Tranh cãi “nảy lửa” quanh chủ trương đỗ xe có thu phí tại Đà Nẵng

Các xe phơi nắng và nội quy của công ty giữ xe thu tiền
Các xe phơi nắng và nội quy của công ty giữ xe thu tiền
(PLO) - Mới đây, UBND TP Đà Nẵng triển khai thực hiện chủ trương cấm đỗ xe (xe được phép dừng) trên các tuyến đường lân cận các bãi đỗ xe tập trung đã đấu giá cho thuê mặt bằng, để thực hiện vụ trông giữ xe thu phí. 

Vụ việc triển khai chưa bao lâu, đã cho thấy nhiều bất hợp lý từ điểm đậu đỗ, cho đến vấn đề chịu trách nhiệm với tài sản gửi gây bức xúc dư luận. Đáng nói, ý kiến của người dân vẫn chưa được các đơn vị chức năng tiếp thu, xứ lý..., Sở GTVT Đà Nẵng lại tiếp tục cho xóa vạch đỗ trên đường để ép xe ô tô vào các bãi đỗ có thu phí, khiến cộng đồng càng “dậy sóng”.

Từ lệnh cấm đến kẻ vạch, thu tiền!

Giữa tháng 4/2018, Đà Nẵng thống nhất về việc cấm đỗ xe trên các tuyến, đoạn tuyến đường trong khu vực lân cận các bãi đỗ xe tập trung, vốn đã được đấu giá cho thuê mặt bằng để thực hiện vụ trông giữ xe. Cụ thể, chủ trương áp dụng đối với tuyến đường ven biển khu vực nhiều nhà hàng quận Sơn Trà. Đặc biệt, cấm đỗ xe tuyến đường gần khu vực dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2/9, khu vực Cổ Viện Chàm (quận Hải Châu); yêu cầu đưa hết vào khu vực bên trong đã được Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thái Lâm (Công ty Thái Lâm, trụ sở tại Hải Phòng) đấu giá thực hiện, trông coi.

Lệnh cấm vừa có hiệu lực, Công ty Thái Lâm nhanh chóng triển khai, nhưng không hề đầu tư thêm gì từ cơ sở vật chất như mái che, đến quản lý sắp xếp xe gọn gàng. Những ngày vừa qua, liên tục trên các trang Quản lý đô thị Đà Nẵng và Góp ý Đà Nẵng (do UBND TP Đà Nẵng quản lý) ghi nhận nhiều ý kiến bức xúc, không đồng tình về chủ trương trên. 

“Khách quan mà nói, thành phố cần triển khai cấm dần việc đỗ xe bên lề một số tuyến đường. Người dân hoàn toàn đồng tình. Tuy nhiên, phải cho xây dựng có bãi đỗ xe thay thế, chứ không thể “nay thông báo, mai lại giăng dây, kẻ vạch, thu tiền”, ngang nhiên như vậy được”, ông Lê Mình Hùng (người dân quận Sơn Trà) nêu. 

Theo ông Hùng, hiện trên địa bàn Đà Nẵng chưa có bất cứ bãi đỗ xe nào do các nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng. Tất cả các bãi đỗ xe tập trung nêu trong lệnh cấm này vẫn thuộc ngân sách TP, có nghĩa, đều do người dân Đà Nẵng bỏ tiền ra, thông qua việc đóng thuế để xây dựng nên. Đáng nói, Sở GTVT Đà Nẵng chỉ nêu vị trí các bãi đỗ xe, mức thu, hình thức thu, thời gian triển khai dịch vụ, chứ không có bất cứ câu chữ nào đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị thực hiện đối với tài sản được các chủ phương tiện gửi vào bãi trông giữ xe.

Thực tế này được ông Hùng  chỉ rõ, trong “Nội quy trông giữ xe” mà Công ty Thái Lâm dựng lên ở các bãi đỗ xe ở khu vực dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2/9, không hề có bất cứ quy định nào về trách nhiệm của đơn vị trông giữ xe đối với ô tô, xe máy của khách đưa vào đây gửi. Ngược lại, trên phiếu xe chỉ ghi: “Quý khách vui lòng tự bảo quản mũ bảo hiểm và các vật dụng, tư trang”. Bãi xe phơi giữa nắng, còn khách cũng tự chọn cách đỗ xe theo… tùy thích. Rất lộn xộn. Thậm chí, giá vé ghi 4.000 đồng/lượt gửi (đối với xe máy), nhưng người thu chênh lên 1.000 đồng/lượt; gửi xong, không có ai quản lý tiếp, người nào muốn lấy xe thì cứ tự nhiên và hoàn toàn không bị soát, thu lại vé.

“Vậy là bạn phải vừa mất tiền (thuế) xây dựng bãi đỗ xe, vừa mất tiền (phí) để đỗ xe, nhưng lại chẳng có ai chịu trách nhiệm nếu xe của bạn bị hư hỏng, mất mát… khi đỗ ở các bãi đỗ xe đó cả. Nếu xảy ra tranh cãi, tranh chấp, có khi bạn còn mất cả uy tín, danh dự nữa. Bạn có thấy điều đó bất hợp lý không?”, một người dân bất bình trên trang góp ý của Đà Nẵng.

Một phiếu xe của người dân không hề được thu lại

Một phiếu xe của người dân không hề được thu lại

Thành phố tiếp tay “ép” vào khu đỗ xe tốn phí?

Trong thời gian ban hành lệnh cấm, ông Nguyễn Đăng Huy, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng trả lời báo chí, các bãi đỗ xe có đấu giá là các bãi thực hiện “dịch vụ trông giữ xe” chứ không chỉ “bãi đỗ xe” có thu phí. Về mặt nguyên tắc, đơn vị thực hiện dịch vụ trông giữ xe tại các bãi này phải có trách nhiệm bảo quản xe của khách đảm bảo an toàn, không hư hỏng, mất mát. “Phương án này đã được UBND TP Đà Nẵng thống nhất. Đồng thời trong hợp đồng TP ký với đơn vị trúng thầu cũng có nội dung này”, ông Huy nói

Khi phóng viên nêu lại phản ánh thực tế của người dân, ngoài ra, tại các bãi trông giữ xe trên cũng không thấy lắp đặt camera giám sát, các bốt trực cũng ít khi có người, ông Huy cho rằng “không rõ” và hẹn sẽ cho kiểm tra lại các bảng nội quy; yêu cầu bổ sung nội dung về trách nhiệm của đơn vị trông giữ xe. Riêng với các camera bảo vệ, ông Huy giải thích, dù không bắt buộc, nhưng Sở GTVT sẽ khuyến khích và kiểm tra các đơn vị trúng đấu giá trông giữ xe tiến hành lắp đặt.

Vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa, 3 ngày nay (ngày 4, 5, 6/5), nhiều người dân ở Đà Nẵng bất ngờ và vô cùng bức xúc khi Sở GTVT Đà Nẵng cho người dùng hắc ín xóa các vạch đỗ xe miễn phí được kẻ trên đường 2/9, đường ven biển... từ hàng chục năm qua, gần các khu vực có bãi đỗ xe đấu giá thu phí. Đồng thời, đơn vị này cũng cắm biển báo cấm đỗ xe tại các vị trí thực hiện việc xóa vạch. Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Đăng Huy xác nhận, sau khi cắm, các biển báo cấm đỗ xe này có hiệu lực tức thì.

Nhiều người dân bức xúc: “Lệnh cấm đỗ xe liệu có mang lại mục tiêu giải quyết hạ tầng giao thông, đô thị hay an sinh xã hội gì cho Đà Nẵng không? Nhưng rõ ràng, vạch đậu xe ô tô gần khu vực Bảo tàng Chăm bị xoá, chắc chắn để ép tài xế phải vào khu vực tốn phí. Vậy là phản ứng đòi hỏi quyền lợi bảo vệ tài sản khi gửi xe của chúng ta lâu nay “chắc kêu trời không thấu”.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt dấu hỏi về tính minh bạch trong thủ tục đấu thầu giữ xe của TP, bởi hoàn toàn không có trên các phương tiện thông tin đại chúng. PLVN trích nguyên văn ý kiến của dư luận và dành phần trả lời cho TP Đà Nẵng.

“Không hiểu sao mà một doanh nghiệp “lạ hoắc lạ huơ”  “có thông tin” lại vào trúng thầu, được TP giao đất, hạ tầng có sẵn. Việc cấm đỗ xe cũng thực hiện ngay cạnh các bãi đỗ xe có thu phí của doanh nghiệp này. Hành động đó của Sở GTVT Đà Nẵng không khác gì tiếp tay cho 1 doanh nghiệp thu tiền chứ không mang lại lợi ích gì cho TP. Một quyết định chỉ thấy lợi ích của một nhóm đến cắm biển và thu tiền. Trong khi cư dân quanh đó để xe ở đâu, khách hàng của các doanh nghiệp đến làm việc không có chỗ đỗ xe... Chẳng lẽ TP từng được ca ngợi là “đáng sống” mà để người dân làm mất niềm tin vì một chủ trương như vậy”.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.