Trận chiến bi tráng của chiếc xe tăng T59 số hiệu 377

Xe tăng 377 tại Khu di tích Đắk Tô - Tân Cảnh , Kon Tum. (Ảnh Ban Liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 273)
Xe tăng 377 tại Khu di tích Đắk Tô - Tân Cảnh , Kon Tum. (Ảnh Ban Liên lạc cựu chiến binh Lữ đoàn 273)
(PLVN) -  Lễ công bố xe tăng T59 số hiệu 377 được công nhận là Bảo vật quốc gia vừa diễn ra tại Quảng trường 24-4 huyện Đắk Tô (Kon Tum). Đây là xe tăng thứ ba ở Việt Nam được công nhận bảo vật quốc gia, sau tăng T54B số hiệu 843 và T59 số hiệu 390.

Trận chiến bi tráng

Những năm chống Mỹ, Đắk Tô - Tân Cảnh có vị trí chiến lược vô cùng xung yếu. Đây là vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào và được quân đội Mỹ - Việt Nam Cộng hòa xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh, tưởng như bất khả xâm phạm. Nhưng vào mùa hè năm 1972, cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh đã thất thủ trước quân Giải phóng.

Trong ký ức của những người lính xe tăng Tây Nguyên, sau trận đánh bi tráng Đắk Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972, có hai chiếc xe tăng của ta nằm lại dưới con đường nhỏ rợp bóng phượng. Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thi, Sư đoàn 10 kể: “Những năm còn chiến tranh, nếu bạn đi trên đường 18 thuộc vùng giải phóng tỉnh Kon Tum, cách thị trấn Tân Cảnh chừng 8km về phía Tây, ở phía bên phải sân bay Phượng Hoàng bạn sẽ thấy một hình ảnh vô cùng xúc động. Đó là một chiếc xe tăng của ta mang số hiệu 377 của Đại đội xe tăng 7, Tiểu đoàn xe tăng 297, Mặt trận Tây Nguyên (lúc này Trung đoàn xe tăng 273 chưa thành lập) bị địch bắn cháy. Phần đuôi xe tăng chờm khoảng 1m lên miệng một hố bom to. Khẩu súng máy 12ly7 nòng vẫn nghếch lên trời. Xung quanh chiếc xe tăng 377 là 7 xe tăng M41 của địch cũng bị cháy rụi. Có điều lạ là 3 xe tăng M41 của địch bị xe tăng 377 bắn cháy đều nằm khá gần nhau, nòng pháo của cả 3 xe tăng này vẫn hướng về chiếc xe tăng 377. Trong lịch sử chiến đấu của bộ đội tăng thiết giáp Việt Nam, chưa có một trận đấu tăng nào giữa ta và địch lại lập được kỷ lục cao như vậy. 1 chọi 10 và bắn cháy 7. Đây thật sự là một huyền thoại”.

Theo những tư liệu lịch sử, xe tăng T59 số hiệu 377 được biên chế về Trung đoàn 202, thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, đóng quân tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Tháng 5/1971, xe tăng 377 được điều động bổ sung cho Tiểu đoàn 297, Trung đoàn 203 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Tây Nguyên.

Ngày 2/4/1972, ta mở màn chiến dịch Tây Nguyên với sự ra quân của Sư đoàn bộ binh 320 đánh phá tuyến phòng thủ Tây Pô Kô. Đêm 23/4/1972, từ ngầm sông Pô Kô Hạ, Đại đội 7, gồm 9 chiếc xe tăng T-54 cùng Trung đoàn bộ binh 66 bắt đầu xuất kích.

1 giờ sáng ngày 24/4/1972, xe tăng 377 với kíp lái: Trung đội trưởng Trung đội tăng 3, Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trưởng xe; Hạ sĩ Cao Trần Vịnh - lái xe; Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng và Hoàng Văn Ái - pháo thủ, dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ E42-Tân Cảnh mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm. Xe tăng phiên hiệu 377 dẫn đầu đội hình cùng xe 357 cơ động, bắn sập đài quan sát trên tháp nước, cùng bộ binh tiêu diệt địch và đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Trung đoàn 42 bộ binh địch.

Chưa kịp nghỉ lấy sức và khôi phục kỹ thuật xe để chuẩn bị cho trận đánh sau, Trung đội xe tăng 3 của Nguyễn Nhân Triển, gồm 3 xe tăng: 377, 354, 369 và 1 xe cao xạ tự hành ZSU-57-2 số hiệu 472, nhận lệnh xuất kích tấn công căn cứ Đắc Tô 2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Dù pháo binh và máy bay địch tấn công dữ dội, nhưng xe 377 dẫn đầu đội hình tiến công cùng 2 xe 354 và 369 không ngừng tăng tốc. Tuy nhiên, hỏa lực dữ dội của địch khiến xe 354 và 369 không theo kịp với xe dẫn đầu 377.

Phát hiện chỉ có 1 xe tăng 377 của ta tiếp cận, địch tung 10 xe tăng M-41, M-24 chia làm 2 mũi hợp vây. Bình tĩnh báo cho kíp xe sau, trưởng xe Nguyễn Nhân Triển và kíp xe bước vào trận chiến sinh tử 1 chọi 10.

Xe tăng 377 nhanh chóng bắn cháy 2 xe tăng M-41. Các xe tăng còn lại của địch tập trung hỏa lực tấn công xe tăng 377. Kíp xe tăng anh hùng lợi dụng địa hình, địa vật bắn trả và đã hạ liên tiếp 7 xe tăng đối phương. Tuy nhiên, trước hỏa lực tập trung của địch, xe tăng 377 đã trúng 3 phát đạn và bốc cháy.

Lúc này, các xe tăng 354 và 369 mở hết tốc lực xông lên ứng cứu xe 377 vừa đi vừa đánh địch mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Tới nơi, xe tăng của ta phối hợp với lực lượng bộ binh Trung đoàn 1 tiến lên tấn công tiêu diệt và làm chủ căn cứ Đắc Tô 2.

Đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 273-QĐ3 cùng các cháu thiếu nhi huyện Đắk Tô tưởng niệm các liệt sỹ xe tăng hy sinh ngày 24/4/1972. (Ảnh: Ban Liên lạc cựu chiến binh 273)

Đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 273-QĐ3 cùng các cháu thiếu nhi huyện Đắk Tô tưởng niệm các liệt sỹ xe tăng hy sinh ngày 24/4/1972. (Ảnh: Ban Liên lạc cựu chiến binh 273)

Kíp tăng anh hùng

Sáng 25/4/1972, đồng đội lên đường tìm hai tăng còn thiếu. Gần trưa, nhóm tới đầu căn cứ Đắk Tô, thấy một tăng của quân giải phóng bị cháy bên đường 18. Bộ đội đến nơi nhận ra tăng 377 nằm trong hõm đất, nòng pháo đang hướng về một tăng M41 đã cháy. Xung quanh có nhiều tăng M41 và M113 của địch bị cháy, cách tăng 377 khoảng 40m.

Đồng đội kiểm tra trong tăng 377, tất cả chỉ còn màu đen ngổn ngang với đạn pháo, vật dụng và bốn nắm cơm cháy đen. Ban đầu đồng đội cho rằng kíp lái tăng bị thương đã thoát khỏi xe, được bộ binh cứu giúp hoặc lưu lạc đâu đó.

Chiều hôm sau, ông Nguyễn Hợp Quần, lái tăng 354 và ông Phạm Hải Dư, tổ thợ của Đại đội tăng 7 cùng kiểm tra tăng 377 để lấy phụ tùng sửa cho tăng khác. Nhìn kỹ vị trí pháo thủ, hai người thấy dưới sàn xe có chiếc nắp bút kim tinh màu vàng. Vào kiểm tra kỹ, ông Quần thấy các vị trí kíp lái đều có tro cốt nhưng còn rất ít. Cả bốn người hy sinh trong xe. Các anh chưa kịp ăn nắm cơm anh nuôi đã chuẩn bị trước khi vào trận đánh. Tro cốt của kíp tăng 377 được đồng đội an táng tại Tân Cảnh.

Xe tăng 377 sau khi bị bắn cháy vẫn nằm tại hõm đất tại căn cứ Đắk Tô. Năm 1977, sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xe tăng 377 được đưa về bảo quản, trưng bày tại khuôn viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện (nay là Quảng trường 24-4).

Năm 1995, Khu Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh khánh thành, xe tăng 377 cùng xe pháo tự hành 472 được đưa về nơi đây lưu giữ, trưng bày.

Đầu năm 2017, Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 273 thuộc Quân đoàn 3 tu sửa xe lần đầu như hàn lại cấu kiện hư hỏng, bổ sung thùng nhiên liệu phía ngoài, chắn bùn phía trước và sau, sơn lại. Hai năm sau, xe được tu sửa lần hai, thay thùng nhiên liệu bị móp, lắp thêm hai đèn pha, thay giá súng.

Đến nay, phía trước tăng 377 còn vết lõm sâu. Sát vòng tròn ngôi sao bên sườn trái có lỗ rộng xuyên thủng tháp pháo. Trên đầu số 377 cũng có vết lõm do đạn pháo bắn trúng. Trên xe còn hàng chục vết lõm, trầy xước do trúng đạn của đối phương.

Tại Bảo tàng Lực lượng Tăng - Thiết giáp hiện trưng bày nhiều kỷ vật của kíp xe tăng 377. Mỗi lá thư, khẩu súng, bi đông nước, hay nắm cơm trưa đã cháy của kíp xe tăng là một câu chuyện cảm động của những anh hùng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Đây là chiến thắng có ý nghĩa quan trọng, giải phóng một vùng đất rộng lớn ở Bắc Tây Nguyên, góp phần làm thay đổi cục diện giữa ta và địch lúc đó và tạo thế mạnh cho phái đoàn ta ở Hội nghị Paris 1973, là tiền đề cho chiến thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, xe tăng 377 trở thành tượng đài đặt ở giữa trung tâm thị trấn Đắk Tô, mảnh đất mà các anh đã hiến dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước.

Với chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 9/1/2009, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho kíp xe tăng 377.

Ngày 30/01/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/QĐ-TTg công nhận xe tăng 377 là Bảo vật quốc gia. Đây là xe tăng thứ ba ở Việt Nam được công nhận bảo vật quốc gia, sau tăng T54B số hiệu 843 và T59 số hiệu 390.

Gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, ngày nay, Bắc Tây Nguyên đã đổi thay nhiều, thị trấn Đắk Tô nhà cửa, phố xá khang trang, chợ búa đông vui, người xe tấp nập. Hai bên đường Hồ Chí Minh thênh thang, dưới chân đại ngàn Ngọc Linh là những xóm làng thanh bình, yên ả như những tên làng, tên xóm nơi đây.

Cũng trong những ngày tháng tư vừa qua đã diễn ra cuộc hội ngộ của hơn 100 cựu chiến binh Tăng - Thiết giáp trong trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh. Rất nhiều người mừng tủi sau 51 năm mới gặp lại nhau. Trong câu chuyện của những người lính tên “Quê” (vì nhớ quê hương đất bắc nên bộ đội Tăng - Thiết giáp trong những năm tháng đằng đẵng ở rừng đã gọi nhau bằng “quê” như tên đệm của mỗi người - PV) không nhắc lại những chiến công vang dội. Họ chỉ hỏi nhau về cuộc sống, sức khỏe, người còn, người mất… Quá khứ hào hùng vào sinh, ra tử với họ như một lẽ thường bởi “đất nước của những người không bao giờ khuất”, khi có giặc họ bỏ bút nghiên, bỏ cuốc cày ra trận vậy thôi.

Sau 50 năm, vào tháng 5/2022, những người cựu binh tên “Quê” đã giải mã được chiếc xe thứ hai nằm dưới hàng phượng sau trận chiến Đắk Tô - Tân Cảnh, hiện đang trưng bày cùng xe 377. Đó là chiếc xe cao xạ tự hành hiện đang mang tên xe tăng 472, thực ra xe này có số hiệu là 020.

Cựu binh Hoang Huy Tường (Cát Bà - Hải Phòng) khẳng định: “C53 là đại đội tăng cao pháo tự hành thuộc Tiểu đoàn xe tăng 297 mặt trận Tây Nguyên. Trong trận đánh Đắk Tô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972, Đại đội C53 có ba chiếc tham gia. Lái xe của hai trong ba chiếc tăng này là hai sinh viên ĐH Hàng hải cùng nhập ngũ ngày 25/5/1970, đó là Hoàng Huy Tường và Phan Bá Nông. Đơn vị đã chiến đấu rất ngoan cường và dũng cảm, bắn trả máy bay địch quyết liệt, tạo mọi điều kiện để xe tăng đơn vị bạn đánh chiếm mục tiêu, góp phần vào chiến công chung, giải phóng hoàn toàn Đắk Tô - Tân Cảnh và các vùng ven đường 14 như Diên Bình, Chi Đạo… Chiếc xe cao xạ tự hành 472 trưng bày tại khu di tích Đắk Tô - Tân Cảnh chính là xe bị bắn cháy tại hàng phượng, nó mang số hiệu 020”. Và như thế, hai cựu sinh viên ĐH Hàng hải là Hoàng Huy Tường và Phan Bá Nông chính là hai trong số ba người lái ba chiếc tăng tự hành đó còn sống.

Hiện Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 273 Quân đoàn 3 và Ban Liên lạc Cựu chiến binh Lữ đoàn 273 đã có đơn đề nghị trả lại tên hiệu cho chiếc xe tăng tự hành 472 đang được trưng bày tại Khu di tích Đắk - Tô Tân Cảnh cùng xe tăng 377.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Đảng trong mùa Xuân đại thắng'

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Đảng trong mùa Xuân đại thắng'

(PLVN) - Tối 28/4, Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đảng trong mùa Xuân đại thắng” diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Chương trình do Bộ Công an tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025), 20 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).

Đọc thêm

Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản xác định trụ cột mới của quan hệ song phương

Hai Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản xác định trụ cột mới của quan hệ song phương
Tại hội đàm sáng 28/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế là trụ cột chính; xác định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thành trụ cột mới của quan hệ song phương. Nhật Bản mong muốn triển khai 15 dự án trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng trị giá hơn 20 tỷ USD trong khuôn khổ Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng châu Á (AETI), Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC).

Lâm Đồng có tân Bí thư Tỉnh ủy

Lâm Đồng có tân Bí thư Tỉnh ủy
(PLVN) - Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội được Bộ Chính trị điều động, phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
(PLVN) -  Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), ngày 27/4, đoàn công tác Trung ương do Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã thực hiện các hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với muôn vàn gian khổ, hy sinh, mất mát nhưng chưa bao giờ, ý chí về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất bị lay chuyển.
"Nếu như thế hệ cha anh đã khắc ghi chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" bằng những hy sinh mất mát, thì thế hệ hôm nay phải biến lý tưởng đó thành động lực phát triển, thành đôi cánh vươn lên trong thời đại mới", Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn gửi trong bài viết với tiêu đề: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

Tổng duyệt diễu binh, diễu hành mừng đại lễ 30/4 tại TP HCM

(PLVN) - Buổi tổng duyệt diễu binh, diễu hành cấp Nhà nước diễn ra sáng nay, 27/4. Trời TP HCM phong quang, gió nhẹ. Các đoàn, khối lần lượt tiến qua lễ đài chính, trực thăng mang theo cờ Tổ quốc bay lượn và tiêm kích trổ tài trên bầu trời trong ánh mắt đầy ngưỡng mộ, tự hào của hàng vạn người dân và du khách có mặt tại TP HCM, cũng như ánh mắt của muôn người Việt theo dõi qua màn hình ở khắp mọi miền đất nước và nước ngoài...

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
(PLVN) -Tối 26/4, trong không khí hân hoan của cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh (27/4/1975 – 27/4/2025). Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.

Không khí hào hùng nhắc nhớ những ngày tháng 4 lịch sử ở TP HCM

TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc ngập tràn trên mọi con đường, góc phố.
(PLVN) - Những ngày cuối tháng Tư, mọi con đường, góc phố TP HCM khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng – màu cờ Tổ quốc. Trong không khí kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều hình ảnh nhắc nhớ về một thời hào hùng của dân tộc...

Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên thời hạn khởi công hai 'siêu dự án' đường sắt

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
(PLVN) - Mục tiêu không thay đổi là phải khởi công dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong năm 2025 và khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong năm 2026. Trong quá trình triển khai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa"...