- Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì phương tiện giao thông vận tải cơ giới thuộc một trong các đối tượng được xếp vào nhóm nguồn nguy hiểm cao độ. Theo đó, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều luật này cũng có quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, nếu như không có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì người được giao xe sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi gây ra thiệt hại cho người khác.
Cùng với đó, tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cụ thể, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Từ những quy định trên, có thể thấy, nếu người mượn xe gây ra tai nạn thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu do lỗi của mình gây. Bạn là người cho mượn thì bạn không có trách nhiệm phải bồi thường.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố ý giao xe cho người không đủ điều kiện để sử dụng xe. Theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).