Dẹp “nạn” lấn chiếm bãi biển
TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa qua đã “mạnh tay” thực hiện nhiều hoạt động nhằm tháo dỡ hàng loạt công trình xây dựng trái phép, không phép ở bãi Sau. Các đơn vị, cá nhân, tổ chức tư nhân kinh doanh các loại hình cho thuê dù, ghế bố, ăn uống... tại đây cũng bị yêu cầu tháo dỡ để bảo đảm không gian cộng đồng thoáng đãng.
Trước đó, người dân và du khách từng bức xúc khi bãi Sau bị lấn chiếm, khai thác một cách triệt để bởi các cá nhân, doanh nghiệp. Trên bãi biển, la liệt các ghế, dù bày biện cho du khách thuê, không ít người tranh thủ “chặt chém” mỗi dịp cuối tuần, lễ. Đã có du khách phản ứng trước việc phải bỏ số tiền cao bất thường để thuê ghế và dù trên bãi biển. Ngoài ra còn có những khu du lịch tự phát mọc lên, quây một phần bãi biển, dựng cổng rào và tự động thu phí khách đi tắm biển cùng dịch vụ gửi xe... Việc chính quyền địa phương chấm dứt hiện tượng lấn chiếm bãi biển như trên đã được người dân địa phương lẫn du khách ủng hộ.
Cùng với Vũng Tàu, Nha Trang đã thành công dẹp nạn kinh doanh lấn chiếm bãi tắm từ nhiều năm nay. Từ tháng 12/2018, UBND TP Nha Trang có quyết định phê duyệt phương án bố trí khu vực đặt dù, ghế trên bãi biển, quy định các doanh nghiệp được phép tổ chức hoạt động dịch vụ đặt dù, ghế nằm phục vụ kinh doanh trên bãi biển kể từ 8h - 16h hằng ngày. Sau thời gian đó, doanh nghiệp phải dọn dẹp dù, ghế nằm, vệ sinh trong và xung quanh khu vực bãi biển được giao. Không còn tình trạng dù, ghế “phủ kín” bãi biển, đến nay, bãi tắm ở Nha Trang đã thông thoáng, sạch sẽ. Hành động quyết liệt của chính quyền đã giúp trả lại không gian phục vụ chung cho cộng đồng cư dân thành phố và du khách trong, ngoài nước.
Dọn rác làm sạch biển
Cả nước vẫn còn nhiều bãi biển du lịch rất đẹp nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Hiện tượng cho thuê dù, ghế “chặt chém” vẫn còn. Thậm chí nhiều nơi, người dân căng chòi bạt, chòi lá để kinh doanh, hàng rong rải rác khắp nơi, gây nhếch nhác, mất mỹ quan bãi biển.
Một số bãi biển rơi vào tình trạng ngập rác thải. Đó thường là những bãi biển đẹp mới được khai phá nhưng đã bị “phủ” rác do phát triển du lịch tự phát quá nhanh, quản lý thiếu đồng bộ, cộng với ý thức kém của người tham gia du lịch. Hiện tượng này còn diễn ra tại các bãi biển du lịch bùng phát mạnh mẽ, quá tải về du khách nhưng chính quyền địa phương lẫn người tham gia kinh doanh ý thức chưa cao về xử lý rác thải.
Đà Nẵng là một trong những địa phương quyết liệt trong việc giữ gìn bãi biển văn minh. Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về giữ gìn mỹ quan, vệ sinh bãi biển. Thành phố đã đầu tư 4 công trình thu gom nước thải ven biển, kịch bản ứng phó xử lý tràn nước thải ra biển, như bố trí nhân lực trực 24/24h ở các cửa xả, trạm bơm để xử lý sự cố, ngăn rác và khơi thông thường xuyên, đắp bao cát nâng cao ngưỡng tràn, đồng thời có phương án xử lý bằng chế phẩm khử mùi, xử lý các vị trí sự cố khi có hiện tượng tràn. Đà Nẵng còn thành lập tổ xử lý và phản ứng nhanh, thường xuyên tuần tra ngoài giờ, nhanh chóng và kịp thời xử lý khi phát hiện các điểm phát sinh rác, tăng cường nhắc nhở du khách nâng cao ý thức tự dọn dẹp sau khi sử dụng bãi biển.
Biến bãi biển trở thành điểm đến hấp dẫn, giúp thúc đẩy ngành Du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế địa phương là mục tiêu của các địa phương có du lịch biển. Để thực hiện được điều này, chính quyền các địa phương cần nỗ lực dẹp bỏ các tồn tại xấu, đưa ra quy định nhằm hạn chế tối đa việc tái lấn chiếm, cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân và du khách trong việc gìn giữ mỹ quan, môi trường biển.