Trong khuôn khổ “Ngày Phụ nữ và Pháp luật 2024”, buổi tuyên truyền phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục, phòng, chống nạn mua bán người đã được Hội LHPN phường Tân Phú tổ chức trong tháng 4, với sự tham gia của 200 hội viên. Phường Tân Phú có rất đông công nhân, trong đó đối tượng trẻ tuổi chiếm phần lớn, đây là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tội phạm buôn bán người và xâm hại tình dục.
Buổi tuyên truyền đã đưa ra những thông tin hữu ích, từ những tình huống thực tế như hành vi xâm hại diễn ra trong thang máy, phòng trọ, nhà vệ sinh công cộng, nơi vắng vẻ... cho đến các kiến thức quan trọng như các thủ đoạn lừa đảo, tiếp cận từ internet để lạm dụng phụ nữ và trẻ em.
Tại một số phường khác trên địa bàn TP Thủ Đức như Bình Chiểu, Cát Lái, Long Thạnh Mỹ, Bình Trưng Đông, Thạnh Mỹ Lợi, Hiệp Bình Chánh… Hội LHPN các phường đã chủ động phối hợp với ban giám hiệu các trường học, mời báo cáo viên đến tận trường giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Hạnh Thảo, Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức cho biết, đến nay, Hội LHPN của 34/34 phường đã tổ chức “Ngày Phụ nữ và Pháp luật”, với hơn 7.000 hội viên được nghe phổ biến. Qua các buổi tập huấn, tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người có thêm kiến thức để tự bảo vệ mình khi cần thiết.
Tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, vừa qua cũng đã diễn ra tuyên truyền, tập huấn kỹ năng và giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trong khuôn khổ “Ngày Phụ nữ và Pháp luật” năm 2024. Buổi tuyên truyền có sự tham dự của hơn 200 cán bộ bộ hội trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Các cán bộ, hội viên phụ nữ của huyện Bình Chánh đã được hướng dẫn nhiều kiến thức pháp luật liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em, đồng thời nhận 400 tài liệu tuyên truyền một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em nhằm lan tỏa, tuyên truyền thông tin đến chị em phụ nữ trên địa bàn.
Kiến thức pháp luật, kĩ năng phòng, tránh tội phạm xâm hại tình dục là rất cần thiết phải trang bị cho phụ nữ và trẻ em, nhưng việc nhận diện hành vi xâm hại vẫn thường chưa được để ý đến, dẫn tới khó nhận diện, khó phòng tránh.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến tháng 4/2023, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 326 trẻ bị xâm hại. Theo các chuyên gia, hiện nay, hành vi xâm hại ngày càng phổ biến hơn, tinh vi hơn, đôi khi trắng trợn hơn. Độ tuổi đối tượng bị xâm hại cũng ngày một nhỏ hơn. Trong khi đó, kẻ xâm hại không chỉ là đối tượng dân trí thấp mà rất nhiều trong số đó là những trí thức, thậm chí trình độ cao, vì thế thủ đoạn cũng rất nguy hiểm, khó nhận diện, khó đối phó hơn trước.
Do đó, bên cạnh một loạt hoạt động tập huấn, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho phụ nữ, trẻ em nói trên, thì trong những năm vừa qua, TP Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều động thái tích cực khác như ban hành quy trình phối hợp xử lý các vụ xâm hại, bạo lực trẻ em, mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực...