Cân nhắc nhiệt điện than
Ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) ở Việt Nam cho biết, rất nhiều người nghĩ rằng không thể thực hiện được việc vừa có điện bền vững, vừa biến điện từ “nâu” thành “xanh” ở mức giá phù hợp và giảm được phát thải. Tuy nhiên, con số thống kê cho thấy, năm 2016, châu Âu đã giảm 23% phát thải so với năm 1990 trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Như vậy, theo vị Đại sứ này vẫn có thể tồn tại việc vừa phát triển kinh tế (thông qua nhu cầu sử dụng điện năng), vừa giảm được phát thải. Và Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.
Cũng theo ông Bruno Angelet, Việt Nam có tiềm năng lớn hỗ trợ cho năng lượng tái tạo (NLTT) thông qua điện mặt trời lắp mái nhà, nếu các công ty, gia đình có thể đấu nối, có giải pháp để các gia đình có thể dùng và bán phần thừa cho lưới điện thì đây cũng là nguồn bổ sung đáng kể cho nguồn điện quốc gia.
Cùng nhìn nhận, ông Ousmane Dioen - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt về phát triển năng lượng thì hoàn toàn có thể làm được nhiều hơn để chuyển đổi ngành năng lượng hiện nay thành năng lượng xanh, đáng tin cậy.
Tuy nhiên, đại diện WB đánh giá, với tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, việc giảm nhiệt điện than rất khó. Dù thích hay không thì than vẫn đáp ứng quan trọng vào việc cung cấp điện cho người dân Việt Nam. Không thể một sớm một chiều đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than được.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng đồng tình khi khẳng định: “Nhiệt điện than hay điện nào thì cũng phải tùy thuộc trên dự trữ quốc gia để phát triển. Nếu cứ nguồn điện nào có nguy cơ môi trường mà từ chối thì ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhiệt điện than hoàn toàn có thể đảm bảo ít ảnh hưởng môi trường với công nghệ mới, thân thiện”. Theo ông An, vấn đề của Việt Nam hiện nay là việc tìm ra cấu hình tối ưu để phát triển nguồn điện.
Hiện Việt Nam cũng đang vượt xa các nước ASEAN về việc sử dụng NLTT. Theo quy hoạch, đến năm 2020, thủy điện sẽ chiếm 43% cơ cấu nguồn điện trong khi ASEAN cũng chỉ mới có hơn 20% nguồn NLTT trong cơ cấu điện. Đại sứ Bruno Angelet cũng cho biết, ở châu Âu, nguồn NLTT mới chỉ chiếm chưa đến 20% cơ cấu nguồn điện.
Do đó, ông An cho rằng, với nhu cầu năng lượng cần phải tăng (từ mức tiêu thụ bình quân đầu người dưới 2.000 kWh lên mức 6.000 kWh như các nước công nghiệp phát triển) trong vài năm tới nên cần phải tính toán tối ưu cho cả nước để cân đối giữa các loại hình năng lượng sơ cấp, không thể phụ thuộc vào nguồn NLTT được vì nó không thể dự đoán, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Do đó, cần phải đầu tư hợp lý, tránh tư tưởng cực đoan nếu không sẽ đẩy đất nước vào tình trạng thiếu năng lượng.
Cần chế tài tiết kiệm năng lượng
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, trước đây đầu tư vào ngành điện chủ yếu dựa vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì nay Chính phủ đã thấy sự tham gia của tư nhân trong đầu tư điện năng là khá quan trọng.
Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách để có sự tham gia rộng hơn, sâu hơn của đối tượng này để giảm gánh nặng vốn nhà nước vào ngành điện. Tuy nhiên, chính sách vừa một mặt đáp ứng nguồn cung vừa đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. “Điều quan trọng là làm thế nào kiểm soát cả phía cầu nữa vì tiềm năng tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là điện còn rất nhiều” - ông An nói.
Hệ số đàn hồi điện trước đây gấp 1,8-2 lần tăng trưởng GDP, hiện nay đang giảm còn 1,5-1,6 lần, mục tiêu của Chính phủ là giảm còn dưới 1 lần tăng trưởng. “Đây là mục tiêu lớn và muốn đạt được thì sắp tới có thể đề xuất việc tiết kiệm năng lượng không chỉ ở mức độ khuyến khích mà phải là bắt buộc, phải có chế tài để buộc phải thực hiện tiết kiệm” - ông An đề xuất.
Cùng với đó là rất nhiều ngành công nghiệp có tiêu thụ năng lượng lớn cần hướng đến việc tiêu thụ ít năng lượng hơn, thiết bị sản xuất phải tiêu thụ ít năng lượng hơn nữa. Hoặc từ đèn tròn chuyển sang đèn led… “Tất cả các biện pháp giảm cầu là rất quan trọng chứ nếu tăng mãi cung thì trở thành lãng phí” - ông An khẳng định.
Đại diện WB, ông Ousmane Dioen khẳng định, với nhu cầu vốn lớn cần đầu tư cho ngành điện đến năm 2030 (vào khoảng 150 tỷ đồng) thì kể cả vay ODA hay đầu tư công đều không đủ. Do đó, vốn tư nhân, thương mại, đa dạng hóa nguồn tài chính là cần thiết và bắt buộc phải phát triển. Tuy nhiên, để có thể huy động được nguồn tài chính lớn này thì Việt Nam phải thực hiện các bước quan trọng như đấu thầu minh bạch với các công nghệ mới và có khung pháp lý mạnh mẽ. Đây là những tiền đề quan trọng đầu tiên thu hút đầu tư tư nhân, tạo niềm tin cho họ.