Theo truyền thuyết của người Thái ở ở Chiềng Sa nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thì Nàng Han là con nhà trời, được cử xuống trần gian đầu thai thành một người con gái trong một gia đình nghèo.
Thuở ấy, giặc phương Bắc hung hãn mang quân sang cướp phá, bắt giết các bản mường, 3 tướng giỏi nhất của các xứ mường mang quân lên cũng không thể đánh thắng kẻ thù. Chúa đất liền đốt lửa tuyển người tài mang quân đi giết giặc. Trong khi trai bản thi triển tài năng đều không có ai thực sự giỏi giang thì nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc.
Nàng Han động viên toàn thể tướng sỹ tập luyện võ thuật, tích trữ lương thảo, bày binh bố trận rồi cùng nhau kéo quân lên hợp sức với ba vị tướng. Với tài chỉ huy cùng sức mạnh phi thường của mình, nàng Han tuốt kiếm thúc ngựa tả xung hữu đột, cùng với nhân dân đánh tan kẻ thù xâm lược. Vì tất cả dồn cho luyện tập và đánh giặc, nên quân của nàng Han không kịp may cờ. Khi lâm trận, tướng sỹ đã lấy chiếc chăn thêu mà nàng Han đắp làm cờ, thân tre làm cán.
Đúng ngày 30 Tết, quân xâm lược đã bị đánh bại, nàng Han được tướng sỹ khiêng kiệu trở về. Sau khi đánh tan giặc, Nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Năm ngày sau khi nàng Han bay lên trời, ba vị tướng chỉ đạo ba cánh quân dưới quyền của nàng Han cũng biến mất.
Từ đó, nhớ công ơn của nàng, bà con lập miếu thờ và hàng năm tổ chức Lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm. Mó nước nơi nàng Han tắm lạ kỳ thay, quanh năm ngày tháng nước trong văn vắt, không bao giờ cạn.
Nàng Han đã được cộng đồng người Thái suy tôn là Nữ thần. Nàng Han đã trở thành một trong 6 vị thần có sức mạnh siêu nhiên trong tín ngưỡng dân gian của người Thái. Trong các Lễ Xên Bản, Xên Mường, Kin Pang Then... các thầy mo, thầy cúng đều cầu xin các vị thần trong đó có Nàng Han phù hộ cho con người, cho bản mường an lành, no ấm.
Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở vùng Tây Bắc giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh. Nàng Han không chỉ có ở xã Mường So nói riêng hay địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung, mà còn là nhân vật được tất cả cộng đồng dân tộc Thái trắng vùng Tây Bắc tôn thờ
Hơn 70 năm, kể từ lần cuối cùng được tổ chức vào năm 1948, do điều kiện chiến tranh lưu lạc và nhiều yếu tố khác, Lễ hội Nàng Han đã không còn được tổ chức.
Lễ hội Nàng Han được UBND tỉnh Lai Châu quan tâm khôi phục từ năm 2008 và duy trì đến nay, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu và huyện Phong Thổ nhận thấy cần khơi dựng lại vốn cổ văn hóa hàm chứa rất nhiều trong lễ hội này của dân tộc Thái.
Các thiếu nữ Thái bên mó nước Nàng Han. |
Lễ hội Nàng Han không thể phục dựng chính xác 100% các nghi thức cổ, vì khá phức tạp và thời gain gián đoạn đã lâu. Những bài cúng bằng chữ Thái cổ mà các bị thầy mo uy tín thời kỳ đó sử dụng hiện tại không còn nữa. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng của các nhà nghiên cứu và bà con địa phương, các nghi lễ được tái hiện như rước nàng Han, ôn lại công lao của nàng Han, cầu xin nàng phù hộ cho thôn xóm an khang, thịnh vượng,... các nghi lễ được thỉnh lên nàng bằng tiếng Thái hiện đại.
Vào ngày lễ hội, những cô gái Thái sẽ diện cho mình từng trang phục rực rỡ sắc màu rồi uyển chuyển trong từng điệu múa. Các chàng trai khỏe mạnh thì tràn đầy sức sống trong các trò chơi dân gian truyền thống. Già, trẻ lớn bé vui mừng cùng hàng trục nghìn du khách từ xa đến ghé thăm.
Lễ hội gồm 2 phần: lễ và hội. Trong phần lễ, thầy tế thực hiện cúng và dâng hương tại Đền thờ Nàng Han. Vật phẩm dâng lên nàng Han gồm hương, hoa, nông sản và thực phẩm do chính dân bản làm ra. Trong lễ Nàng Han có phần lễ tế trâu trắng gồm 6 bài tế lễ: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo và 32 bài múa dân gian như múa xòe, múa nón, múa đi cày... tượng trưng cho các sinh hoạt của người Thái trong đời sống lao động sản xuất hằng ngày.
Phần hội, Nhân dân biểu diễn, giao lưu văn nghệ cùng với thi ẩm thực, thể thao, các trò chơi truyền thống của dân tộc Thái như: Kéo co, đánh Tó Má Lẹ, thi ném còn, thi đánh cầu lông gà, thi đẩy gậy, thi bắt cá.... Ðặc biệt trò chơi thi bắt cá dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn dưới sự hò reo cổ vũ thán phục của khách phương xa. Bên cạnh đó, còn chương trình văn nghệ đặc sắc như những điệu múa quạt, múa nón đậm bản sắc dân tộc Thái hòa cùng tiếng đàn tính tẩu.
Lễ hội nàng Han là sự hòa quyện giữa truyền thuyết và lễ hội. Lễ hội cũng là dịp cố kết bền chặt giữa các dân tộc trong một vùng, một miền. Các cụ già có điều kiện gần gũi hỏi thăm sức khoẻ nhau, cuộc sống, con cháu; còn các nam thanh nữ tú có dịp gần gũi, tìm hiểu nhau, hẹn ước lên duyên chồng vợ.