Mới đây, Kết luận của Thanh tra TP.HCM cho thấy, huyện Bình Chánh đã vi phạm về quản lý đất đai nghiêm trọng nhất trên địa bàn TP.HCM, trong đó có nhiều vụ liên quan đến đất công như nhận định của ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP - tại Hội nghị trực tuyến giữa các đơn vị quận, huyện trên địa bàn với UBND TP.HCM.
Điểm nóng về sai phạm trong quản lý đất đai
Tại Hội nghị giao ban chuyên đề giữa thường trực Thành uỷ, lãnh đạo UBND với các quận, huyện, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM - đã nêu ra những sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai của huyện Bình Chánh, với nhiều công trình xây dựng trái phép, không phép, vi phạm mục đích sử dụng đất, vi phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai, trong đó có nhiều vụ liên quan đến đất công.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP còn cho rằng, “những sai phạm về quản lý đất đai đã xảy ra liên tiếp trên trên địa bàn huyện Bình Chánh, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm”.
Tuy nhiên, ông Phong cũng nhận định: “Các vụ việc sai phạm hiện nay mới chỉ quy trách nhiệm cho cấp dưới. Trong khi những sai phạm này thì những người đứng đầu huyện cần phải chịu trách nhiệm”.
Bởi theo thống kê năm 2018 cho thấy, toàn thành phố có 2.419 công trình vi phạm. Nhưng chỉ riêng trong 6 tháng năm 2019 đã có 1.550 công trình vi phạm.
Vì vậy, nhằm xử lý dứt điểm, đồng thời hạn chế và ngăn chặn tái diễn sai phạm, TP đã ra quyết định số 352 ngày 02/12/2019 lập Đoàn Thanh tra để thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai trên địa bàn Bình Chánh từ 2016 đến nay.
“Nuốt chửng" gần 300 địa chỉ đất công
Kết luận thanh tra mới đây của Đoàn thanh tra TP đối với huyện Bình Chánh về quản lý đất đai cho thấy, những sai phạm tại huyện Bình Chánh trong quản lý đất đai không chỉ xảy ra với các công trình sai phép, sai mục đích sử dụng mà còn có liên quan đến những dự án đất công, làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách nhà nước.
Chỉ tính các sai phạm liên quan đến đất công, theo báo cáo của Thanh tra thành phố, tại thời điểm 2018, huyện có tổng số 763 địa chỉ nhà, đất là đất công do nhà nước quản lý. nhưng huyện chỉ báo cáo UBND TP phê duyệt phương án xử lý tổng thể đối với 378 địa chỉ, gây chênh ra đến gần 400 địa chỉ chưa được huyện báo cáo với lãnh đạo UBND TP.
Tuy nhiên, kết luận chỉ ra, trong 378 địa chỉ nhà, đất đó, lại có tới 100 địa chỉ nhà, đất bị trùng và số địa chỉ nhà, đất này cũng đã được UBND TP phê duyệt cho Thanh tra Bộ Tài chính năm 2010, dẫn đến Thanh tra Bộ Tài chính yêu cầu huyện phải kê khai bổ sung 258 địa chỉ, nhưng thực tế số địa chỉ phải kê khai bổ sung theo chỉ đạo của Thanh tra Bộ Tài chính là 160 địa chỉ (trong đó có 1 trường hợp tách ra làm 3 địa chỉ).
Ngoài ra, tại văn bản số 2123/KH-UBND ngày 15/5/2018 của UBND TP.HCM về việc sắp xếp, xử lý lại tài sản thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ phải hoàn tất vào năm 2018. Tuy nhiên, chỉ qua việc thanh tra 25 địa chỉ nhà, đất thì đã có đến 6 địa chỉ không sử dụng hiệu quả, không đúng mục đích. Riêng Trung tâm Văn hóa thể thao huyện đã có đến 7 địa chỉ cho thuê không đấu giá và không xin ý kiến của UBND TP theo quy định.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ trách nhiệm của Lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban về những sai phạm trên đã gây ra thất thoát ngân sách nhà nước là rất lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế của TP.
Ngoài những sai phạm đối với việc quản lý và xử dụng đất công, thì Kết luận Thanh tra cũng nêu việc huyện Bình Chánh có dấu hiệu chiếm dụng 10,1 tỷ đồng tiền ngân sách thông qua việc triển khai thực hiện Đề án Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Vì vậy, ngày 8/11/2019. Thanh tra TP đã ban hành quyết định thu hồi số tiền này để nộp vào ngân sách tạm giữ của TP. Tuy nhiên, đến thời điểm ban hành Kết luận thanh tra, huyện vẫn chưa thực hiện (!?).