá trang được truy đuổi, ra lệnh dừng phương tiện đang tham gia giao thông?”, đã cho biết đó là Thông tư 27/2009/TT-BCA ngày 6/5/2009 của Bộ Công an.
Tìm hiểu được biết, từ tháng 4/2010, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã triển khai quy định này tại bản “Kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên địa bàn”. Theo đó, mỗi Đội CSGT thành lập một tổ mạnh gồm 20 chiến sỹ, chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm 5 người gồm 2 người hóa trang (mặc thường phục). Lực lượng CSGT hóa trang mang theo thẻ Tuần tra giao thông, băng đeo tay có chữ CSGT và thẻ ủy nhiệm của Trưởng Phòng CSGT. Khi tuần tra cơ động bằng môtô, lực lượng hóa trang đi trước, làm nhiệm vụ phát hiện và dừng phương tiện vi phạm, xuất trình thẻ ủy nhiệm, đồng thời giải thích cho người vi phạm biết, thông báo bằng bộ đàm cho CSGT trong tổ công tác đi sau phối hợp xử lý.
Trước đó, ngay từ khi ban hành Thông tư 27/2009, phát biểu trên một tờ báo, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị (khi đó là Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự an toàn xã hội- Bộ Công an), khẳng định: “Lực lượng hóa trang chỉ có nhiệm vụ phát hiện vi phạm và thông báo cho lực lượng công khai mặc trang phục CSGT ra hiệu lệnh dừng phương tiện kiểm tra, xử lý.”
Trước băn khoăn việc Thông tư này có thể bị kẻ xấu lợi dụng, trên một tờ báo mạng ngày 5/6/2009, Thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn (Cục CSGT ĐB-ĐS) giải thích: “Cảnh sát chỉ được hóa trang trong trường hợp khi cần bí mật sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ: camera, súng bắn tốc độ... để xử lý vi phạm giao thông. Hơn nữa, lực lượng hóa trang không được phép dừng phương tiện, kiểm tra giấy tờ, lập biên bản vi phạm; chỉ có nhiệm vụ phát hiện thông báo cho lực lượng công khai ngăn chặn, xử lý nên không thể lợi dụng. Cán bộ, chiến sĩ hóa trang mà bị phát hiện tức là vi phạm kỷ luật và không hoàn thành nhiệm vụ.”
Thông tư 27/2009 là văn bản mật?
Thông tư 27/2009 là loại văn bản nằm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, nó phải được soạn thảo, ban hành theo đúng trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL) ngày 3/6/2008.
Một trong những nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản QPPL quy định tại Điều 3 Luật BHVBQPPL là: “Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật”.
Điều 78 Luật BHVBQPPL quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng Công báo; văn bản quy phạm pháp luật không đăng Công báo thì không có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước và các trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này” (Đoạn 2 Khoản 1 Điều này nói về văn bản ban hành trong tình trạng khẩn cấp, đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai, dịch bệnh). Thế nhưng, trong Công báo Nước CHXHCN Việt Nam tại trang Chinhphu.vn không có Thông tư 27/2009.
Điều 84 Luật BHVBQPPL còn quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng tải toàn văn trên Trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành văn bản chậm nhất là hai ngày, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành và phải đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.”
Nhưng khi vào trang Văn bản QPPL, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an tại địa chỉ mps.gov.vn cũng không có Thông tư 27/2009. Cố gắng tìm văn bản này trên những website chính thống của cơ quan nhà nước và sau thời gian dài chúng tôi mới thấy văn bản này trên website của Công an tỉnh Bình Thuận tại địa chỉ conganbinhthuan.gov.vn. Thế nhưng, tại địa chỉ này văn bản trên đây thiếu hẳn một đoàn dài từ cuối Điểm 1 đến đầu Điểm 4 của Mục V về “Nội dung tuần tra, kiểm soát”. Thật lạ là nhiều website của các công ty luật, như trang Luật gia Phạm ở địa chỉ luatgiapham.com khi in Thông tư 27/2009 cũng bị thiếu đoạn như ở trang conganbinhthuan.gov.vn?
Không chỉ người dân, mà giới luật gia cũng không ít lần lên tiếng về sự không minh bạch của Thông tư 27/2009.
Trả lời báo chí Luật sư Phan Trung Hoài- Đoàn LS TP Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Cần xem lại quy định trong Thông tư 27 nói trên, vì nó không chỉ giảm thiểu tính minh bạch, công khai trong hoạt động của lực lượng công an, mà còn thật khó cho người dân trong việc giám sát hay chí ít là nhận biết được khi CSGT đã được “hoá trang”...”
Còn Luật sư Trần Thị Thuý Hằng (Cty Luật Đại Việt- Hà Nội) trao đổi với chị sau khi viện dẫn nhưng quy định của Thông tư 27/2009, đã kết luận: “Như vậy, chỉ lực lượng CSGT công khai mới được dừng xe, xử lý vi phạm theo các quy định chúng tôi đã nêu”. Trên cơ sở đó, LS Hằng tư vấn cho bạn đọc: “Khi bạn thấy người mặc thường phục yêu cầu dừng xe thì về nguyên tắc bạn không buộc phải thực hiện nghĩa các nghĩa vụ dừng xe như trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông phải tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát giao thông bình thường theo quy định của pháp luật”. Và cũng trong bài viết nói trên, LS Hằng đưa ra nhận xét về Thông tư 27/2009/TT-BCA: “Thông tư không được quy định cụ thể, rõ ràng nên khi thực hiện nhiều trường hợp đã hiểu sai và áp dụng không đúng tinh thần quy định dẫn đến trường hợp cảnh sát giao thông hóa trang vượt quá quyền hạn của mình, gây những bất bình không đáng có trong thực tiễn áp dụng pháp luật.”
Sau hơn 2 năm thi hành, thiết nghĩ Bộ Công an cần tiếp thu ý kiến nhân dân, sớm có nghiên cứu toàn diện về quá trình thực tiễn áp dụng Thông tư 27/2009 để đưa ra những quy định phù hợp.
Phan Anh Cường