Nhưng đến năm 2018, cơ quan này lại ra tiếp quyết định sửa đổi quyết định đã ban hành hơn 20 năm trước, chỉ công nhận cho bà sử dụng hơn 700m2 đất (thay vì hơn 2.000m2 đất như trước kia). Cho rằng quyết định mới này ban hành không đúng nội dung và trình tự, bà Xong đã khởi kiện hành chính đề nghị Tòa hủy bỏ.
Sửa đổi quyết định sau 22 năm
Theo Quyết định giải quyết tranh chấp đất số 3331/QĐ-UB ngày 15/7/1996 của UBND TP HCM thì phần đất 5.440m2 tại thửa đất 379, tờ bản đồ số 2, xã Long Trường, huyện Thủ Đức (nay là phường Trường Thạnh, quận 9, TP HCM) do ông Nguyễn Văn Vân và bà Trần Thị Nghĩ đứng bộ năm 1935.
Năm 1949, ông Nguyễn Văn Bé (cháu ngoại ông Vân, bà Nghĩ) về sinh sống tại quận Bình Thạnh. Phần đất trên do ông Trương Văn Ngay (anh bà Xong) sử dụng cho đến sau ngày giải phóng thành phố. Sau ngày 30/4/1975, ông Bé hồi hương về ở phần đất trên sinh sống và được ông Ngay giao lại 3.360m2. Còn 2.080m2 giao lại cho bà Xong làm nhà và canh tác.
Đến năm 1992, ông Bé có đơn xin lại phần đất 2.080m2 do bà Xong đang sử dụng. Tuy nhiên, UBND TP HCM khẳng định đề nghị này “không có cơ sở pháp lý để xem xét, giải quyết nên đã “bác đơn của ông Bé đòi lại phần đất 5.440m2 tại thửa đất 379, tờ bản đồ số 2, xã Long Trường”.
Tại Quyết định số 3331/QĐ-UB, UBND TP.HCM còn giao Sở Địa chính (nay là TN&MT) và UBND huyện Thủ Đức lập thủ tục tạm giao cho ông Bé 3.360m2 đất, cho bà Xong 2.080m2 đất, đồng thời khẳng định Quyết định này là “quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của UBND TP.HCM và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký”. Thực hiện quyết định trên, UBND quận 9 đã tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bà Xong.
Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2018, UBND TP HCM bất ngờ có Quyết định số 3112/QĐ-UBND để sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3331/QĐ-UB đã được ban hành và thực hiện từ 22 năm trước. Quyết định này chỉ công nhận cho gia đình bà Xong được sử dụng 713,70m2 (tương ứng với phần đất bà Xong đã xây nhà). Phần diện tích trống còn lại rộng hơn 1.256m2 mà bà Xong sử dụng theo Quyết định năm 1996 thì được UBND TP HCM giao lại cho ông Bé sử dụng.
Đất sử dụng từ năm 1947 vẫn không được công nhận
Theo UBND TP HCM thì Quyết định số 3331/QĐ-UB năm 1996 đã không xem xét đến nguồn gốc đất và thực tế sử dụng đất tại địa phương như: ông Ngay không phải là chủ sở hữu đất nên không có quyền giao cho bà Xong sử dụng; ông Ngay giao cho cho bà Xong phần đất chiếm dụng cũng không có bất cứ giấy tờ, tài liệu gì… Như vậy, việc ông Bé khiếu nại đòi đất thổ cư của ông bà để lại là có cơ sở, đúng pháp luật. Tuy nhiên, UBND TP HCM xét thấy gia đình bà Xong đã xây dựng trên phần đất 713,7m2 nên công nhận cho bà Xong được sử dụng phần đất này. Sau đó UBND quận 9 đã tiến hành thu hồi, sửa đổi GCNQSDĐ theo nội dung Quyết định số 3112/QĐ-UBND.
Cho rằng, UBND TP HCM ban hành quyết định trên là không đúng, bà Xong đã có đơn khởi kiện vụ kiện hành chính đến TAND TP HCM. Theo bà Xong thì UBND TP HCM đã xác định không đúng quá trình biến động của thửa đất vì vào năm 1947, bà Trần Thị Chánh (mẹ ông Bé) đã bán đất cho ông Nguyễn Văn Chép (bố bà Xong). Sử dụng đến năm 1975, ông Chép ủy quyền cho con trai là Nguyễn Văn Ngay (anh bà Xong) sử dụng thửa đất. Sau năm 1975, ông Bé hồi hương và được ông Ngay cắt lại 3.360m2 đất ruộng để canh tác. Diện tích đất còn lại rộng 2.080m2 (đo đạc thực tế sau này là 1.970m2) được ông Ngay viết giấy cho tặng em gái Trương Thị Xong.
Với diễn biến trên, bà Xong cho rằng gia đình bà “bám đất, giữ làng” và sử dụng đất hợp pháp từ 1947, có nhiều nhân chứng xác nhận. Quá trình sử dụng đất, gia đình bà đã thực hiện kê khai vào năm 1983 theo Chỉ thị 299/TTg và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước nên đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất. Bởi vậy theo bà Xong, việc UBND TP HCM công nhận quyền sử dụng đất cho ông Bé là không đúng với chính sách quản lý đất đai vì “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.
Cũng theo bà Xong, do Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai số 3112/QĐ-UBND của UBND TP HCM còn đang là đối tượng khởi kiện nên bà đã có đơn gửi UBND quận 9; Văn phòng đăng ký đất đai quận 9; Phòng TN&MT quận 9 và UBND phường Trường Thạnh đề nghị không làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Bé. Tuy nhiên, sau đó, ông Bé vẫn được cấp GCNQSDĐ rồi thực hiện chuyển nhượng cho người khác. Việc này bị cho là đã làm vụ việc phức tạp hơn bởi nếu Quyết định 3112/QĐ-UBND của UBND TP HCM bị Tòa tuyên hủy thì cũng có nghĩa phải hủy GCNQSDĐ của ông Bé, dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết hậu quả việc chuyển nhượng đất.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu