Trạm y tế xã: Bộn bề khó khăn

Những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, thành phố, trạm y tế tuyến xã có nhiều thay đổi, song chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân. Nhiều trạm y tế vẫn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, khó khăn trong cơ chế hỗ trợ, thu hút bác sĩ.

Trạm y tế xã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng như thực hiện các chương trình y tế quốc gia, phòng chống dịch bệnh. Những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, thành phố, trạm y tế tuyến xã có nhiều thay đổi, song chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân. Nhiều trạm y tế vẫn trong tình trạng thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, khó khăn trong cơ chế hỗ trợ, thu hút bác sĩ.

 

Thầy thuốc trạm y tế xã Quang Trung (An Lão) tiêm phòng cho trẻ em trên địa bàn Ảnh: Trường Giang

Thầy thuốc trạm y tế xã Quang Trung (An Lão) tiêm phòng cho trẻ em trên địa bàn

Ảnh: Trường Giang

Đạt chuẩn quốc gia…vẫn thiếu thốn đủ bề

 

Trạm Y tế xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) đạt chuẩn từ năm 2004. Đây cũng là một trong những trạm y tế  xã ít ỏi của huyện có bác sĩ. Tuy nhiên, trạm chỉ có một dãy nhà được xây dựng cách đây chừng 20 năm, nay xuống cấp nhiều. Dãy nhà này được ưu tiên xếp các phòng kế hoạch hóa, đỡ đẻ, phòng nằm điều trị cho người bệnh và tiêm chủng cho trẻ theo lịch ngày 25 hằng tháng. Một dãy nhà cũ trước đây của hợp tác xã, chuyển giao lại trạm y tế xã dùng làm nơi tiếp đón, tư vấn, khám, chữa bệnh cho người dân và phòng để thuốc. Chỉ duy nhất căn phòng ngoài thuộc dự án của chương trình tư vấn về phòng chống HIV/AIDS nên được hỗ trợ, sửa sang, ốp nhựa chung quanh, trông sáng sủa hơn. Các phòng khác đều trong tình trạng tường bong tróc từng mảng vữa, cánh cửa sổ và cửa ra vào đều hỏng, không thể khép kín. Bác sĩ Phùng Văn Luyên, Trưởng trạm Y tế xã cho biết, cơ sở trạm xuống cấp ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Trong khi từ năm 2010, trạm y tế cũng thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu cho người dân, mỗi tháng có khoảng 40 đến 50 người dân trong xã đến khám bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế.

 

Trạm Y tế xã Tân Dân (huyện An Lão) mới được đầu tư xây dựng  khá khang trang, bảo đảm đủ cơ số phòng khám, chữa bệnh, điều trị, đạt chuẩn từ nhiều năm nay, nhưng vẫn đang “nợ chuẩn” bởi hệ thống tường bao, cổng chưa được xây dựng do hết kinh phí.

 

Vài năm trở lại đây, việc cấp trang thiết bị y tế được chuyển giao từ các Trung tâm y tế huyện về phòng y tế. Hằng năm, các trạm y tế lập kế hoạch theo nhu cầu của từng đơn vị, theo danh mục của Bộ Y tế, trên cơ sở đó Phòng Y tế cân đối với ngân sách để trang bị. Bác sĩ Vũ Văn Hiên, Trưởng trạm Y tế xã Quang Trung (huyện An Lão) cho rằng, với cách làm này việc mua sắm trang thiết bị y tế của các trạm y tế tránh cái thừa, cái thiếu. Nhiều năm trước, trạm thiếu giường, phải liên hệ để mua giường thanh lý của Bệnh viện Trẻ em. Hoặc có năm trạm được Trung tâm y tế trang bị một tủ sấy, nhưng do không có nhu cầu nên trạm đành bỏ không. Nay, trang thiết bị y tế do Phòng Y tế đảm nhiệm, từng bước đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.

 

Tuy vậy, tại nhiều trạm y tế xã, thiết bị y tế trang bị vẫn khá đơn giản, chủ yếu là giường, bàn khám, dụng cụ kéo, đo huyết áp, nồi hấp… Chị Hoàng Thị Dinh, cán bộ điều dưỡng tại Trạm y tế xã Đoàn Xá tâm sự, hằng năm trạm thực hiện khoảng hơn 100 ca đỡ đẻ tại trạm. Tuy nhiên, do chưa có máy siêu âm, cũng như máy đo tim thai nên có lúc “vừa đỡ, vừa run”. Bởi trên địa bàn xã một số trường hợp hoàn cảnh khó khăn, có chị từ lúc mang thai đến khi sinh chưa siêu âm lần nào.

 

Chế độ lương thấp, chưa hút được người giỏi

 

Bác sĩ Vũ Văn Hiên, Trưởng trạm Y tế xã Quang Trung (huyện An Lão) cho biết, xã có Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe do Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Trạm trưởng y tế xã làm Phó ban thường trực, có chương trình kế hoạch hoạt động cụ thể. Cán bộ trạm y tế phải thực hiện các hoạt động chuyên môn hằng ngày khám, chữa bệnh cho nhân dân, trẻ dưới 6 tuổi, tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình y tế quốc gia như uống vitamin A, phòng chống lao, sốt rét…rồi quản lý mô hình thu gom rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm, chiến dịch truyền thông lồng ghép dân số-kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em… Công việc của các bác sĩ, cán bộ y tế tại Trạm Y tế xã không chỉ đơn thuần là việc chuyên môn mà còn cả công tác quản lý, thống kê số liệu, tuyên truyền, phòng dịch… Thậm chí, cán bộ trạm còn đều đặn viết bài truyền thông sức khỏe phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, tuyên truyền cho nhân dân. 

 

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Lương, Trưởng Trạm Y tế xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên) tâm sự: “Nhiều lúc làm ở xã thấy tủi thân, bởi cơ chế cho cán bộ y tế ở cơ sở chưa tương xứng. Có trình độ bằng cấp tương đương, cùng thâm niên công tác với bác sĩ ở bệnh viện nhưng  mức hưởng các chế độ lương, phụ cấp của bác sĩ ở trạm y tế đều thấp hơn. Đó là chưa kể chi trả tiền trực đêm rất thấp, bác sĩ khoảng 6000 đồng/đêm, y tá 5000 đồng/đêm. Một bác sĩ tại trạm y tế, 2 ngày trực đêm 1 ngày, tính trung bình mỗi tháng chỉ được khoảng 40, 50 nghìn đồng/tháng.

 

Một số người công tác tại trạm y tế xã không khỏi chạnh lòng khi so sánh với những người công tác trong ngành khác. Chẳng hạn với giáo viên có mức phụ cấp đứng lớp hằng tháng, trong khi đội ngũ y, bác sĩ tại các trạm không có phụ cấp. Cơ chế thấp nên chưa thực sự khuyến khích, động viên cán bộ y tế cơ sở. Việc thu hút những người học đại học về làm việc tại cơ sở là rất khó khăn, hầu hết trạm cử người đi đào tạo.

 

Đây là thực tế chung tại các trạm y tế phường, xã. Việc một bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường tự nguyện xin về công tác tại trạm y tế xã là điều hiếm hoi. Thậm chí, người của trạm Y tế khi được cử đi học lấy bằng bác sĩ, sau đó lại xin chuyển công tác khác. Tại Trạm y tế xã Tân Dân (huyện An Lão) một người của trạm được cử đi học lấy bằng bác sĩ, nhưng khi học xong lại xin chuyển công tác ở nơi khác. Hiện, trạm lại có một y sĩ 23 tuổi tiếp tục được cử đi học, trạm vẫn nợ chuẩn về “bác sĩ”. Hầu hết, các Phòng Y tế khi cử người của trạm đi học đều có cam kết sau khi học xong phải công tác tại trạm trong một thời gian nhất định, nếu vi phạm phải bồi hoàn lại khoản tiền đào tạo. Song, với cơ chế lương, mức thu nhập thấp, người lao động sẵn sàng bồi hoàn để được chuyển sang công việc khác với mức lương cao gấp 2, 3 lần. Thế nên, nhiều người làm cán bộ y tế xã than thở, cơ chế như hiện nay khiến 1 người vào thì 3 người muốn xin đi.

 

Đỗ Oanh

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.