Trăm ngàn nỗi lo “mùa cưới”

Áp lực về tiền bạc đang khiến ngày cưới trở nên nặng nề. (Nguồn ảnh: An Hieu Wedding)
Áp lực về tiền bạc đang khiến ngày cưới trở nên nặng nề. (Nguồn ảnh: An Hieu Wedding)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mấy tháng cuối năm âm lịch là mùa cưới ở Việt Nam, các cặp uyên ương cùng gia đình rục rịch tổ chức hôn lễ với tiệc mừng long trọng để về chung một nhà trước năm mới. Mùa cưới không chỉ là mối quan tâm của cô dâu, chú rể mà còn là mối bận tâm của rất nhiều người xung quanh họ.

Cạn kiệt tiền lương vì đi ăn cưới

Theo thông lệ, bắt đầu từ cuối tháng 11, các đám cưới liên tục diễn ra. Thiệp mời theo kiểu online, trực tiếp được gửi đến cho người thân quen. Có những người chưa đầy một tuần đã phải tham dự bốn, năm đám cưới, đám hỏi. Thậm chí nhiều gia đình còn phải chia nhau, vợ chồng, con cái mỗi người tham dự một lễ cưới, tránh mất lòng những người quen.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (40 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chỉ riêng tuần đầu tiên của tháng 12, chị đã không ăn cơm ở nhà, chỉ bận rộn đến các đám cưới: “Năm nào cũng vậy, gia đình nhà nội, nhà ngoại đông người của tôi có nhiều cháu chắt. Tôi thân quen với hàng xóm, láng giềng và đồng nghiệp, nên cuối năm một ngày ăn 2 - 3 đám cưới là chuyện bình thường”. Chị Nguyệt cho biết, ăn 1 - 2 buổi đầu còn thấy vui vẻ, đến bữa thứ 3, thứ 4 là sợ đến mức chỉ dám đến đưa tiền mừng, chụp ảnh với cô dâu, chú rể rồi đi về: “Tuần vừa rồi, tôi không có thời gian đưa đón con đi học vì phải tham dự các đám cưới. Quả thật, không đến thì sợ mất lòng nhau, mà đến thì cực hơn đi làm”.

Đám cưới đương nhiên sẽ có tiền mừng. Câu chuyện về tiền mừng là vấn đề đau đầu nhất của những vị khách được mời tham gia. Đặc biệt đối với người trẻ, khi bạn bè của họ đang ở trong độ tuổi cưới hỏi rất nhiều. Vào mùa cưới, số tiền khách mời phải tiêu tốn gấp hai, ba lần lương một tháng là chuyện bình thường. Hoàng Trần Anh (26 tuổi, Long Biên, Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 12 đến bây giờ, anh đã được mời đi dự hơn mười đám cưới: “Có những ngày đẹp lại vào cuối tuần, tôi phải đi dự bốn đám cưới liên tục, còn một đám xin vắng mặt chỉ gửi tiền mừng”. Trung bình, mỗi đám cưới Trần Anh phải mừng từ 500.000 nghìn cho đến 1 triệu đồng, tùy thuộc vào độ thân quen, gần gũi. Từ giờ đến cuối tháng, anh vẫn còn được mời đến vài đám cưới nữa.

Còn đối với Hương My (28 tuổi, Hải Phòng) cho biết, không những chỉ tốn tiền đi ăn đám cưới, cô còn tốn cả tiền mua trang phục đi dự tiệc. Vốn tính điệu đà, mỗi đám cưới, My lại sắm một bộ váy mới: “Tôi cũng không ngờ, mình lại được mời đi dự nhiều đám cưới đến vậy. Tính từ cuối tháng 11 đến nay, tôi đã sắm 6 bộ khác nhau”. My cũng chia sẻ, để có chi phí đi dự các đám cưới, cô đã phải vay tiền của bố mẹ và anh chị em. Dù mức thu nhập của My rơi vào gần chục triệu đồng/tháng, nhưng với tần suất được mời đi đám cưới dày đặc như hiện nay, tiền lương của cô cũng không đủ chi trả.

Thực tế, tiền mừng đám cưới hiện nay đang là nỗi ám ảnh rất lớn đối với những người tham dự. Trước khi đến mỗi đám cưới, nhiều vị khách phải xem trước địa điểm, thậm chí xem cả giá thành các mâm cỗ ở trên mạng để mừng sao cho gia đình cô dâu, chú rể có thể “hoàn vốn”. Theo truyền thống “có đi, có lại”, nhiều người cố gắng mừng bạn bè thân thiết một số tiền lớn, với tâm lý đến đám cưới của mình hoặc con cái mình, cô dâu, chú rể sẽ “hoàn trả”. Từ đó, tiền mừng đám cưới trở thành nỗi căng thẳng, lo lắng của rất nhiều người.

Nhiều người mất cả tháng lương vào mùa cưới. (Nguồn ảnh: VietNamNet)

Nhiều người mất cả tháng lương vào mùa cưới. (Nguồn ảnh: VietNamNet)

Nguyễn Hà Ly (30 tuổi, Hà Nam) chia sẻ: “Bạn bè tôi phần lớn ở Hà Nội, còn tôi về quê làm việc. Mỗi tháng, đồng lương giáo viên ở quê cũng rất ít ỏi. Chỉ cần đi ba đám cưới ở Hà Nội, tiền xe cộ, ăn nghỉ đã hết nhẵn từ đầu tháng”. Theo quan niệm của Hà Ly, đám cưới là khoản “góp vốn xoay vòng”, bản thân mừng nhiều, đến lúc cô cưới, bạn bè cũng sẽ mừng lại tương đương.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều nghĩ như vậy. Hiện nay, nhiều người trẻ tổ chức đám cưới trong phạm vi nhỏ, mời những người thân quen, gần gũi. Đối với Lê Trà Linh (24 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vừa cưới được hai tuần cho biết, tiền mừng cưới thật ra không quan trọng đến vậy: “Nếu tính thiệt hơn trong đám cưới, thì lễ cưới sẽ trở nên mất vui, khiến cho cả cô dâu, chú rể và khách mời đều căng thẳng. Cho nên, chúng tôi chỉ mời người trong gia đình, tổ chức mấy mâm cỗ đơn giản. Còn bạn bè, họ hàng ở xa thì chỉ báo hỉ, không nhận tiền mừng”.

Vay nợ để có được đám cưới như ý

Với tâm lý đám cưới chỉ có một lần trong đời, rất nhiều gia đình cố gắng sắm sửa, tổ chức cho con cái trong nhà có một đám cưới tươm tất, hoàn hảo nhất. Hy vọng, đôi vợ chồng son sẽ sống hạnh phúc bên nhau suốt cuộc đời. Chính vì vậy, có không ít gia đình phải đi vay nợ.

Nguyễn Thục Linh (30 tuổi, Nam Định) chia sẻ, cô và chồng cùng quê, hai gia đình cũng gần nhau, nhưng khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ, con cái có sự bất đồng trong cách tổ chức đám cưới: “Người lớn muốn thuê rạp, tổ chức luôn ở nhà văn hóa, vừa tiết kiệm chi phí, vừa gần nhà. Nhưng vợ chồng tôi muốn tổ chức tại nhà hàng, lịch sự, trang trọng dễ bề mời bạn bè, đối tác ở trên thành phố về”. Tiền tiết kiệm của cả hai không có nhiều, vợ chồng Thục Linh phải đi vay thêm, để góp cho bố mẹ hai bên tổ chức đúng ý mình.

Đám cưới ngày nay, có không ít cặp vợ chồng bị chi phối bởi những hình ảnh đẹp đẽ, lãng mạn như trên các trang mạng xã hội. Vì vậy, nhiều người trẻ gặp áp lực rất lớn khi chuẩn bị tiệc cưới. Từ thuê địa điểm, thuê trang phục đến thuê người trang điểm cho cô dâu, chú rể, thuê chỗ trang trí tiệc cưới theo phong cách hiện đại. Đặc biệt, một khoản chi phí không hề nhỏ, được cô dâu, chú rể dùng vào việc chụp ảnh đám cưới. Trần Tuấn Anh (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự, riêng khoản tiền tốn vào việc chụp ảnh, vợ chồng anh đã mất hơn 50 triệu: “Cả đời chỉ có một lần tổ chức đám cưới, nên ngoài việc chụp ảnh trong studio, trong tiệc cưới, vợ chồng tôi còn đến cả những nơi khác như Nha Trang, Huế, Đà Nẵng,… để có được những hình ảnh đẹp nhất”. Tiền tiết kiệm của Tuấn Anh cũng tiêu tốn phần lớn vào việc cưới xin này.

Ngày cưới nên là thời điểm cặp vợ chồng trẻ được vui vẻ bên gia đình, người thân, bạn bè. (Nguồn ảnh: Phương Trinh Jolie)

Ngày cưới nên là thời điểm cặp vợ chồng trẻ được vui vẻ bên gia đình, người thân, bạn bè. (Nguồn ảnh: Phương Trinh Jolie)

Ngày cưới vốn là khoảng thời gian để cô dâu, chú rể cùng bạn bè, người thân, họ hàng chung vui. Nay đang trở thành gánh nặng kinh tế cho một số gia đình. Khi việc đứng trên sâu khấu, trao vàng, trao của hồi môn, trở thành màn “so tài” giữa các gia đình với nhau. Như Ngọc Anh (32 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đã phải chứng kiến bố mẹ đi vay tiền để sắm sửa vòng vàng, nhẫn vàng, kiềng vàng làm của hồi môn cho con gái. Dù gia đình không giàu có, nhưng sợ con gái “mất giá” trước gia đình nhà chồng, mẹ cô đã phải đi vay tiền để mua món hồi môn có giá trị vài cây vàng cho con gái. Thục Anh chia sẻ: “Hôm đấy, nhà trai, quan khách ai cũng trầm trồ nhìn gia đình tôi. Nhưng tôi lại nghẹn đắng trong lòng. Rồi tự hỏi không biết bố mẹ lấy tiền đâu ra để trả. Hai cụ cũng chỉ là người làm nghề tự do, nhớ lại, mà tôi vẫn ứa nước mắt vì thương bố mẹ”.

Không chỉ nhà gái, mà nhà trai cũng có áp lực riêng. Phạm Anh Hùng (28 tuổi, Ninh Bình) cho biết, cuối năm sau anh chuẩn bị cưới vợ. Từ khi hai bên gia đình gặp nhau để nói chuyện, bố mẹ anh đã tính toán các khoản chi phí: “Bố mẹ đang định bán chiếc xe ô tô vừa mua hai năm trước để sắm cho chúng tôi một ngôi nhà riêng khang trang, nếu vẫn thiếu thì vay họ hàng rồi trả sau. Tôi làm công ăn lương, cũng không có bao nhiêu tiền để giúp đỡ bố mẹ”.

Đám cưới hiện nay không phải là việc của cá nhân, đôi lứa, mà còn đại diện cho bộ mặt của nhà trai, nhà gái trước quan viên hai họ. Cho nên, đây là khoảng thời gian, các gia đình phải lo khoản chi phí rất lớn. Nhiều nhà hy vọng sau khi tổ chức xong tiệc cưới, sẽ sớm hoàn vốn trở lại, nhưng đây là khoản đầu tư hên - xui, vì có không ít trường hợp bị lỗ sau khi cưới và rơi vào cảnh nợ nần.

Tuy nhiên, cũng có một số cặp vợ chồng trẻ chọn cách tổ chức cưới tiết kiệm, gói gọn trong khoản thu nhập của bản thân và gia đình. Nguyễn Đình Hào (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, lễ cưới của anh và vợ chỉ có vài chục mâm, gói gọn trong một nhà hàng nhỏ, lịch sự. Sau khi cưới xong, hai vợ chồng vẫn có đủ tiền đi tuần trăng mật, sắm sửa đồ đạc mới trong căn nhà: “Đối với tôi, đám cưới là ngày vui của hai vợ chồng. Cho nên, chúng tôi chủ trương làm đơn giản, cốt là để bạn bè, người thân tới chung vui”.

Đình Hào cũng chia sẻ, hiện nay có rất nhiều người trẻ như anh, muốn thay đổi quan điểm trong tổ chức đám cưới, để có một lễ cưới trang trọng mà không rườm rà, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc vừa để ngày vui của mình không trở thành áp lực, gánh nặng cho người thân, bạn bè: “Quan trọng là cuộc sống sau này của hai vợ vui vẻ, hạnh phúc thì bao nhiêu tiền bạc cũng chẳng thể đổi lại được”.

Đọc thêm

Dựng barie chắn ngõ nhỏ tại Hà Nội: Cần xử lý hợp tình, hợp lý

Barie chắn đầu ngõ 126 Thượng Đình giờ cao điểm. (Nguồn: MXH)

(PLVN) - Trong giờ cao điểm, nhiều người tận dụng những ngõ nhỏ giao cắt làm đường tắt để rút ngắn thời gian di chuyển nhưng chính hành động này không chỉ gây phiền toái cho người dân sống trong các ngõ nhỏ mà còn trực tiếp gây ùn tắc giao thông, gia tăng khó khăn cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết.

Đề xuất nhân văn của TP Hồ Chí Minh

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ, TP HCM đề xuất muốn dùng ngân sách để xử lý một số khoản vay với người nghèo, là khoản vay tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; nhưng quá hạn, khó thu hồi. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện các phong trào hỗ trợ người nghèo như xóa nhà tạm, nhà dột nát (dự kiến hoàn thành trong năm 2025); “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… thì đây là một động thái được dư luận rất quan tâm.

Kêu gọi hành động vì một hành tinh đáng sống cho trẻ em

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Silvia Danailov. (Ảnh: Thanh Hương)
(PLVN) - Ngày 20/11, Lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới tại Việt Nam năm nay do UNICEF và các đối tác thực hiện đã đưa ra lời kêu gọi hành động vì khí hậu - để mọi trẻ em có thể được lớn lên khỏe mạnh và an toàn trước các mối đe dọa về khí hậu và môi trường.

Phụ nữ bị bạo lực rất cần nơi tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp

Bà Ngô Thị Tuyết Em, Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long
(PLVN) - Hành trình 30 năm tham gia Cương lĩnh và hành động Bắc Kinh,  Việt Nam đã có nhiều sự tiến triển vượt bậc. Góp phần không nhỏ vào những thành quả này là những mô hình như Ngôi Nhà Bình Yên. Tuy nhiên vẫn cần sự nỗ lực, chung sức để những người phụ nữ nạn nhân của bạo lực, buôn bán được hỗ trợ nhiều hơn nữa.  Bà Ngô Thị Tuyết Em - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có cuộc trò chuyện với Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này:

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11
(PLVN) - Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một học sinh trường tiểu học Kim Đồng (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã chuẩn bị một bông hoa bằng... con gà để tặng thầy chủ nhiệm của mình. Món quà đặc biệt kèm lời chúc dễ thương khiến người thầy rất hạnh phúc.

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau
(PLVN) - Lớp học tình thương trên Đảo Hòn Chuối nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 20 hải lý, do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau) trực tiếp giảng dạy. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương đối với học sinh và cư dân nơi đây.