Mức trần giá đất tại Tp.HCM vẫn thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. |
Ngày 10/12, Hội đồng Nhân dân Tp.HCM đã thông qua khung giá đất mới trên địa bàn thành phố, áp dụng từ 1/1/2011.
Trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố, bảng giá đất mới tiếp tục giữ nguyên khung tối đa và tối thiểu của năm 2010 với mức trần 81 triệu đồng/m2 (áp dụng cho 3 tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và mức tối thiểu là 1,2 triệu đồng/m2 đối với đất ở khu vực nội thành.
Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, toàn thành phố hiện có 3.003 tuyến đường được quy định giá tại bảng giá đất năm 2011. Bảng giá đất năm 2011 sẽ giữ nguyên 2.885 tuyến đường, loại bỏ 5 tuyến đường được điều chỉnh tên và được ghép nối với các tuyến liền kề; bổ sung 118 tuyến, đổi tên và chỉnh đoạn 111 tuyến đường.
Khung giá đất này sẽ dùng vào việc tính tiền sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, khung giá này cũng được áp dụng vào việc bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Bảng giá đất mới cũng là cơ sở tính tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, mục tiêu xác định bảng giá đất năm 2011 của thành phố là bình ổn giá, thu hút đầu tư, kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bộ phận người dân có thu nhập thấp chưa hoàn thành hoặc còn nợ tiền sử dụng đất.
Cũng theo lãnh đạo Tp.HCM, trong năm tới, thành phố sẽ tập trung kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu thụ các sản phẩm bất động sản. Hơn nữa, do tình hình thị trường nhà đất năm 2010 không có biến động lớn nên hầu như bảng giá đất năm 2011 không điều chỉnh nhiều.
Như vậy, mức trần giá đất của Tp.HCM và Hà Nội là ngang nhau và đều được giữ nguyên trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, mức trần giá đất hiện nay của cả hai địa phương trên đều khác xa so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Đối với các khu “đất vàng” tại hai thành phố trên, trong khi mức trần của khung giá đất chỉ là 81 triệu đồng/m2 thì giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường đã gấp khoảng 10 - 12 lần, tương đương với 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/m2.