Ngày 29/9 vừa qua, trên cương vị là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và của Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới ở nước Mỹ, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã tranh luận trực tiếp lần đầu tiên trên truyền hình. Hai cuộc đấu khẩu còn lại sẽ được tổ chức vào này 15 và 22/10 tới.
Từ hơn 40 năm nay, các cuộc tranh luận như vậy được coi là đỉnh điểm của vận động tranh cử ở nước Mỹ và cơ hội để các ứng cử viên thể hiện trước ngày bầu cử nhằm tranh thủ cử tri cho mình và thuyết phục họ không nên bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên khác. Các cuộc tranh luận như thế có quyết định kết quả cuộc bầu cử tổng thống hay không là điều gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận là chúng có tác động không hề nhỏ.
Trận đấu khẩu trực tiếp vừa qua giữa ông Trump và ông Biden đi vào lịch sử nước Mỹ với tư cách là một sự kiện vô cùng tồi tệ, thậm chí còn được coi là một vết nhơ về chính trị. Nguyên do chủ yếu ở cách hành xử của ông Trump.
Người này đã biến cuộc tranh luận trở thành một cuộc tổng sỉ vả đối thủ chính trị trên mọi phương diện, bất chấp hết mọi quy tắc ứng xử văn hoá thông thường. Khán giả theo dõi thấy ông Trump tập trung đề cao thành tựu cầm quyền của mình. Ông Trump đưa ra những cáo buộc rất nặng nề đối với ông Biden nhưng lại không cung cấp được chứng cứ cụ thể.
Ông Trump chủ ý làm cho cuộc tranh luận do chính mình dẫn dắt chứ không phải là khách mời. Ông Biden có những bối rối nhất định nhưng về cơ bản vẫn kiềm chế và phải mất thời gian nhất định mới tìm ra cách thức thích hợp nhất ứng phó với ông Trump.
Về nội dung, cuộc tranh luận này không thấy có gì mới mẻ ở cả hai phía. Nhưng cách ứng xử của hai người đã giúp cho ông Biden được nhìn nhận là người thắng trận cho dù ông Trump liên tục quả quyết là đã nổi trội hơn đối thủ.
Cho nên có thể nói cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên này có lợi cho ông Biden nhiều hơn là cho ông Trump. Ông Trump gây được ấn tượng mạnh mẽ ở diện cử tri truyền thống của mình. Họ thích thú khi ông Trump phá bỏ quy tắc và luật chơi cũng như khi ông Trump lấn át ông Biden trong luận điểm đưa ra.
Những diện cử tri này đằng nào cũng bỏ phiếu bầu ông Trump, trong khi mọi diện cử tri khác càng thêm ngần ngại và không sẵn sàng bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm kể cả khi họ chẳng ưa gì ông Biden. Trong khi đó, ông Biden đạt được hiệu ứng tranh thủ cử tri cao hơn và thiết thực hơn. Điểm yếu duy nhất của người này là chưa thể làm hài lòng bộ phận cử tri là cánh tả trong nội bộ Đảng Dân chủ.
Vì thế mới nói trận đấu khẩu trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden củng cố lợi thế và ưu thế hiện tại cho ông Biden nhưng chưa phải là tác động quyết định kết quả bầu cử. Thời gian 5 tuần cho đến ngày bầu cử còn đủ dài để ông Trump tung ra những chiêu thức dân tuý cuối cùng và vẫn còn có 2 cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai người này với nhau. Nếu ông Trump không thay đổi cách tham gia tranh luận mà cứ lặp lại cách thức như vừa rồi thì chắc người này sẽ không thể xoay chuyển được tình thế bất lợi hiện tại.
Ông Trump giờ đây dường như đã cảm nhận được nguy cơ bị thất cử nên đã trù liệu cách thức khác để có thể được tiếp tục cầm quyền, cụ thể là khuấy động khả năng xảy ra gian lận bầu cử, kéo dài thời gian kiểm phiếu bầu ở những bang quyết định kết quả cuộc bầu cử, kiện tụng để rồi Tòa án Tối cao sẽ phán quyết cuối cùng.
Mà ở tòa này, đa số trong tổng số 9 thành viên đều đã là người thuộc phe Đảng Cộng hòa và sẽ phán xử có lợi cho ông Trump. Ông Trump hiện mưu sự như thế, nhưng rồi đây có thành sự được hay không thì rồi phải hạ hồi phân giải.
Ông Biden dù đang có lợi thế nhưng cũng chưa hẳn chắc chắn sẽ đắc cử. Người này trong 2 lần đấu khẩu tới với ông Trump phải thể hiện có bản lĩnh hơn, tự tin hơn và có tầm vóc lãnh đạo nước Mỹ hơn trước và hơn hẳn ông Trump.