Mô hình nuôi ba ba xen canh cây dừa của ông Sơn có tổng diện tích mặt nước hơn 3.000/17.000m2. Diện tích này dùng để nuôi ba ba giống, chia ra nhiều liếp. Mỗi liếp hồ gần 200m2, nuôi khoảng 10.000 ba ba con.
Theo ông Sơn, ba ba có giá trị kinh tế cao, tương đối dễ chăm sóc, dễ sinh sản, có thể tận dụng được nhiều loại thức ăn tự nhiên. Với tập tính đó, vườn dừa là môi trường sống lý tưởng cho ba ba phát triển dưới những tán dừa, giúp hồ luôn mát mẻ. Đồng thời, tận dụng chất thải của vật nuôi sử dụng làm phân bón, tăng năng suất và chất lượng trái dừa.
“Lượng lớn chất thải từ ba ba con sẽ được cây dừa hấp thụ, như lượng phân hữu cơ tự nhiên giúp cây phát triển. Lượng độc tố trong nước thải trong hồ cũng giảm đáng kể do cây dừa đã hấp thụ phần nào. Cây vừa phát triển, ba ba lại sống khỏe, như vậy tiện đôi đường”, ông Sơn nêu quan điểm.
Trước khi thực hiện mô hình này, ông Sơn đã thử nghiệm nuôi ba ba trong xô, chậu nhựa và đạt được một số kết quả như ba ba chắc thịt, đỡ tốn diện tích nuôi, dễ dàng quan sát chăm sóc từng con. Nhưng về lâu dài mô hình nuôi trong xô, chậu bộc lộ nhược điểm chỉ nuôi được với số lượng ít. Nếu nuôi nhiều hơn sẽ tốn công, mất thời gian chăm sóc từng xô, chậu.
Sau thời gian tìm hiểu, ông Sơn được biết có nhiều mô hình đan xen nuôi - trồng không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, còn góp phần bảo vệ môi trường, duy trì sự cân đối trong hệ sinh thái. Từ đó, ông mạnh dạn thử nghiệm nuôi ba ba trong những dãy liếp, trồng đan xen với dừa.
Thực tế cho thấy, sức sống của ba ba con nuôi theo mô hình xen canh khỏe mạnh, đạt đủ cân nặng, kích thước đúng với thời gian tăng trưởng, lại ít hao hụt. Đây là điều kiện lý tưởng để chuyển ba ba con sang môi trường có diện tích mặt nuôi lớn hơn (giai đoạn tăng trưởng - thu hoạch). Lúc này, người nuôi sẽ an tâm phần nào vì ba ba đã quen môi trường, lại có sức khỏe tốt nên sau 1 năm chăm sóc, ba ba sẽ dễ dàng đạt trọng lượng 1 - 1,5kg/con.
Riêng về cây dừa, dù là sản phẩm phụ, nhưng nhờ năng suất cao, nên góp phần hỗ trợ cho trại nuôi ba ba có thêm nguồn thu.
Trước đây, ông Sơn từng thử nghiệm nuôi ba ba trong xô, chậu nhựa. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ông Nguyễn Minh Hoàng (ngụ huyện Càng Long) cho biết, sau thời gian được ông Sơn tư vấn, bước đầu ông nhận thấy ba ba giống nuôi trong mô hình này khỏe mạnh, có sức chống chịu tốt nên đã nhập hơn 1.000 con (30 ngày tuổi) về thả nuôi.
Năm 2023, ông Sơn còn cam kết bao tiêu đầu ra cho hàng trăm người nuôi ba ba thịt ở Đồng bằng sông Cửu Long để xuất bán đến các cơ sở, nhà hàng tại TP HCM, Hà Nội. Riêng về phần ông, những tháng cao điểm cung cấp ba ba thịt ra thị trường 40 - 60 tấn, thu về lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Ông Trần Văn Quân (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiểu Cần) cho biết, sau khi ông Sơn tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thủy sản ở cấp huyện và tỉnh, đã thử nghiệm nuôi ba ba với nhiều cách khác nhau. Thời gian đầu nuôi trong xô nhựa, dưới ao và sau này kết hợp nuôi xen canh trong vườn dừa. Bước đầu cho thấy phương thức nuôi đạt kết quả khả quan, sau đó đã hướng dẫn lại bà con nông dân khác. Hiện trại nuôi ba ba của ông Sơn đang là nguồn cung con giống cho nhiều người nuôi ở các tỉnh, thành.
“Tuy nhiên, người nông dân cũng cần xem xét lại phương thức cũng như tính toán lại kỹ lưỡng về lựa chọn vật nuôi trong thời điểm này. Vì hiện nay giá trị, sản lượng đầu ra cho ba ba còn chưa ổn định. Tránh đầu tư ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu”, ông Quân khuyến cáo.