Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết, thị trường BĐS có sức hút lớn và rất quan trọng trong việc kích thích kinh tế phát triển, góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong những năm qua, pháp luật về kinh doanh BĐS đã được ban hành như Luật Đất đai 2013, Luật Kinh doanh BĐS 2014, Luật Du lịch 2017... Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS ở nước ta chưa theo kịp sự sôi động của thị trường chung.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhận định, nhiều đạo luật điều chỉnh thị trường BĐS đã được ban hành nhưng chủ yếu điều chỉnh đối với kinh doanh BĐS nói chung, chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp đối với BĐS du lịch.
Điều này khiến cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều lúng túng trong cấp phép đầu tư, quản lý, cũng như tiến hành các dự án BĐS du lịch. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh với BĐS du lịch.
Một số chuyên gia lưu ý, mục đích sử dụng của BĐS du lịch rất khác biệt với nhà ở thông thường nên chỉ có thể cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn đối với loại hình BĐS này. Ngay cả BĐS du lịch hình thành trên đất có quyền sử dụng lâu dài, thì tại các văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ nên cho phép cấp giấy chứng nhận sở hữu có thời hạn.
Với quy định rõ ràng như vậy, theo một số chuyên gia, các nhà đầu tư sẽ yên tâm khi quyết định đầu tư với những dự án này; đồng thời, tránh xảy ra tình trạng dự án BĐS du lịch được bán như dự án nhà ở, dễ gây nhầm lẫn với người dân như hiện nay...