Để tìm hướng đi cho BĐS miền Trung, ngày 27/6, tại Đà Nẵng, Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam đã tổ chức hội thảo “BĐS miền Trung - Thực trạng và hướng phát triển bền vững”.
Lo ngại khi dự án BĐS nghỉ dưỡng “nở rộ”
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự chênh lệch về giá đất so với 2 đầu đất nước đã và đang tạo một lợi thế cho BĐS miền Trung thu hút đầu tư. Với việc xác định phát triển kinh tế và dịch vụ du lịch biển trở thành ngành mũi nhọn, chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi thông thoáng đi cùng nhu cầu an cư ngày càng tăng, bức tranh BĐS của cả khu vực vì thế rất sôi động.
Đặc biệt, đối với phân khúc BĐS và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, miền Trung được chọn là điểm dừng chân của hàng loạt thương hiệu đầu tư lớn trong nước và trên thế giới như VinaCapital, Vingroup, Sungroup, Sovico Holding... Tính hết quý I/2018, Đà Nẵng có khoảng 800 căn biệt thự nghỉ dưỡng và gần 7.700 căn hộ khách sạn (condotel). Ở phân khúc thấp hơn 1 chút, Nha Trang - “kinh đô” condotel với 22.837 condotel và hàng loạt các BĐS nghỉ dưỡng lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước.
Mặc dù có những bước phát triển sôi động, song không nằm ngoài quy luật chung, thị trường BĐS miền Trung vẫn có những điểm chững, thậm chí có những bước lùi trong quá trình phát triển. Việc “nở rộ” của các dự án BĐS nghỉ dưỡng phân khúc bình dân như condotel hay sự ra đời ồ ạt của các dự án đất nền tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung trong 3 năm trở lại đây dấy lên những lo ngại về “bong bóng” BĐS ở khu vực này.
Xác nhận từ thực tế, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, thông thường, thời điểm quý II và đầu quý III thị trường nhà đất thường chững lại. Đây cũng là thời điểm con cái thi cử, đi du lịch hè… nên người ta ít quan tâm hơn tới đất đai và là quy luật chung.
Đối với thị trường BĐS Đà Nẵng, hiện nguồn cung khá hạn chế. Trong quý I gần như không có dự án mới nào chào hàng. Hầu hết các giao dịch đều mua đi bán lại. Nếu như giá tăng lên theo giá trị đầu tư hạ tầng của Nhà nước hoặc sự phát triển của dịch vụ xung quanh là bình thường, đúng quy luật, nhưng ở đây lại xuất hiện kiểu “đẩy giá” do giới đầu cơ thao túng, mua đi bán lại nhiều lần, dễ tạo ra giá ảo.
Ông Đính nhận định, “bong bóng” BĐS Đà Nẵng có thể vỡ cục bộ tại một số dự án, song không phải toàn bộ thị trường. Tương tự, các dự án BĐS khu vực Điện Dương, Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), Hội An (Quảng Nam) cũng rơi vào cảnh đìu hiu. Nếu như trước đây khách đến tìm hiểu để đầu tư xếp hàng dài, thì nay gần như không có bóng người.
Ngân hàng “chạy đua” giành “miếng bánh” tín dụng BĐS
Để tránh những hệ lụy tiêu cực từ các cuộc khủng hoảng “bong bóng” BĐS như giai đoạn 2007- 2012, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có sự “bắt tay” chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo nhận định của nhiều nhà đầu tư, chính sách của địa phương quyết định lớn đến sự phát triển và phát triển ổn định, bền vững của BĐS miền Trung. Đối với mô hình condotel, vướng mắc lớn hiện nay là sự rõ ràng về mặt pháp lý của dự án. Khi những dự án condotel đầu tiên ra đời lập tức được thị trường đón nhận mạnh mẽ.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, loại hình này lại nảy sinh vướng mắc pháp lý về sở hữu và kinh doanh, vì vậy chính quyền địa phương tại nơi triển khai các dự án vẫn chưa thể cấp được sổ đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp. Để BĐS nghỉ dưỡng có cơ hội phát triển mạnh mẽ, rất có những quy định, văn bản pháp luật về hướng dẫn và giải quyết những vướng mắc của loại hình này.
Đối với những dự án đất nền, theo khuyến nghị của bà Dương Thùy Dung -Giám đốc Cấp cao CBRE, chính quyền địa phương nên nghiên cứu những chính sách ràng buộc thời gian triển khai xây dựng tại các dự án này. Có như vậy mới tránh được các “dự án ma” và hiện tượng “sốt ảo” đất nền.
Trước những biến động nêu trên, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặt vấn đề về việc Đà Nẵng có giữ được vai trò “đầu tàu” của thị trường BĐS miền Trung trước những dấu hiệu chững lại vừa qua.
Nói thêm về tình trạng “bong bóng” BĐS trước đây, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, sàn giao dịch và môi giới BĐS cũng có trách nhiệm. Dù đáp ứng việc kết nối cung, cầu, nhưng nếu người làm môi giới và sàn giao dịch không tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc nghiệp vụ về thị trường, về sản phẩm, khách hàng… tất yếu sẽ làm xuất hiện thị trường ảo, tạo nguy cơ “bong bóng” BĐS và gây rủi ro cao cho các nhà phân phối BĐS, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS và rộng hơn là cả nền kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hiền Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đất Xanh Nam Miền Trung cho rằng, cần siết tín dụng BĐS mới giúp phát triển thị trường bền vững. Ông cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại xem việc cho vay BĐS là “miếng bánh” ngon và sinh lời mạnh. Vì vậy các ngân hàng chạy đua tranh khách hàng với nhiều gói cho vay BĐS thời hạn đa dạng 5 năm, 10 năm, 25 năm với lãi suất hấp dẫn…
“Việc siết tín dụng BĐS để đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng có thể ổn định, phát triển bền vững, tránh nợ xấu tăng; vừa thanh lọc lại thị trường BĐS, đào thải những dự án kém khả thi và tạo điều kiện để những dự án tốt phát triển”, ông Ninh nói.