Theo phản ánh của người dân, việc đình chỉ hoạt động của bến phà đã gây cản trở lưu thông, qua lại hai bờ Trà Vinh - Sóc Trăng của người dân hai địa phương và các tỉnh lân cận… Đồng thời, quyết định trên còn gây ảnh hưởng đến đời sống sinh kế của người dân hai bên bờ.
Nguy hiểm luôn chầu chực
Theo ghi nhận của PV, tại 2 bên bờ bến phà Trà Ếch - Đường Đức, nhu cầu qua lại của người dân khá lớn khi hàng ngày có đến hàng trăm người cùng phương tiện qua lại. Tuy nhiên, kể từ khi bến phà Đường Đức bị ngưng hoạt động việc qua lại của người dân trở nên bất tiện, bởi muốn qua được phía bờ bên kia sông (khoảng hơn 5km) người dân phải đi đường vòng, qua 2 chuyến phà qua Cầu Quan rồi phải chạy thêm 30 km nữa mới đến nơi, tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức.
Từ sự bất tiện đó, nhiều người đã chọn giải pháp qua sông bằng những chuyến đò dọc thiếu an toàn và phải chịu chi phí gấp đôi giá phà trước đây. Chị P.H.M (ngụ Hựu Thành, Trà Ôn, Vĩnh Long) bức xúc nói, trước đây qua lại bằng phà chỉ mất 16.000 đồng/người/xe và 24.000 đồng/2 người/xe nhưng nay phải tốn 50.000 đồng mà không đảm bảo an toàn bởi trên đò không được trang bị phao cứu sinh. “Đò nhỏ mà qua sông lớn tâm lý người đi rất bất an, nhất là khi đò đông gặp sóng to, gió lớn, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ lúc nào. Biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn đành bấm bụng mà đi”, chị M. lo lắng.
Ông Trần Văn Sủng, Trưởng ấp Trà Điêu, xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè xác nhận, đây là những con đò tự phát do người dân địa phương lập ra hầu hết không đảm bảo an toàn, rất nguy hiểm cho hành khách, đặc biệt trong mùa mưa bão. Ông Nguyễn Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Ninh Thới cũng cho biết, việc những chiếc đò dọc tự phát đưa khách qua sông là để giải quyết tình huống cấp bách, tuy không được cấp phép nhưng chủ phương tiện có đăng ký danh sách với thanh tra giao thông đường thủy. Còn trưởng Công an xã Ninh Thới thì cho hay, vừa qua có lực lượng thanh tra đường thủy của huyện xuống kiểm tra phát hiện những chiếc đò dọc đang hoạt động nhưng “du di” và lưu ý các chủ phương tiện có tải trọng 1,5 tấn chỉ được chở 4 người, 2 xe.
Tuy nhiên, trao đổi với PV, lãnh đạo UBND hai huyện Cầu Kè và Kế Sách đều khẳng định quan điểm của huyện là không cho phép và tuyệt đối nghiêm cấm hình thức đò dọc thiếu an toàn hoạt động đưa khách sang sông dưới mọi hình thức, đồng thời cho biết sẽ chỉ đạo lực lượng Công an cùng với Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ khu vực này, khi phát hiện sẽ có biện pháp xử lý.
Không có phà người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ phải qua sông bằng đò dọc, trên đò lại không phao cứu sinh - nhiều nguy hiểm luôn chầu chực |
Tạm đóng cửa bến phà để “dàn xếp” tranh chấp
Theo tìm hiểu, năm 2005, ông Hứa Văn Lến (ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cùng ông Ngô Văn Chót (ngụ huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cùng nhau hợp tác mở tuyến phà Trà Ếch - Đường Đức nối hai bên bờ huyện Kế Sách và huyện Cầu Kè theo hình thức đối lưu. Theo đó, tỉnh Sóc Trăng cấp phép cho ông Lến hoạt động phía bờ Sóc Trăng, còn tỉnh Trà Vinh cấp phép cho ông Chót hoạt động phía bờ Trà Vinh.
Đến năm 2011, do hợp đồng thuê đất làm đường dẫn và cầu bến ở Trà Ếch phía Sóc Trăng hết hạn và do không gia hạn được hợp đồng nên ông Lến rủ ông Chót cùng thuê đất mở bến mới cách đó không xa nhưng ông Chót không đồng ý. Sau đó, ông Lến thuê đất của ông Lê Công Dũng cách bến Trà Ếch khoảng 50m để mở bến mới và được UBND huyện Kế Sách cấp phép. Riêng ông Chót thuê lại được bến cũ ở Trà Ếch để tiếp tục hoạt động và cũng được chính quyền địa phương cấp phép, đan xen mỗi bến chạy 1 tuần. Điều này vô tình gây khó khăn cho người qua lại và tạo nhiều phản ứng trong dư luận. Do đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng có chủ trương hợp nhất hai bến lại thành một, tạo thuận lợi cho hành khách.
Tháng 6/2013, Sở GTVT Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách đã tổ chức cuộc họp đề nghị ông Lến và ông Chót sáp nhập vào một bến. Theo đó, ông Lến và ông Chót sẽ cùng nhau hoạt động tại bến mới (nơi ông Lến thuê đất ông Dũng mở) và ông Chót đồng ý. Tuy nhiên, sau đó ông Chót tiếp tục sử dụng bến cũ ở Trà Ếch để đưa đón khách sang sông. Giải thích vấn đề này, ông Chót cho biết, do mỗi lần phà ông qua bờ Sóc Trăng đều bị gia đình ông Lê Công Dũng ngăn cản không cho phà của ông Chót cập bến vì ông Dũng cho rằng trong hợp đồng giữa gia đình ông và ông Lến không có đề cập đến ông Chót.
Việc tranh chấp hợp đồng thuê giữa ông Lến và ông Dũng, Tòa án cũng đã thụ lý và nhiều lần giải quyết. Qua các bản án đều thể hiện rõ, ông Lến không vi phạm hợp đồng. Tại bản án số 201/2016/DS-PT, ngày 26/9/2016 Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu ông Dũng chấm dứt hành vi cản trở ông Lến thực hiện quyền của người sử dụng đất. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần gặp gỡ các bên đối thoại giải quyết tranh chấp, tuy nhiên đến nay việc tranh chấp trên vẫn chưa ngã ngũ.
Theo ông Chót, vì quá bức xúc sau nhiều lần không cập được bến ở bờ Sóc Trăng, còn đưa khách ở bến cũ thì thiếu an toàn và vi phạm luật giao thông, nhiều lần bị lập biên bản. Do đó, ông có làm đơn gửi Sở GTVT Trà Vinh xin tạm ngừng hoạt động để chờ phía Sóc Trăng giải quyết xong việc tranh chấp, sau khi giải quyết xong thì mới hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, ngày 3/5/2017, Sở GTVT Trà Vinh bất ngờ đã ký Quyết định đình chỉ hoạt động bến khách ngang sông Đường Đức của ông Ngô Văn Chót với lý do chủ bến chấm dứt hoạt động. Đồng thời, xóa tên bến khách ngang sông bến Đường Đức trong danh mục bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở Giao thông vận tải, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Cùng với đó là việc hủy bỏ Giấy phép hoạt động bến khách ngang sông số 08/GPKNS ngày 20/3/2017 do Sở GTVT Trà Vinh cấp.
Bất ngờ trước quyết định này, ông Chót cho biết sẽ kiến nghị lên Sở GTVT Trà Vinh. “Hiện nay tôi và nhiều người dân đều mong đợi cho bến phà sớm hoạt động trở lại. Gia đình tôi đã bỏ ra gần 5 tỷ để đầu tư vào 4 chiếc phà nên không lý do gì xin chấm dứt hoạt động”, ông Chót lo lắng. Tương tự, ông Hứa Văn Lến cũng cho biết, hiện gia đình ông và hơn 93 người dân đại diện cho những người khao khát bến phà hoạt động lại đã đồng loại ký tên đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh và Sở Giao thông Vận tại tỉnh Trà Vinh mở lại bến khách ngang sông Hậu tại vàm Đường Đức nhằm tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại, giao thương mua bán cho người dân”.
Ông Lê Văn Uôl, Bí thư huyện ủy Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện huyện ủy đang dàn xếp vụ tranh chấp giữa ông Lến và ông Dũng. Sau khi dàn xếp thành công, huyện ủy sẽ có văn bản đề nghị Sở GTVT tỉnh cho phép bến phà hoạt động lại bình thường.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, dù biết là bất tiện cho dân, nhưng huyện ủy vẫn đề nghị Sở GTVT Trà Vinh tạm đóng bến phà để cho phía Sóc Trăng giải quyết tranh chấp. Cũng theo ông Liêm, Sóc Trăng nên sớm giải quyết vấn đề tranh chấp giữa ông Lến và ông Dũng, nếu không giải quyết được thì nên tìm bến mới hoặc nếu cần thiết thì sớm tổ chức đấu thầu. “Nếu phía Sóc Trăng đấu thầu thì bên Trà Vinh cũng đấu thầu cho đồng bộ”, ông Liêm cho biết thêm.
Riêng về quyết định đình hoạt động và “xóa sổ” bến phà Đường Đức của Sở GTVT Trà Vinh, ông Liêm cho biết, có thể câu từ đã gây sự hiểu nhầm, chứ chủ trương là không có vấn đề xóa tên bến phà khỏi danh sách mà chỉ tạm dừng hoạt động để chờ phía bờ Sóc Trăng giải quyết tranh chấp, khi giải quyết xong sẽ kiến nghị cho hoạt động trở lại.