Số liệu báo cáo từ Cục thuế TP.HCM, trong gần 30.000 tỷ đồng nợ thuế, thì nợ có khả năng thu được tăng 19,8% so với thời điểm đầu năm, chiếm 44,7% số thuế nợ, tương đương 13,044 tỷ đồng.
Ông Lê Duy Minh - Cục trưởng Cục thuế TP.HCM - cho biết, có đến 78 doanh nghiệp nợ thuế trên 5 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực BĐS chiếm đa số, với 327 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 20,22% so với cùng kỳ.
Các khoản nợ của các doanh nghiệp BĐS chủ yếu là tiền thuế đất và thuế thu nhập doanh nghiệp, như: tiền thuê mặt đất, mặt nước (chiếm 2.961 tỷ đồng, tăng 7,44% so với cùng kỳ); Tiền sử dụng đất (1.023 tỷ đồng, giảm 3,86% so với cùng kỳ). Riêng nợ thuế thu nhập doanh nghiệp trên 5 tỷ đồng có 18 doanh nghiệp, với tổng số tiền là 886 tỷ đồng, chiếm 86,69% doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất và tổng số nợ của 18 doanh nghiệp này lên đến 1.533 tỷ đồng, chiếm 5,35% trong tổng số tiền nợ thuế.
Trong đó, có doanh nghiệp nợ thuế kéo dài lên đến hàng trăm tỷ đồng, như Công ty CP Gamuda nợ 541 tỷ đồng, gồm thuế đất là 421 tỷ đồng và tiền chậm nộp là 120 tỷ đồng; Công ty CP Đức Khải nợ 441 tỷ đồng, gồm 334 tỷ đồng là tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp là 107 tỷ đồng.
Ngoài các doanh nghiệp nợ trên, đại diện Cục thuế TPHCM cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng thuộc “top” doanh nghiệp nợ thuế lớn, như Công ty Công ích nợ gần 470 tỷ đồng. Khối doanh nghiệp nhà nước địa phương cũng có khoản nợ lên đến hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng đang rơi vào tình trạng không có khả năng chi trả, với số nợ khoảng 254 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp BĐS do ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, cả nước đã có đến 923 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ. Số liệu từ Hội Môi giới BĐS cũng cho hay, có đến 80% sàn giao dịch BĐS buộc phải ngưng hoạt động và 35 ngành nghề có liên quan đến BĐS bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo ông Châu, nguyên nhân là do giãn cách xã hội, các hoạt động mở bán, đầu tư đều bị ngưng trệ, khiến cho lượng giao dịch không thể thanh khoản. Bên cạnh đó, việc tồn đọng sản phẩm, nâng chi phí đầu tư tăng cao, các khoản lãi ngân hàng từ nợ cũ... đã khiến nhiều doanh nghiệp BĐS khó khăn trong giai đoạn thị trường trầm lắng của chu kỳ giảm trong 3 năm qua, lại càng khó khăn hơn.
Chia sẻ về công tác thu hồi nợ, ông Lê Minh Duy cho hay, trong những tháng cuối của năm 2020, ngoài việc rà soát chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị, tập trung giải quyết các khoản nợ thuế đang điều chỉnh, khoanh - xoá đối với các khoản nợ “khó”. Đồng thời, Cục cũng sẽ tổ chức phối hợp với Sở, ngành có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ để rà soát tất cả các dự án, các nguồn thu liên quan đến hoạt động BĐS, nhằm có hướng giải quyết phù hợp, để công tác thu hồi nợ đạt kết quả, nhằm đạt được 80% số tiền thuế, tương đương 3.200 tỷ đồng theo Nghị quyết 94/2019/QH14 đã đề ra.