TP.HCM cần có một cuộc tổng chẩn đoán bệnh cho “hố tử thần” để tìm kiếm các nguy cơ sụt lún mặt đường đang tiềm ẩn dưới đường phố. Đó là nhận định chung của hầu hết các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, giao thông tại buổi hội thảo “Cơ sở khoa học và các giải pháp khả thi để xác định các hố ngầm, công trình ngầm tại địa bàn TP.HCM” tổ chức hôm 12/1. Theo báo cáo chính thức từ Sở GTVT TP.HCM, chỉ trong vòng hơn nửa năm qua đã xuất hiện hơn 64 “hố tử thần” trên mặt đường TP. Trong số đó, hầu hết các nguyên nhân là do các ống – cống thoát nước cũ bị sụp, bể, xì, hở mối… Một điều đáng lo ngại hơn, theo PGS TS Đặng Hữu Diệp là không những thế, trên mặt đường TP vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều các nguy cơ sụt lún trong thời gian tới.
Một "hố tử thần" lớn lại xuất hiện ở trung tâm TP.HCM |
“Đường sá TP.HCM hiện như một bệnh nhân mà không có bệnh án rõ ràng. Hễ lên cái nhọt nào là chúng ta lại tập trung đi chữa cái nhọt ấy. Cái cần thiết lúc này là phải làm công tác quản lý, dự báo “hố tử thần” theo mong đợi của người dân” – nhận định của TS Vũ Đức Thắng, Liên Hiệp các Hội KHKT TP.HCM. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã thống nhất cao cần thực hiện phương pháp dùng Rada xuyên đất (Ground Penetrating Radar) để dò và tìm các “hố tử thần” tiềm tàng trong lòng đất. PGS TS Nguyễn Thành Vân – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM giải thích: Rada xuyên đất là một phương pháp vật lý hiện đại, nghiên cứu cấu trúc và đặc tính của vật chất tầng nông bên dưới mặt đất. Rada này có thể phát hiện lỗ hổng và khe nứt tự nhiên, xác định các vùng đất lún, lập bản đồ ngầm cho các công trình đô thị… Nói thêm về phương pháp này, chuyên gia về giao thông – PGS TS Nguyễn Văn Giảng cho rằng rada xuyên đất đã minh chứng hiệu quả trong việc tìm ra các tổ mối ở hệ thống đê sông Hồng và sông Đuống. Tương tự như vậy, có thể áp dụng trong việc rà soát “hố tử thần” tại TP.HCM. PGS TS Lê Hoài Quốc – Phó GĐ Sở KHCN TP.HCM cho biết: Trước khi áp dụng phương pháp sẽ cần phải tiến hành trắc nghiệm trước độ chính xác của thiết bị cùng các giải đoán của chuyên gia. Cùng lúc cần tiến hành cùng với bản đồ chính xác từ phía các cơ quan chức năng. TS Vũ Đức Thắng đề nghị song song đó cần tiến hành lập cơ sở dữ liệu cầu đường, chương trình quản lý hệ thống giao thông cầu đường trên địa bàn TP.HCM để có thể xử lý, tổng hợp thông tin, quản lý hệ thống đường sá đô thị.
Theo Việt Dũng
VTC
VTC