Theo Nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn VBF, việc áp trần lãi suất cho vay với một số lĩnh vực lại làm khó chính các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này, khiến họ có thể chỉ được vay ít hơn so với trước kia.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam sáng 29/5 (ảnh B.D).
Đóng góp vào phần tham luận về các vấn đề ngân hàng trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) chủ đề “Từ Ổn định tới Phục hồi kinh tế” sáng hôm nay 29/5, ông Louis Taylor, Trưởng Nhóm công tác ngân hàng đã đưa ra một số đánh giá về những biện pháp ổn định thị trường trong ngắn hạn của cơ quan điều hành thời gian vừa qua.
Theo đó, tại Thông tư 14, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp trần lãi suất cho vay đối với một số ngành đang gặp khó khăn nhằm giảm chi phí tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động tại những ngành này.
Tuy nhiên, Nhóm công tác bày tỏ lo ngại, biện pháp hành chính này sẽ dẫn đến việc các ngân hàng sẽ cho doanh nghiệp tại các ngành này vay ít hơn so với trước kia, bởi những ngành này sẽ có ít khả năng đạt được lợi nhuận thích hợp khi cân nhắc tới các yếu tố rủi ro.
Kế hoạch tái cơ cấu của ngành ngân hàng của Chính phủ đưa ra yêu cầu cho các ngân hàng thực hiện quy trình quản lý rủi ro tốt hơn, gồm cả yêu cầu định giá khoản vay có rủi ro. Do vậy, Thông tư 14 khiến cho việc định giá này là không thể. Nhóm công tác đưa ra đề xuất, NHNN sẽ gỡ bỏ được vấn đề này càng sớm càng tốt, và trên thực tế, phía NHNN cũng đã khẳng định, biện pháp này chỉ mang tính chất tạm thời.
Cần có cơ chế xử phạt vượt trần nghiêm khắc hơn
Đồng ý với những biện pháp mạnh mới đây của NHNN trong việc thực thi trần lãi suất tiền gửi và biên độ giao dịch ngoại hối. Tuy nhiên, Nhóm công tác đánh giá, tình trạng các ngân hàng sử dụng các phương thức bù đắp thay thế để trả cho người gửi tiền mức vượt trần vẫn tồn tại.
“Nếu vi phạm quy định mà vẫn có thể hưởng lợi, không bị xử lý thì các ngân hàng sẽ ít quan tâm đến việc chấp hành quy định hơn, kể cả những chế tài xử phạt đã ban hành. Vì vậy, Nhóm Công tác đề nghị NHNN tích cực đôn đốc các ngân hàng thực hiện nghĩa vụ và áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc nếu các ngân hàng không chấp hành. Nếu không duy trì được một văn hóa tuân thủ chặt chẽ sẽ tạo ra một thị trường không bình đẳng” – ông Louis nhấn mạnh.
Đáp lại vấn đề này, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, cho biết, một trong những nội dung trọng tâm mà NHNN sẽ tập trung thực hiện trong 2012 là sửa đổi bổ sung các cơ chế chính sách cho phù hợp với quy định của NHNN và luật các tổ chức tín dụng mới được ban hành.
Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ tập trung tăng cường công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là công tác giám sát từ xa, tăng cường đẩy mạnh chất lượng về kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát nội bộ của hệ thống các tổ chức tín dụng để lập nên trật tự thị trường.
Không nên đặt trần hạn mức cho vay với khách hàng có nhu cầu vốn lưu động
Về chính sách phân nhóm, đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, theo đề xuất của Nhóm công tác, NHNN nên thiết lập một “Trung tâm bù trừ”- qua đó có thể tái phân bổ tăng trưởng tín dụng từ một số tổ chức tín dụng (tự nguyện hoặc không tự nguyện) sang một số các tổ chức tín dụng khác đang có nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn (và cho những đối tượng mà tăng trưởng tín dụng cao hơn sẽ không dẫn tới các vi phạm về tỷ lệ đảm bảo an toàn).
Phương thức này sẽ cho phép NHNN vừa giám sát được tổng mức tăng trưởng tín dụng trong khi vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng tổng thể đã đặt ra.
Ngoài ra, để tránh ứ đọng vốn trong ngân hàng và đẩy mạnh khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với các nguồn tín dụng trong bối cảnh ngân hàng đã được cải thiện về thanh khoản, Nhóm công tác cho rằng, hạn mức cho vay đối với một khách hàng (chiếm 15% vốn tự có của ngân hàng) chỉ nên được áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn, theo giấy phép đầu tư của doanh nghiệp.
Theo đó, không nên đặt ra trần hạn mức cho vay đối với một khách hàng có nhu cầu vay vốn lưu động.
Ngoài ra, đối với các ngân hàng nhỏ hơn nằm trong nhóm I, NHNN nên xem xét cho phép tăng trưởng để tỷ lệ đòn bẩy hơn là tỷ lệ phần trăm. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng nhỏ sử dụng vốn của mình ở mức độ vừa đảm bảo an toàn và hiệu quả về lợi nhuận. Đồng thời cũng sẽ cho phép tất cả các ngân hàng mạnh tăng trưởng tín dụng một cách đáng kể, không chỉ đối với các ngân hàng mạnh và lớn hơn.
Bởi theo như đánh giá của nhóm công tác, dù được xếp trong cùng một nhóm nhưng vẫn còn có sự ưu ái cho các ngân hàng lớn, đơn giản vì tỷ lệ cân bằng ban đầu của các ngân hàng lớn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ cân bằng ban đầu ở các ngân hàng nhỏ.
Theo Dân Trí