Viện Y học Hải quân (Cục Hậu cần, Quân chủng Hải quân) là địa chỉ duy nhất cả nước có hệ thống máy móc hiện đại số 1 Đông Nam Á để điều trị bệnh giảm áp cho những thợ lặn gặp phải tai nạn nghề nghiệp, ngay cả khi bị liệt...
Bệnh nhân được điều trị tại buồng oxy cao áp. |
"Sinh nghề, tử nghiệp"
Người xưa vẫn nói "sinh nghề, tử nghiệp", có lẽ đem câu nói này rất đúng khi gắn cho những người thợ lặn đang ngày đêm mưu sinh với những con sóng, nhiều khi cận kề với "thế giới bên kia".
Thợ lặn Trần Văn Hiếu (30 tuổi, quê ở Nghệ An) hiện đang điều trị giảm áp tại khoa Sinh lý, Viện Y học Hải Quân cho biết, chỉ với vài ngón nghề học mót, không một thiết bị bảo hộ, cánh thợ lặn như anh không được học hành về nghiệp vụ lặn biển cũng như các kỹ năng cứu hộ nhưng lại thường xuống độ sâu 30-40m, thậm chí 50m dưới mặt biển khai thác hải sản. Nhiều người phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Người nào may mắn thoát khỏi cửa tử thì phải đối mặt với căn bệnh giảm áp. “Đây là căn bệnh nghề nghiệp được xếp vào nhóm đặc biệt nguy hiểm, độc hại. Nguyên nhân khiến thợ lặn mắc căn bệnh này là do vi phạm chế độ giảm áp, dẫn đến hình thành các bọt khí nitơ trong lòng mạch máu và trong mô của cơ thể gây thiếu ôxy mô, đặc biệt là não và tim. Bệnh nhân hầu như phải mang dị tật suốt đời nếu chữa trị quá muộn hoặc đến “nhầm” địa chỉ”- bác sỹ Lê Đăng Vân- Chủ nhiệm khoa Sinh lý (Viện Y học Hải quân) cho biết.
Các y, bác sỹ tại khoa chia sẻ, quy trình chữa bệnh giảm áp gồm 2 công đoạn: Điều trị tại buồng giảm áp và điều dưỡng tại buồng oxy cao áp. Từ trước đến nay, ca “hóc” nhất mà không ai quên được là 1 thợ lặn đến từ Hà Tĩnh bị giảm áp, liệt toàn thân, đồng thời bị suy thận. Trong 2 ngày bệnh nhân này nằm trong buồng giảm áp, toàn bộ y, bác sỹ tại khoa phải “cân não”, suy tính làm thế nào để chữa được hai căn bệnh trên cùng lúc.
Nếu không chữa bệnh suy thận, bệnh nhân có thể sẽ chết. Nếu chỉ điều trị suy thận, bệnh nhân có nguy cơ phải “hứng” dị tật cả đời. Sau một hồi đắn đo, trăn trở, bác sỹ Vân quyết định cử 1 đồng chí chắc chuyên môn truyền dịch và thuốc chữa suy thận từ bên ngoài vào buồng giảm áp. Và điều kỳ diệu đã xuất hiện ! Bệnh nhân khỏi suy thận trong thời gian ngắn, các bộ phận trên cơ thể dần lấy lại được cảm nhận…
Hiện tại, Viện Y học Hải quân là đơn vị duy nhất cả nước đưa ra phác đồ điều trị thành công căn bệnh này. Từ năm 2006 đến nay, có tới trên 60 thợ lặn bị liệt nửa người hoặc cả người được các y, bác sỹ tại khoa Sinh lý điều trị phục hồi hoàn toàn. Anh Hiếu cũng là một trong số những người may mắn đó.
“Thoát khỏi lưỡi hái tử thần, tôi thấy mình được gieo vào niềm lạc quan, chưa bao giờ tôi khát sống như thế vì nhận ra một điều: sự sống và cái chết lại chỉ cách nhau có gang tấc. Bây giờ, tôi đã víu được vào thành giường để bước từng bước một rồi. Thật là may mắn !”, anh Hiếu tâm sự.
Ngẫm về một chiến lược
Có được thành quả như trên là nhờ phần lớn vào quá trình học hỏi, làm việc không mệt mỏi của đội ngũ 12 cán bộ tại khoa Sinh lý Hải quân. Họ đều là nam giới, dưới 35 tuổi, khỏe mạnh và có khả năng chịu được áp lực lớn và làm việc với một tinh thần “thép”. Bác sỹ Lê Đăng Vân cho biết thêm: “Khá nhiều cán bộ tại khoa, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân tại buồng giảm áp đã bị chảy máu mũi, máu tai vì tiếp xúc với áp lực quá lớn.
Điều này là lẽ thường, vì 1 thợ lặn có thể chịu đựng được mức sâu 50m nước nhưng người bình thường chỉ chịu được 3- 4m.” Với sứ mệnh trị bệnh lớn lao đó nhưng khi được hỏi về những thành tích mà đơn vị đã đạt được thì vị trưởng khoa hết sức khiêm tốn này khẳng định: “Thầy thuốc không bao giờ đòi hỏi thành tích. Bệnh nhân bình phục là món quà lớn nhất rồi”!
Theo lãnh đạo Viện Y học Hải quân, ước tính, có khoảng 10.000 cư dân làm nghề thợ lặn trải khắp 63 tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở Quảng Ngãi, Phú Quốc, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Hiện, những bệnh nhân từ Hà Tĩnh đổ ra Bắc có thể kịp thời đến Viện Y học để điều trị nhưng bệnh nhân từ Hà Tĩnh đổ về Nam thì hoàn toàn không thể. Trong khi đó, bệnh nhân phải đến trước 10 giờ sau khi bị nạn nếu muốn điều trị bình phục hoàn toàn; đến muộn, tỷ lệ dị tật sau điều trị là khó tránh khỏi.
Vì vậy, nếu không có một chiến lược y học để xây dựng các cơ sở điều trị khắp cả nước thì căn bệnh giảm áp sẽ là nỗi ám ảnh của không ít ngư dân. Làm thế nào để xây dựng được 3 cơ sở điều trị giảm áp trải đều ba miền Bắc, Trung, Nam?
Làm thế nào để đưa được buồng giảm áp ra Trường Sa, kịp thời điều trị cho bộ đội và ngư dân gặp nạn khi hoạt động và khai thác hải sản trên vùng biển xa bờ? Đó là ý tưởng ấp ủ khá lâu của tập thể y, bác sỹ làm việc tại đây, cũng là mong muốn của hàng ngàn ngư dân khi ra khơi đánh bắt, mưu sinh kiếm miếng cơm, manh áo; là câu hỏi chờ đợi sự trả lời từ phía các cơ quan chức năng, các ngành đầu tư trên cả nước…
Phương Thanh