TP Hồ Chí Minh: Y tế tư nhân sẽ tham gia chăm sóc F0 tại nhà

Cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở TP Hồ Chí Minh.
Cấp phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà ở TP Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án y tế tư nhân cùng y tế cơ sở tham gia chăm sóc cho nhóm F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Kỳ vọng có thêm nguồn lực hỗ trợ F0

TP hiện có 319 trạm y tế, mới bổ sung thêm 344 trạm y tế lưu động để chăm sóc cho người bệnh COVID-19. Nguồn nhân sự được lấy từ tất cả đơn vị y tế địa phương như bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện và Thủ Đức. Sở Y tế lập bộ phận điều chuyển nhân sự, kịp thời tăng cường nhân sự cho những khu vực đang gia tăng F0 khi cần thiết.

Để hỗ trợ cho hệ thống y tế tuyến cơ sở cũng như trạm y tế lưu động, Sở Y tế đang tham mưu và chuẩn bị trình lên UBND TP Đề án chăm sóc F0 tại nhà có sự tham gia của y tế tư nhân. Tất cả phòng khám y tế tư nhân sẽ tham gia thí điểm đề án này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cho biết tại cuộc họp báo mới đây. "Mong rằng Đề án được thông qua, TP sẽ có thêm nguồn lực để hỗ trợ tốt nhất khi F0 điều trị tại nhà", bà Mai nói.

Đây không phải là lần đầu tiên y tế tư nhân tại TP HCM "chia lửa" chống dịch cùng y tế công. Cuối tháng 7/2021, 4 bệnh viện tư nhân đầu tiên gồm Hoàn Mỹ Thủ Đức, Triều An, Xuyên Á, Nam Sài Gòn được "tách đôi" hoặc chuyển công năng thành bệnh điều trị COVID-19.

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP cũng như thư hiệu triệu toàn bộ lực lượng ngành Y của lãnh đạo Bộ Y tế, hàng ngàn nhân viên y tế tư nhân đã tham gia điều trị F0, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng... Trước đó, giữa tháng 7, hàng trăm bác sĩ đã tình nguyện đăng ký khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân qua điện thoại.

10 tháng đầu năm 2021, Sở Y tế ghi nhận 968 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Con số này năm ngoái là 597 người. Sở Y tế nhận thấy trong số nghỉ có tăng nhẹ ở nhóm bác sĩ, điều dưỡng tại các trạm y tế. Nguyên nhân ghi trong đơn xin nghỉ là do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân. "Nhân viên y tế không làm trong hệ thống công lập thì sẽ làm tư nhân. Công hay tư cũng đều phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân", bà Mai nhận định.

Tập trung kiện toàn chất lượng y tế cơ sở

Về điều trị cho F0 tại nhà, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan, Phó Chủ tịch UBND quận 7, tại cuộc họp cho biết, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này nên quận tập trung kiện toàn chất lượng y tế cơ sở, đảm bảo đầy đủ nguồn nhân lực tại các trạm y tế cố định, lưu động, tổ chăm sóc F0 cộng đồng... Đến nay, quận đã thành lập 21 trạm y tế lưu động, gồm 12 trạm được lập từ các phòng khám đa khoa; hai trạm từ bệnh viện tư nhân; 7 trạm có nhân sự được điều động từ trung tâm y tế của quận.

Tổng số nhân sự tham gia các trạm y tế lưu động, từ hệ thống y tế tư nhân là 25 bác sĩ, 33 điều dưỡng, 42 tình nguyện viên; còn có 50 bác sĩ khác ở các phòng khám chuyên khoa trên địa bàn. Tuần này, quận sẽ bố trí thêm cho mỗi phường hai trạm y tế lưu động nữa, phấn đấu ít nhất mỗi 10.000 dân phải có một trạm. Đỉnh dịch, quận có 34 trạm lưu động, sắp tới sẽ nhiều hơn số này, bà Ngoan chia sẻ.

Bên cạnh đó, TP HCM tiếp tục duy trì các tổng đài như 1022 với nhánh 3 (gồm 200 bác sĩ) để chăm sóc, tư vấn từ xa cho F0; nhánh 4 hỗ trợ cho người dân mắc các bệnh không phải COVID-19; mạng lưới Thầy thuốc đồng hành (với trên 1.500 bác sĩ khắp cả nước) sẽ phân công trực tổng đài, đánh giá mức độ chuyển nặng của người bệnh kịp thời. Khi nhận thông tin có F0 trở nặng cần chuyển viện từ 1022, Thầy thuốc đồng hành và các trung tâm y tế quận, huyện... bộ phận vận chuyển sẽ ngay lập tức điều phối, đưa bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị COVID-19 còn trống giường sớm nhất.

Số F0 nhập viện các tầng 2, 3 tại thành phố khoảng 14.000 ca, trong khi đó tổng số giường điều trị COVID-19 đang có là hơn 31.000. Do đó, không có tình trạng hệ thống bệnh viện điều trị COVID-19 bị quá tải. TP cũng đang làm nhiều biện pháp để hạn chế gia tăng F0, song song đó là điều trị tốt làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.

Sở Y tế vừa có kiến nghị UBND TP HCM đề xuất Bộ Quốc phòng cho duy trì 85 trạm y tế lưu động với 153 nhân viên đến cuối năm nay. Nội dung được đề cập trong công văn tiếp tục hỗ trợ lực lượng y tế thuộc Bộ Quốc phòng tham gia trạm y tế lưu động trên địa bàn TP do Giám đốc Sở Y tế ký, ngày 30/11.

Theo văn bản, đến hết ngày 29/11, vẫn còn một số quận, huyện ghi nhận số ca F0 đang cách ly tại nhà tương đối cao; quận 12 hơn 6.300 người, Hóc Môn hơn 8.100 người, TP Thủ Đức hơn 20.500 người, Bình Chánh hơn 7.100 người, Gò Vấp gần 4.000 người, Bình Tân hơn 4.200 người, Tân Phú hơn 4.800 người, Nhà Bè hơn 1.100 người.

Trong khi đó, ngành Y tế và Ban Chỉ đạo chống dịch các quận, huyện đang xây dựng lộ trình đảm bảo nhân sự tại chỗ để tiếp tục phát huy mô hình trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y rời khỏi TP. Hiện TP HCM ghi nhận hơn 66.800 F0 cách ly tại nhà và gần 6.200 F0 cách ly tại các cơ sở tập trung.

Trước đó, trong công văn ngày 28/10, UBND đã đề nghị Bộ Quốc phòng cho duy trì và hỗ trợ các trạm y tế lưu động đến hết tháng 11.

Trong cao điểm đợt dịch thứ 4, quân đội đã huy động 34.000 quân nhân, hơn 98.000 dân quân tự vệ cùng 2.000 y, bác sĩ và học viên quân y, chia làm 5 mũi đồng hành với TP HCM chống dịch từ 23/8.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thận trọng khi ăn hạt sen

Hạt sen bổ nhưng một số người nên thận trọng khi ăn (Ảnh: Internet)

(PLVN) - Hạt sen là một loại nguyên liệu được yêu thích trong ẩm thực Việt Nam bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, một số người thận trọng khi ăn hạt sen - cần hạn chế hoặc không ăn loại hạt này để tránh những vấn đề sức khỏe không mong muốn.

Để tai nạn thương tích không còn là gánh nặng

Trẻ em - đối tượng rất dễ bị tai nạn thương tích. (Ảnh: BV Sản Nhi tỉnh Phú Thọ)
(PLVN) - Tai nạn thương tích là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các cơ sở y tế cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 1,1 triệu trường hợp bị tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Lưu ý các biện pháp phòng bệnh mùa đông xuân cho trẻ

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ. (Ảnh: CDC Hà Nội)
(PLVN) - Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp ở trẻ em, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội khuyến cáo người lớn cần lưu ý các biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho con em mình.

Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ 'chui'

Trên thực tế, thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép, hành nghề “chui” vốn đã xuất hiện từ lâu và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. (Ảnh minh họa - Nguồn: LĐ)
(PLVN) - Thực trạng hành nghề thẩm mỹ trái phép không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân mà còn là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong việc đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ

Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ
(PLVN) - Chiều 26/10, Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học chuyên đề: “Nhận diện sớm và điều trị hiệu quả bệnh nhân đột quỵ trong cộng đồng và tại cơ sở y tế” nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn về bệnh lý đột quỵ cho đội ngũ y tế của bệnh viện cùng các đơn vị y tế trong và ngoài tỉnh.

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang

Thay 'chân mày phong thuỷ đổi vận', đề phòng tiền mất tật mang
(PLVN) - Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân thận trọng trước những thông tin quảng cáo thay tướng đổi vận, cải thiện vận may... của các cơ sở chân mày phong thủy khi chưa có những kiểm chứng khoa học, để tránh sa vào hoạt động mê tín dị đoan gây ra hệ lụy nghiêm trọng.