Đặc biệt, đây là ngôi làng điển hình sở hữu khá nguyên vẹn những yếu tố đặc sắc cấu thành di sản như: Nhà rường cổ; hệ thống các công trình tín ngưỡng, tâm linh… Năm 2009, Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai (sau làng cổ Đường Lâm - Hà Nội) được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận Di tích cấp Quốc gia.
Trải qua nhiều năm tháng cùng với những biến động của lịch sử và thiên tai, những ngôi nhà rường ở Phước Tích bị hư hại, xuống cấp nghiêm trọng, một số nguy cơ sụp đổ. UBND Thừa Thiên - Huế đã có quyết định để các nhà cổ ở đây cùng tham gia Đề án “Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” (được phê duyệt từ năm 2015), từ năm 2017 đến nay đã tu bổ, tôn tạo 20 nhà rường.
Trong ngôi nhà rường vừa được trùng tu năm 2019, bà Lê Thị Phương cho biết, khi tham gia thực hiện Đề án này, đã họp gia đình và thống nhất thực hiện, đồng thời vận động thêm anh em trong gia đình đóng góp thêm 400 triệu để mở rộng không gian. Trước đây ngôi nhà chỉ là nhà 3 gian, sau khi tham gia đề án đã mở rộng thành 3 gian, 2 chái.
“Đề án đã góp phần chống xuống cấp, trùng tu, phục dựng ngôi nhà rường cổ của gia đình; đồng thời đảm bảo an toàn, tôn tạo cảnh quan để gia đình khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế của giá trị nhà vườn Huế đặc trưng cho ngôi làng”, bà Phương nói.
Gần đó, từ nguồn vốn ngân sách của đề án hơn 770 triệu đồng, ngôi nhà rường của ông Hồ Văn Tế cũng đã được trùng tu như nguyên bản. Ông Tế cho biết: “Ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, một số cấu kiện bằng gỗ như rui, mè bị mối mọt, hư hỏng, tường nhà bong tróc, mái ngói hư hỏng một phần. May có chính sách khôi phục và phát triển nhà rường của tỉnh đã góp phần trùng tu sửa chữa”.
Du khách trải nghiệm nghề làm gốm tại làng cổ |
Làng cổ Phước Tích có 25/26 nhà rường tham gia đề án. Trong đó có 14 nhà loại I, 9 nhà loại II, 3 nhà loại III. Ngoài những ngôi nhà đã được trùng tu, trong năm 2020, địa phương này đang đề nghị đầu tư trên 2 tỉ đồng trùng tu 3 nhà.
Việc trùng tu các nhà rường đã tạo nên điểm nhấn cho ngành du lịch nơi đây. Ngoài thương hiệu “Hương xưa làng cổ” nằm trong chuỗi các hoạt động trong mỗi dịp Festival Huế, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm; hàng năm Phước Tích còn thu hút hàng nghìn lượt du khách. Thời gian gần đây, Ban Quản lý (BQL) làng cổ Phước Tích phối hợp các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức chương trình “Học sinh về với di sản” để cho học sinh đến trải nghiệm, tìm hiểu thêm nhiều về lịch sử, giá trị văn hóa dân gian. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh biết trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử.
Theo ông Nguyễn Vũ, GĐ BQL làng cổ Phước Tích, hiện có 26 ngôi nhà rường cổ tuổi đời trên 100 năm, trong đó 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật. Bên cạnh đó là hệ thống nhà thờ họ, phái, công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng mang văn hóa Chăm Pa, 12 bến nước đặc trưng của miền quê xứ Huế, cùng nghề làm gốm truyền thống. Đề án đã góp phần hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh ngôi nhà rường xứ đặc trưng của Huế.
Hiện UBND huyện Phong Điền đã hoàn thành Quy hoạch 1/500 tổng thể làng cổ Phước Tích và UBND tỉnh đang trình Bộ VHTT&DL phê duyệt quy hoạch. Đây là tiền đề quan trọng để huyện có cơ sở lập các dự án kêu gọi đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng, đồng thời đảm bảo cảnh quan môi trường sinh thái phù hợp không gian kiến trúc của làng cổ, nâng tầm giá trị.
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Trước mắt, trong năm 2020 huyện sẽ hỗ trợ người dân cải tạo lại không gian vườn của nhà rường, hỗ trợ 500 triệu đồng cho 23/26 nhà rường trồng cây bản địa, cải tạo vườn tạp… Bên cạnh đó, huyện tiếp tục trùng tu, cải tạo các nhà vườn tham gia đề án và hoàn thành trong năm 2020; cải tạo một số cảnh quan xung quanh làng cổ như thi công nạo vét kênh đưa thuyền du lịch tham quan, trải nghiệm dọc sông Ô Lâu vào Hồ Sen, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư đến với làng cổ Phước Tích”.