Đây là nội dung quan trọng trong công văn khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống vừa được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng ký ban hành.
Tiếp tục thí điểm cho cơ sở ăn uống hoạt động
Theo đề xuất của Sở Công Thương, UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục thí điểm cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động đến hết ngày 31/12 và tuân thủ các điều kiện phòng, chống dịch theo Công văn 3818.
UBND TP HCM cũng giao Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phục vụ đồ uống có cồn; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định phòng, chống dịch.
Trước đó, sau 2 tuần thí điểm ở quận 7 và TP Thủ Đức, từ ngày 16/11 chính quyền thành phố cho các điểm kinh doanh ăn uống ở vùng xanh và vàng được bán bia, rượu đến cuối tháng 11. Sau thời gian thực hiện thí điểm, các đơn vị này đề xuất tiếp tục thí điểm dịch vụ trên. Hoạt động ở từng cấp độ dịch như sau: Tại địa bàn cấp 1, 2, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động bình thường mới; Địa bàn cấp 3, cơ sở được phục vụ tại chỗ không quá 50% công suất cùng thời điểm; không bán, sử dụng đồ uống có cồn; địa bàn cấp 4 chỉ bán mang đi.
Cũng qua giai đoạn thí điểm, Sở Công Thương nhận định, mặc dù còn nhiều hạn chế, song việc thí điểm giúp đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng thu ngân sách; tạo công ăn việc làm; giảm áp lực tâm lý cho người dân.
Sở Công Thương nhận định dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt khi xuất hiện biến chủng mới. Tuy nhiên, ngưng hoạt động dịch vụ này sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dẫn đến nguy cơ mất việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, ảnh hưởng an sinh xã hội. Do đó, Sở Công Thương kiến nghị TP tiếp tục thí điểm dịch vụ này đến hết năm 2021.
Đáng chú ý, trong đề xuất này, Sở Công Thương không còn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kết thúc hoạt động trước 22h hàng ngày. Như vậy, từ nay đến 31/12, TP HCM chính thức bỏ quy định này.
Nhóm nguy cơ được ưu tiên tiêm mũi 3
Liên quan đến công tác chống dịch, ngày 3/12, Sở Y tế TP HCM thông tin về kế hoạch triển khai chiến dịch tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người thuộc nhóm nguy cơ, nhằm hướng đến mục tiêu giảm ca mắc và giảm nguy cơ tử vong do COVID-19.
Dự kiến, chiến dịch này thực hiện từ nay đến ngày 31/12. Nhóm nguy cơ là người có bệnh nền hoặc trên 50 tuổi, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế.
Theo đó, F0 không thuộc nhóm nguy cơ, ngành Y tế khuyến khích đi cách ly tập trung để giảm khả năng lây lan cho các thành viên khác trong gia đình. F0 thuộc nhóm nguy cơ, có bệnh nền ổn định, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì được cấp phát thuốc kháng virus.
Đối với các thành viên trong hộ gia đình có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm vaccine cho những người chưa tiêm. Còn đối với người thuộc nhóm nguy có kết quả xét nghiệm âm tính, tiến hành tiêm mũi nhắc lại nếu đã tiêm đủ liều cơ bản trước đó ít nhất 6 tháng.
Cùng ngày, Sở Y tế cũng có văn bản khẩn gửi lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn TP về việc sẵn sàng tiếp nhận người bệnh trong tình hình mới. Cụ thể, các bệnh viện chuyên khoa nhi, nhiễm và bệnh viện đa khoa hạng một được khuyến khích thành lập Khoa COVID-19, đơn vị hồi sức COVID-19, sẵn sàng tiếp nhận điều trị người bệnh nặng, nguy kịch. Các viện tiếp tục thắt chặt biện pháp phân luồng, sàng lọc trường hợp nghi nhiễm đến khám, tránh lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cũng tiếp nhận người khỏi COVID-19 cần điều trị bệnh nền hoặc phục hồi chức năng.
Các bệnh viện phân bổ nguồn nhân lực tham gia điều trị và chăm sóc F0, được Sở Y tế yêu cầu “không được đùn đẩy hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh”. Bác sĩ, điều dưỡng được cử luân phiên đến các bệnh viện dã chiến trị COVID-19, trạm y tế lưu động làm việc.
Ngoài ra, mỗi địa bàn quận, huyện sẽ duy trì phát triển thêm bệnh viện dã chiến (tầng 2) hoặc cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 (tầng 1).
Để thuận lợi cho công tác hội chẩn, chuyển bệnh, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 trong 3 tầng, Sở Y tế phân công tác cơ sở, bệnh viện thành 8 “cụm điều trị”, phân công các bệnh viện cụm trưởng điều phối bệnh nhân trong phạm vi cụm điều trị. Đồng thời, kích hoạt Tổ điều phối chuyển tuyến để điều phối chuyển bệnh trên phạm vi toàn TP…