Vụ án có 17 bị cáo đều là các cựu cán bộ, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở TN&MT Sơn La, Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La, UBND huyện Mường La… Trong đó 13 bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Bốn bị cáo khác bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285 BLHS năm 1999.
Theo cáo trạng, năm 2005, công tác chi tiền bồi thường, hỗ trợ di dời cho các hộ dân trong khu vực Nhà máy thủy điện Sơn La đã hoàn thành. Năm 2013, Chính phủ cho phép bồi thường thêm phần chênh lệch giá trị đất giữa nơi đi và nơi đến tại khu tái định cư Tân Lập.
Lúc này, bị cáo Trương Tuấn Dũng là Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La đã ban hành Kế hoạch số 41 triển khai chỉ đạo của tỉnh đồng thời chỉ định Văn phòng đăng ký đất đai Sơn La (VPĐKĐĐ) và Cty Bảo Bình (ở Hà Nội) đo đạc, lập bản đồ địa chính. Kết quả điều tra xác định, sau khi huyện Mường La thực hiện đo đạc, xuất hiện nhiều đơn thư vượt cấp đề nghị được bồi thường theo khung giá năm 2015 thay vì khung năm 2013; đặc biệt, đơn thư của bị can Đèo Văn Ban đã gây mất an ninh trật tự... nên tiến hành xác minh.
Kết quả cho thấy, bị can Đèo Văn Ban được bị can Bùi Văn Tân (cán bộ VPĐKĐĐ) chuyển loại đất từ đất rừng sang đất ruộng 2 vụ; được Vũ Hồng Giang (làm việc cho Cty Bảo Bình) chia, số hóa đất sai quy định… nên được nhận bồi thường “thừa” gần 1,2 tỷ đồng.
Đại diện Viện KSND tỉnh Sơn La cho rằng, Kế hoạch 41 của bị cáo Trương Tuấn Dũng ban hành sai nhưng các bị cáo khác vẫn thực hiện theo dẫn tới thất thoát 1,2 tỷ đồng. Vì vậy, người giữ quyền công tố đề nghị tòa phạt các bị cáo mức án tương ứng hành vi phạm tội, cao nhất từ 6 – 7 năm tù. Trong khi đó, 16 trong 17 bị cáo kêu oan, đưa các lý do như đã thực hiện đúng chỉ đạo của UBDN tỉnh Sơn La; bị điều tra viên bắt chép bản tự khai; hộ Đèo Văn Ban có đất trên thực tế; Kế hoạch 41 được áp dụng với hơn 600 hộ dân đều không có sai phạm…
Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, HĐXX xét thấy có một số tài liệu, văn bản mới được xuất trình tại tòa nhưng chưa được thu thập; việc giám định trong vụ án chưa phù hợp quy định của pháp luật; chứng cứ chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cần thu thập thêm.
Ngoài ra, HĐXX cho biết, có căn cứ cho rằng, có người khác thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa được khởi tố; việc điều tra, khởi tố vụ án phát sinh vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Vì vậy, chủ tọa công bố quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Viện KSND tỉnh Sơn La làm rõ phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; thời gian hiệu lực và nhận thức, vai trò của mỗi bị cáo trong việc thực hiện Kế hoạch 41.
Tòa án cũng yêu cầu điều tra việc thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính trong thu hồi, bồi thường hỗ trợ đất với khu vực trong và ngoài công trường Nhà máy thủy điện Sơn La giai đoạn 2014 – 2016 thực hiện theo quy định của pháp luật đất đai nào? Có được thực hiện theo cơ chế đặc thù theo Quyết định số 45 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ hay không?...
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu