Xoài cát Hòa Lộc XK có mặt tại các siêu thị Mỹ với giá 10 USD/kg |
Từ sự kiện quả xoài của Đồng Tháp sang Mỹ
Sau hơn 10 năm đàm phán, Văn phòng của Cục Kiểm dịch động thực vật Hòa Kỳ (APHIS) đã cho phép quả xoài Việt Nam XK sang thị trường này. Ngày 18/4 vừa qua, lô hàng 10 tấn xoài của HTX Xoài Mỹ Hương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã được DN Chánh Thu XK sang Mỹ, đánh dấu việc mở ra một thị trường mới, giàu tiềm năng đối với quả xoài Việt.
Được biết, hàng năm, Mỹ phải nhập khoảng gần 400.000 tấn xoài tươi chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ. Bà Đinh Kim Nhung (Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp) cho biết, Mỹ là thị trường có sức tiêu thụ lớn với xoài. Sản xuất tại chỗ của Hoa Kỳ chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm và đó là dư địa để xoài Việt có cơ hội gia tăng tiêu thụ.
Theo đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNN, Việt Nam có thể xuất sang Hoa Kỳ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và ngang bằng với sản lượng xoài nội địa của Hoa Kỳ. Hiện, cả nước có khoảng 87.000 ha, sản lượng hơn 969.000 tấn/năm. Việt Nam đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng XK thì còn khiêm tốn và nằm ngoài tốp 10 nước XK xoài.
Theo đánh giá, trái xoài Việt Nam với giá trị sản xuất đạt 490 triệu USD có thể trở thành mặt hàng XK mang lại ngoại tệ lớn như thanh long, nhãn, chôm chôm…
Trao đổi với Báo PLVN, ông Huỳnh Thanh Sơn (Trưởng phòng NN&PTNN huyện Cao Lãnh) cho biết: “Đồng Tháp có khoảng 9.200 ha xoài, trong đó huyện Cao Lãnh có 3.600ha, chủ yếu là ba loại gồm xoài Cát Chu, xoài Hòa Lộc và xoài tượng da xanh đã được cấp nhãn hiệu từ năm 2012. Vừa qua, 10 tấn xoài của địa phương XK sang Mỹ đã tạo nên không khí phấn khởi đối với các nhà vườn, HTX và DN thu mua”.
Ông Sơn cung cấp thêm, xoài Cao Lãnh đang được xây dựng chỉ dẫn địa lý, được xác định là cây trồng chủ lực trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Đồng Tháp và nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp chính quyền địa phương. Trước khi sang Mỹ, xoài Cao Lãnh đã có mặt tại nhiều thị trường lớn, chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc. “XK sang Mỹ tạo ra thị trường mới, giàu tiềm năng nhưng cũng là thách thức cho các DN, các nhà vườn và HTX trồng xoài tại địa phương”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, khi chất lượng xoài đảm bảo để XK, các DN cần giữ vững thị trường bởi chỉ cần một lô hàng không đảm bảo chất lượng, mọi công sức trước đó để quả xoài vươn xa sẽ thất bại. “Tôi cho rằng, cần có mối liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa giữa các DN thu mua và các HTX trồng xoài, bởi hiện nay diện tích lớn, sản lượng tăng lên đồng nghĩa với chất lượng phải nâng cao, đầu ra phải đảm bảo tốt”, ông Sơn giãi bày.
Để tạo điều kiện cho XK xoài, Phòng NN&PTNN huyện Cao Lãnh đã cấp mã vùng trồng để phục vụ các tiêu chí XK. Cách làm này của Đồng Tháp đang nhận được sự quan tâm lớn từ các địa phương có hoa quả XK như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Xây dựng chuỗi liên kết để tạo nên thương hiệu hoa quả Việt
Trả lời Báo PLVN bên lề Hội nghị công bố quả xoài XK sang Mỹ, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, việc có thêm thị trường Mỹ cho quả xoài là một thành tựu ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của các cơ quan chức năng trong nước bởi từ trước đến nay, các loại quả như thanh long, nhãn, vải, vú sữa và mới đây nhất là xoài muốn có mặt tại các thị trường lớn đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.
Ông Trung chia sẻ, muốn XK trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ NN&PTNT giao Cục BVTV cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Trong đó, để đáp ứng và được cấp mã số vùng trồng, Cục BVTV cho biết, thứ nhất, vùng trồng phải có diện tích tối thiểu 10ha. Thứ hai, vùng trồng phải định vị trên Google Maps, có danh sách các hộ nông dân tham gia, diện tích, giống và phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Thứ ba, các hộ dân được cấp mã số và phải thực hiện ghi chép nhật ký (không bắt buộc sản xuất GAP).
Thứ tư, đối với trái nhãn phải thực hiện bao trái trước thu hoạch 3 tuần và vú sữa phải bao trái sớm hơn để tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm. Thứ năm, không được sử dụng 5 loại hoạt chất hóa học phía Mỹ cấm trong quá trình sản xuất. Đây là 5 tiêu chuẩn cần có để Cục BVTV cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn XK sang Mỹ.
Tiêu chuẩn đã có, điều còn lại là các DN, nông dân cần liên kết để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ phía thị trường này.