TP Hồ Chí Minh: Sáng kiến đưa bác sĩ trẻ về trạm y tế thực hành

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chúc mừng các bác sĩ trẻ tăng cường về trạm y tế cơ sở.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chúc mừng các bác sĩ trẻ tăng cường về trạm y tế cơ sở.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng qua (16/2), Sở Y tế TP HCM tổ chức lễ đón bác sĩ trẻ về tăng cường y tế cơ sở năm 2022. Ngoài điểm cầu chính tại UBND quận 12, buổi lễ được kết nối trực tuyến đến 21 điểm cầu tại các quận, huyện và Thủ Đức.

Tập trung củng cố năng lực y tế cơ sở

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên đánh giá sáng kiến đưa 297 bác sĩ vừa tốt nghiệp đại học tăng cường tuyến y tế cơ sở mang tính bước ngoặt, giúp gánh vác, chia lửa kịp thời với ngành y. Thay vì thực hành hoàn toàn tại BV 18 tháng như trước, các bác sĩ vừa tốt nghiệp ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ thực hành 12 tháng tại trạm y tế dưới sự hướng dẫn chuyên môn từ các bác sĩ BV đa khoa hạng một, 6 tháng còn lại thực tập tại BV.

Ông Nên cho rằng trải qua ngày tháng căng thẳng, cam go và khốc liệt ứng phó với đại dịch COVID-19, TP đã nhận ra nhiều điểm yếu và bài học, trong đó nhiệm vụ cấp bách là hệ thống y tế cơ sở cần sớm được củng cố. Trong bối cảnh đó, Sở Y tế TP cùng các đơn vị bàn bạc, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến.

Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, TP khẩn trương triển khai kế hoạch tổng thể phòng chống dịch, xác định chiến lược y tế là trụ cột, bao trùm xuyên suốt, làm nền tảng cho các chiến lược khác. Mục tiêu hàng đầu nâng cao chất lượng chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng, đảm bảo người dân được tiếp cận chăm sóc y tế sớm nhất, thuận tiện nhất.

“Để làm được điều này, cần tập trung củng cố năng lực y tế cơ sở. Muốn vậy thì trước hết phải củng cố con người, trong khi con người không thể nào củng cố một ngày một bữa”, ông Nên nói và cho rằng “TP nhận được sự tăng cường từ các nơi để vượt qua những ngày cam go, khi nhân lực chi viện rút đi TP không có lực lượng trám vào thì sứ mệnh bảo vệ chăm sóc người dân rất khó khăn”.

Theo ông Nên, đây là hoạt động mới, thực hiện đợt đầu tiên theo chủ trương cấp bách của TP , các kế hoạch đã chuẩn bị khá đầy đủ nhưng sẽ không tránh khỏi những vấn đề cần phải bổ sung, bàn bạc lại. Hoạt động này sẽ tác động nhiều mặt đến các cấp ngành, tác động đến tâm tư tình cảm của gần 300 bác sĩ trẻ từ giảng đường về trực tiếp chăm sóc người bệnh trước khi thực hành tại BV.

Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị Sở Y tế phối hợp với các trường đại học, BV, trạm y tế, trung tâm y tế sớm ban hành quy chế mang tính pháp lý, quy định vai trò, trách nhiệm cụ thể rõ ràng, giúp bác sĩ trẻ nắm vững, làm đúng, làm tốt việc được giao. “Bác sĩ xuống cơ sở giống như trở lại chiến trường sau những ngày tháng chống dịch, nhưng trở lại với tư cách, tâm thế, điều kiện, sứ mệnh khác thì phải có quy định rõ ràng để các bác sĩ biết làm gì, không được làm gì, giới hạn tới đâu”, ông Nên nói.

Ông Nên cũng yêu cầu ngành y tế sớm tham mưu TP ban hành quy định mang tính chất pháp lý khi bác sĩ trẻ phải làm việc trong điều kiện chưa đủ tư cách hành nghề theo quy định; chính sách đãi ngộ lương, chế độ phụ cấp để tạo cơ hội cho bác sĩ yên tâm cống hiến, học tập, phát triển nghề nghiệp trước mắt và lâu dài, không bị thiệt thòi so với các khóa, trường khác.

“Có ý kiến cho rằng nên để các bác sĩ ở BV trước, đủ tư cách hành nghề trước rồi mới xuống y tế cơ sở. Điều này đúng, nhưng tình thế cấp bách, chờ các bác sĩ đủ thời gian xuống cơ sở thì dưới trạm y tế không có ai”, ông Nên chia sẻ. Sở Y tế sẽ theo dõi, chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm toàn diện chuẩn bị cho các khóa sau.

Ông Nên kỳ vọng các bác sĩ trẻ xem thực hành tại y tế cơ sở là một môn học thực tiễn có ích với nghề nghiệp, những điều nhà trường chưa dạy, là cơ hội để thử thách, rèn luyện bản thân. Trong cuộc chiến chống dịch vừa qua, ngành y tế phải chiến đấu khi lực lượng mỏng, có lúc đuối sức, quá tải, sự có mặt của bác sĩ lúc này mang rất nhiều ý nghĩa, kịp thời chia lửa, gánh vác cùng đồng nghiệp.

Hỗ trợ chi phí sinh hoạt dự kiến 60 triệu đồng/người

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết đưa bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế là một trong những hoạt động quan trọng của đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở. Các bệnh viện đầu ngành hướng dẫn, đào tạo trong thời gian bác sĩ trẻ ở trạm để chăm sóc sức khỏe người dân. Trong thời gian dịch bệnh chưa ổn định, các bác sĩ có thể tham gia chống dịch, tương tự khi còn là sinh viên y khoa năm 6.

“Vấn đề lo lắng trước đây là làm sao để các bác sĩ yên tâm công tác, ngành y tế đề xuất nhiều hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bác sĩ, chẳng hạn hỗ trợ 100% kinh phí thực hành và được hưởng chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt, dự kiến là 60 triệu đồng cho 12 tháng, sẽ được HĐND TP xem xét trong kỳ họp sắp đến”, ông Thượng nói.

Ngoài ra, để nâng cao nhân lực, ngành y tế đề xuất nhiều giải pháp như cho phép trạm y tế ký hợp đồng thêm với nhân viên y tế nghỉ hưu, bổ sung các loại hình nhân viên y tế khác mà trạm rất cần bên cạnh bác sĩ, dược sĩ, như nhân viên y tế cộng đồng, nhân viên y học cổ truyền, nha sĩ... đáp ứng yêu cầu người dân. Ngành y tế cũng đang xin cơ chế tăng thêm thu nhập để nhân viên yên tâm công tác.

Bác sĩ Phạm Vĩnh Anh (tham gia chương trình thực hành lâm sàng 18 tháng của Sở Y tế tại BV Nhân dân Gia Định gắn kết với các trạm y tế trên địa bàn quận 12) cho rằng đây là hướng đi hợp lý để bác sĩ mới ra trường có góc nhìn bao quát hơn trong nghề, đồng thời học được năng lực xử trí ban đầu từ thực tế.

“Vừa học ở bệnh viện, vừa thực hành ở trạm y tế là cơ hội tốt để áp dụng kiến thức mới học vào chăm sóc bệnh nhân, đồng thời rèn cho các bác sĩ ra trường trách nhiệm trước người bệnh của mình”, bác sĩ Vĩnh Anh chia sẻ.

Bác sĩ Anh từng tham gia tổ y tế từ xa theo dõi F0 tại nhà và làm việc chung với cán bộ trạm y tế nên thấu hiểu về áp lực nặng nề mà các nhân viên ở đây trải qua trong đại dịch. Ngoài ra, người bệnh thiếu sự theo dõi và săn sóc của bác sĩ tuyến cơ sở ở các bệnh lý khác. “Chương trình thực hành này giúp các bác sĩ trẻ trải nghiệm, hiểu được nhu cầu của người dân ở tuyến cơ sở”, bác sĩ Anh nói.

Tỷ lệ nhân viên y tế ở TP HCM năm 2021 là 2,31 người trên 10.000 dân, thấp hơn số trung bình cả nước là 7. Đợt dịch COVID-19 vừa qua, hệ thống y tế cơ sở bộc lộ nhiều điểm yếu về nhân lực lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Công việc của các nhân viên y tế quá tải, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề... nhiều người nghỉ việc.

Đọc thêm

Rước họa vì thói quen nhiều người hay làm

Bệnh nhân nhập viện vì uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) -  Liên tiếp trong thời gian gần đây, các bác sĩ tại các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu vì tự ý uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, nhiều người hiện nay tự ý sử dụng các loại thuốc này để điều trị nhiều căn bệnh như: Viêm gan B, sỏi túi mật….

Không dễ dãi với mặt hàng đặc thù liên quan sức khỏe

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (dự kiến được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024), mới đây khi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được chỉ ra một số nội dung cần xem xét.

Tháng cao điểm an toàn thực phẩm: Địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm

Nhiều học sinh là nạn nhân ngộ độc do đồ ăn trước cổng trường. (Ảnh minh họa - Nguồn: SKĐS)
(PLVN) - Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương kiên quyết xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động các cơ sở nếu không bảo đảm điều kiện, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cộng đồng...

Người phụ nữ có 2 bàng quang

Người phụ nữ có 2 bàng quang. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
(PLVN) - Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học, Bệnh viện E mới tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nữ bệnh nhân cao tuổi có 2 bàng quang.

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)
(PLVN) - Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông

Khám sức khỏe miễn phí cho hơn 500 học sinh ở Điện Biên Đông
(PLVN) - Ngày 13-14/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba (Hà Nội) tổ chức Chương trình thiện nguyện tặng quà và thăm khám miễn phí cho hơn 500 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học Tìa Dình (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.