Vi phạm độ sâu
Khu vực bãi bồi Lương Quán được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích 6,3 ha cho các đơn vị gồm: Công ty CP TMDV Hồng Phát (2,07ha), độ sâu khai thác 4,3m. Công ty CP Châu Thành Phát (2,1ha) và Công ty CP XD 939 (2,1 ha) đều có độ sâu khai thác 4,2m.
Mục đích của dự án này nhằm khai thác cát, sỏi để cung cấp nguyên liệu phục vụ xây dựng các công trình dân sinh trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết hợp với việc khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên lại không tuân thủ quy định gây nên nguy cơ sạt lở hai bờ sông Hương, ảnh hưởng môi trường, sản xuất nông nghiệp khiến người dân bức xúc.
Lãnh đạo Sở TN&MT Thừa Thiên- Huế xác nhận, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ra quyết định xử phạt hành chính 2,4 tỷ đồng về lĩnh vực khai thác khoáng sản đối với 3 doanh nghiệp trên (Mỗi doanh nghiệp trên bị phạt 800 triệu đồng) do vi phạm độ sâu khai thác.
Trong đó, Công ty Hồng Phát do đã hết trữ lượng khai thác, đồng thời trong quá trình khai thác lại vi phạm về độ sâu nên đã bị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản. Riêng 2 đơn vị còn lại, sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp phạt theo quy định, UBND tỉnh cùng các ban, ngành chức năng sẽ xem xét có tiếp tục cho thực hiện dự án nữa hay không.
Ông Phan Văn Đáng (Chánh Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Theo luật thì trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được quyết định, các doanh nghiệp trên phải chấp hành nộp phạt đầy đủ. Hiện tại, 3 đơn vị trên sẽ không được khai thác nữa. Trong việc khai thác chỉ cần một điểm khai thác vượt quá địa hình trung bình của khu mỏ thì đã vi phạm”.
Việc khai thác cát sỏi sai quy định khiến sông Hương bị sạt lở |
Về nguyên nhân vi phạm theo ông Đáng lý giải, do áp lực về nguồn cung cát, sỏi làm vật liệu xây dựng vì hiện trên sông Hương chỉ còn 3 mỏ này có giấy phép khai thác.
Người dân lo lắng
Nhiều người dân nơi đây cho rằng, bãi bồi Lương Quán trước là khu đất nhô ra gần giữa dòng sông Hương, đây là khu vực có lượng phù sa lớn được sông Hương bồi đắp hàng năm nên cây trái xanh tốt, cũng là khu canh tác của nhiều hộ dân.
Tuy nhiên, từ năm 2013, khu vực này được cấp phép cho 3 doanh nghiệp trên khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng khiến nhiều người dân phải nhường đất. Vậy nhưng, sau một thời gian khai thác, bãi bồi này đã trở thành khu đất nham nhở, dòng sông sâu hút, nguy cơ gây ra hiện tượng sạt lở nặng vào mùa mưa lũ.
Không những các hộ dân ở phường Thủy Biều mà hàng chục hộ dân ở phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) ở đối diện bãi bồi Lương Quán cũng tỏ ra lo ngại vì đã xuất hiện tình trạng sạt lở.
Một người dân ở tổ dân phố 3, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà cho biết: “Khi mới bắt đầu khai thác, các chủ mỏ đều chấp hành tốt việc thả phao ranh giới mỏ nhưng nay chẳng còn. Họ khai thác quá độ sâu lại lấn gần bờ sông. Thế nên, hiện 1 đoạn sông Hương qua phường Hương Hồ đã xuất hiện tình trạng sạt lở. Mong lực lượng chức năng sớm có phương án dứt điểm để dân chúng tôi được an yên”.
Trao đổi với PV, ông Võ Đăng Thái (Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều) cho hay, đến nay việc thu hồi, đền bù diện tích đất bị ảnh hưởng tại khu vực bãi bồi Lương Quán cho người dân đã xong. Tuy nhiên, không chỉ các hộ dân có sản xuất nông nghiệp trực tiếp ở khu vực bãi bồi bị ảnh hưởng mà toàn bộ dân trên địa bàn phường Thủy Biều cũng lo lắng về tình trạng sụt lún, lở đất.
“Còn việc các doanh nghiệp khai thác vượt độ sâu được cấp phép, hút cát ngoài phạm vi mỏ đã được người dân và chính quyền địa phương nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng. Những đơn vị này lợi dụng sự không có mặt thường trực của chính quyền để lén lút vi phạm.
Phía phường không thể túc trực 24/24 được bởi cán bộ của phường còn phải giải quyết công việc hành chính cho người dân. Dù biết rõ doanh nghiệp sai phạm nhưng lực lượng mỏng, không có phương tiện giám sát…nên khó…”, Ông Thái nói.