Lênh đênh, dập dềnh trên biển đến mệt người cũng chỉ để mong ngóng đến chương trình đặc biệt vào lúc khuya. Không gì hấp dẫn bằng việc biết được con cá đang mắc câu thuộc hàng “khủng”, phải dìu cần, uốn lượn theo nhịp bơi của cá mới mong kéo được nó lên bờ. Cảm giác ấy tuyệt vời như ngày thơ bé được nhận quà...
Thưởng thức ngay trên thuyền những món quà từ biển
Khoảng 12h30, thuyền chúng tôi rời Mũi Nại để nghỉ trưa. Người lái thuyền - ông Hai mới bắt đầu gom những con cá câu được để ra sau khoang nấu ăn. Chỉ cần một chút hành lá, một quả thơm (dứa) mang theo, bữa cơm lúc lênh đênh trên biển đã giống như bữa tiệc cá. Chiên, kho, nấu canh, hấp... đầy đủ các món. Ông Hai là một đầu bếp chuyên nghiệp về chế biến các loại cá. Cảm giác được ăn những con cá do mình câu được ngay trên thuyền thật lạ lẫm.
Anh Nhật Quân vui vẻ đùa: “Mới thấy con mú đỏ bơi tung tăng dưới nước thì bây giờ nó sắp sửa nằm trong bụng mình, nghĩ mà khoái. Ở thành phố, muốn kiếm được cá tươi, có chăng chỉ là những con cá nuôi chứ dễ gì có cá biển tươi roi rói như thế này”.
Ăn uống xong, chúng tôi vào khoang thuyền nghỉ ngơi và bàn luận về phương pháp săn cá “khủng” khuya nay. “Màn được trông chờ nhất của chuyến đi câu lần này chính là săn cá khủng vào lúc trăng lên. Loại hình câu này thuộc dạng hên xui, cá không mắc mồi thì thôi, chứ đã mắc rồi thì toàn là cá lớn khoảng 5kg trở lên, tuổi đời của nó phải hơn 6 năm. Có lúc may mắn, câu được 5, 6 con nhưng cũng có chuyến chẳng được con nào. Thành công hay không của chuyến đi được đánh giá vào chiến lợi phẩm cá khủng này” - anh Lương Phúc Vinh tâm sự.
Thành quả của buổi câu đêm. |
Trước khi chuẩn bị chuyến câu khuya, buổi chiều, chúng tôi phải ra lại cánh phía Đông, đón dòng nước biển vào lúc hoàng hôn buông xuống để câu mực làm mồi cho cá khủng. Câu mực theo ngôn ngữ của người dân Cù Lao Chàm là “giũ mực”, bởi khác với câu cá bình thường, phải cầm cần giũ lên, giũ xuống như giũ quần áo. Mồi câu mực ít tốn kém hơn những loại hình câu khác vì dùng mồi giả, là những con cá bằng nhựa hoặc cao su có màu lấp lánh bởi mực rất nhạy ánh sáng.
Tuy vậy, câu mực không hề dễ dàng. Cần câu mực thuộc loại dẻo và nhỏ, giá mỗi cần không hề rẻ chút nào. Hơn nữa, loại hình câu này yêu cầu kỹ thuật rất cao, phải nhịp thật đều, vừa dẻo dai và dứt khoát để con mồi giả bơi dưới nước như cá thật mới có thể đánh lừa được cá mực. Chỉ cần đuổi theo con mồi, mực chắc chắn sẽ dính câu vì cần câu mực được móc ít nhất là 3 lưỡi.
Giũ mực đến khoảng 23h, chúng tôi được hơn 20 con mực lớn nhỏ. Mực câu được, ông Hai đem bỏ vào một ống to bằng thép, có rất nhiều lỗ thông khí nhỏ. “Con mực khi mang lên thuyền rất dễ chết, cho dù có đổ nước biển vào nuôi đi chăng nữa. Bởi chúng sống thoải mái là nhờ một lực áp suất nhất định từ biển, bắt được con nào thì bỏ vào ống này, thả lại xuống biển mới sống được” - ông Hai chia sẻ.
Chúng tôi bắt đầu buông cần nghỉ ngơi khi bụng ai nấy đã đói cồn cào. Ông Hai lại một lần nữa trổ tài đầu bếp. Dưới cái lạnh như cắt của sương biển về khuya, chẳng món nào có thể so được với mực nướng. Vừa nướng mực ăn, vừa nhấm nháp vài ly rượu, đám du lịch chúng tôi như quên hẳn cái lạnh của biển đêm.
Mực nướng và rượu là hai món rất hợp với cái lạnh của biển đêm. |
Trắng đêm săn cá “khủng”
Càng về khuya, cảnh vật xung quanh càng yên ả. Khoảng 1h30 sáng, trăng lên, ông Hai mới cho thuyền chạy ra khơi xa để anh em thưởng thức tiết mục được trông chờ nhất đêm nay. Mọi người cùng soạn cần chuẩn bị. Mỗi cần câu được lắp vào một chiếc chuông nhỏ. Buông cần xuống, nếu chuông rung tức là cá cắn câu.
“Câu cá khủng phải dìu cá ghê gớm lắm mới mong kéo được lên thuyền. Bởi chúng toàn là loại nặng ký, lại sống lâu năm nên kinh nghiệm ăn mồi và vùng vẫy khi mắc câu rất rành. Có con cá hồng ngày trước mình câu, nặng chỉ 4,2kg thôi nhưng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới dìu nổi nó lên thuyền. Đó là lần câu nhớ đời của mình. Rất hiếm khi câu được con lớn hơn thế” - anh Quang Vinh tâm sự.
Thả câu chưa bao lâu, bên cần của anh Phúc Vinh chuông reo dữ dội. Trên thuyền ai cũng hô to “Dính cá rồi! Kéo đi”. Anh Phúc Vinh nhấp hai cái rồi quay máy, cần câu bấy giờ cong như cây thước parabol. Chứng tỏ kinh nghiệm đầy mình, ông Hai chạy lại quan sát rồi khẳng định: “Dính cá rồi. Con ni ít nhất cũng 5kg, kéo mạnh lên, dìu nó một chút, không là gãy cần”. Vừa dứt lời, anh Phúc Vinh đã kéo được cá lên mặt nước. Trước mắt chúng tôi là con cá mú to bằng một cái yên xe máy. Mọi người đều tập trung lại hoan hô rồi lấy vợt kéo cá lên thuyền. Dùng cân móc cân, mọi người đều kinh ngạc khi chú cá nặng đến 6kg.
Nói về cảm xúc lúc ấy, anh Phúc Vinh tâm sự: “Thật sự không nghĩ là cá mắc câu, mình mới vừa thả cần xuống thôi và cũng không cần phải dìu lâu, cứ quay máy giống như câu cá vặt vậy mà cũng kéo được nó. Đúng là kỹ thuật không bằng may mắn. Sung sướng nhất là cái lúc nhấp cần xuống khoảng nửa mét rồi kéo lên thấy nặng và biết nó đang vùng vẫy dưới nước. Cảm xúc thoáng qua khoảng chưa đầy 2 phút thì kéo được nó, vậy mà đến giờ người còn lâng lâng”.
“Chiến lợi phẩm” đầu tiên thuộc dạng “khủng” đúng chất khiến cho những người còn lại trên thuyền như được tiếp khí thế mới. Mặc dù đã qua 3h sáng nhưng ai cũng cắm cúi vào cần câu của mình. Quả thực, kỹ thuật không bằng may mắn, khi đoán được con cá đang mắc câu của mình thuộc hàng hơn 7kg vì kéo cần rất nặng, nhưng anh Quang Vinh vẫn không thể câu được nó. Đã vậy, anh sơ ý để ngón tay áp út kẹp vào mạn thuyền và dây cước lúc cá vùng vẫy đang rất căng đã làm anh bị đứt da tay. May mắn vết thương không quá nguy hiểm.
Đến lúc bình minh lên đằng xa, con cá mú 6kg của anh Phúc Vinh vẫn là chiến lợi phẩm duy nhất của tiết mục câu đêm. “Nếu câu được thêm con nào nữa thì sẽ tự hào hơn nhiều. Nhưng mình nghĩ như vậy là đã quá đủ. Vì chưa bao giờ trong hội có anh em nào câu được con khủng như vậy” - anh Nhật Quân nói. Đúng như lời anh, thu cần trở về bờ, nhiều người dân địa phương tụ lại xem con cá mú. Thậm chí, họ nhất quyết không tin là chúng tôi câu được mà cứ nghĩ là mua lại của các thợ lặn. Dù chẳng giải thích hay bàn cãi, nhưng những gã đi biển nghiệp dư chúng tôi vẫn cảm thấy rất tự hào.
Nắng rực rỡ, mọi người lên tàu chợ (tức tàu chở hàng hóa của người dân Cù Lao Chàm) về đất liền. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ vì con cá mú 6kg đang nằm gọn trong thùng xốp. Vẫy tay chào ông Hai, chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu nói nửa đùa nửa thật của ông: “Đến Cù Lao Chàm mà không một lần ra biển câu đêm thì coi như... ở nhà đi!”.