Những lời viết đầy định kiến ấy, có lẽ chỉ có thể xuất phát từ những tầm nhìn hạn hẹp và trái tim thiếu rộng mở. Người ta không hiểu rằng, sự miệt thị và khinh rẻ người khác không làm cho ai đó đứng cao hơn được. Tôi từng nhiều lần đến Ấn Độ trong những chuyến đi dài ngày. Và những gì thấy được, nghe được, gặp được trên hành trình cho tôi một cái nhìn rất khác.
Ấn Độ là một đất nước bí ẩn. Ở đó tồn tại nhiều nghịch lý kì lạ: Sự kham nhẫn bên cạnh cái hoang dại bản năng, sự nghèo đói, bần cùng bên cạnh cái xa hoa khủng khiếp. Sự thông thái của một nền văn hoá sâu sắc và lâu đời đi cùng cái mông muội, ngây ngô. Tôi từng đi ngang những mảnh đất cằn khô khủng khiếp, những ngôi nhà bằng đất sét thấp nhỏ muốn chui vào cũng phải cúi đầu, trâu bò nằm cạnh người, phân bò trét đầy tường để giữ ấm. Những cánh tay đói khát giơ lên xin ăn ở cả làng quê lẫn thị thành.
Tôi cũng từng đi ngang những dinh thự nguy nga dài hàng cây số ngay mặt tiền thủ đô New Delhi, những cung điện dát vàng ngọc lộng lẫy. Tôi cũng từng đến những công trình kiến trúc vĩ đại và sững sờ kinh ngạc trước điều vĩ đại mà con người có thể làm được. Và cũng đến thăm, ngậm ngùi trước những phế tích từng là thành quách lộng lẫy nay chỉ còn là nền gạch cũ rêu phong.
Ấn Độ, đó là cái nôi của nhiều nền triết học, nhiều tôn giáo lớn. Ấn Độ là nơi sinh ra Phật giáo, một trong những tôn giáo lớn mạnh, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho nhân loại. Mỗi một chặng đường trên đất Ấn Độ hầu như đều từng in dấu chân Sa môn Cồ - Đàm từng đi qua. Ấn Độ, giờ đây chỉ còn hơn 2% dân số theo Phật giáo, là nơi Phật giáo đã suy tàn nhưng hạt giống của lòng từ bi và trí tuệ vẫn còn đó.
Ấn Độ không dành cho người đi du lịch nghỉ dưỡng hay có nhu cầu check in. Đất nước bí ẩn này là nơi để đến, trải nghiệm trên một hành trình tâm linh, tìm về một nền văn minh từng rực rỡ, đã suy tàn, để hiểu hơn sự đa dạng của cuộc sống, để nhìn sâu vào chính mình.
Mỗi một hành trình đi xa ta học thêm được nhiều bài học về cuộc sống. Và trong những chuyến đến Ấn Độ, một trong những bài học tôi được học là nụ cười và lòng biết ơn.
Khi trở về, tôi vẫn đem theo nụ cười và cái vẫy tay suốt những chặng đường từng đi qua. Của những ánh mắt trong veo lấp lánh.
Và một bút kí mang tên Trả ơn bằng một nụ cười.
“…Tôi đã ngồi trên xe khách trôi qua nhiều vùng miền, nhiều bang của Ấn Độ. Ở những ngôi làng tôi qua, đâu đâu cũng có những bàn tay vẫy. Những cô gái đầu đội hàng hóa, những phụ nữ trung niên túm tụm trên vỉa hè, các ông già phơi nắng trên cái chõng ven đường. Đặc biệt là các em bé. Từ những mảnh sân, ô cửa nhà, trường học, chúng đưa bàn tay đen đúa vẫy chúng tôi với ánh mắt sáng lấp lánh và cái cười nở hoa. Tôi thoáng nghĩ, chẳng biết chúng đang chào những người khách có gương mặt xa lạ của một chủng tộc khác, hay đang vẫy chào những giấc mơ bay xa khỏi làng quê nghèo của mình. Xe chạy nhanh, tôi ít khi nào chụp lại kịp những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy, chỉ có thể lưu vào tâm trí mình. Chúng tôi ai cũng đưa tay vẫy lại một cách nhiệt thành, chưa bao giờ chào những người xa lạ với niềm hoan hỉ nhường ấy. Tôi đặt tên đó là những ngôi làng Khổ nghèo – Hạnh phúc.
Có một lần, xe đi qua một ngôi chợ ở Kushinagar, đường đông đầy bụi trắng và kẹt xe lâu lắc, tôi thấy những người đàn ông lao động mệt nhọc ngồi trên nóc một chiếc xe cũ kĩ. Bất chợt, tôi muốn tạo cho họ một điều gì đó vui vẻ, như niềm vui tỏa sáng mà những người già và trẻ em Ấn Độ trong những ngôi làng ven đường đã đem đến cho chúng tôi. Tôi tô lại chút son, chải tóc, quấn lại khăn cổ, cười thật tươi và vẫy chào những đoàn xe như thế. Tôi thấy mắt những người đàn ông đầy mờ đục ấy bỗng sáng lên với ánh nhìn ngạc nhiên. Ban đầu họ rụt rè, rồi tiếp theo là vẫy tôi rối rít. Sự mệt mỏi đã rời khỏi khuôn mặt họ. Những cái miệng đang trễ xuống nặng nề bỗng nhoẻn ra thành những nụ cười nhẹ nhõm. Tôi cảm nhận rõ hơn bao giờ hết, sự đẹp đẽ và ấm áp của một nụ cười, một bàn tay.
Có lẽ, rồi đây, hình ảnh những nụ cười ấm áp, những ánh mắt lấp lánh và những bàn tay đưa lên vẫy chào nhau giữa con đường của những người hoàn toàn xa lạ thuộc những quốc gia khác nhau rồi sẽ phai mờ theo thời gian, theo gánh nặng của cơm áo. Nhưng khoảnh khắc mà tâm trí sáng bừng lên trong niềm hân hoan của sợi dây tình người nối lại, có lẽ sẽ còn cháy âm ỉ đâu đó trong trái tim mỗi chúng tôi.
Tôi tự nhủ, từ nay đi đến bất cứ nơi nào và nhất là ở Việt Nam quê mình, tôi sẽ luôn bất chợt nhìn vào mắt, nở nụ cười với những người xa lạ trên đường.
Cuộc đời chắc sẽ đẹp hơn khi chúng ta trả ơn bằng những nụ cười”.