Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, tính đến ngày 20/12, biến chủng Omicron đã có mặt ở khoảng 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số nơi đã có những quy định nghiêm ngặt hơn, siết chặt các hoạt động.
“Nếu các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không được thực hiện tốt, tình hình sẽ rất căng thẳng, nếu biến chủng mới tới Việt Nam hoặc có mặt tại địa bàn TP HCM. Qua các số liệu của một số nước, biến chủng Omicron có sự lây lan hơn gấp nhiều lần so với các chủng cũ”, ông Nên cảnh báo và cho rằng, trong giai đoạn này, mọi người dân cần phải thay đổi tâm thế, thói quen để thích ứng với việc sống chung với COVID-19, ngay cả khi có biến chủng mới.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, khi phát hiện những trường hợp F0, các loại thuốc cần được cấp phát ngay để kéo giảm tỷ lệ nguy cơ nặng, tử vong. Trước tình trạng nhiều ca mắc COVID-19 chưa được tiếp cận thuốc, ông đề nghị tổ y tế lưu động các địa phương quan tâm, tư vấn, hỗ trợ cho các F0 khi thực hiện cách ly tại nhà khi được yêu cầu, phát huy phương châm “ba tại chỗ”.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý khoảng 50% trường hợp tử vong do COVID-19 là người chưa được tiếp cận vaccine. Do đó, TP HCM đang rà soát, thống kê để có phương án bảo vệ bởi những trường hợp trên nếu mắc COVID-19 sẽ có tỷ lệ diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong ở mức cao…
Cũng để tăng cường phòng chống biến thể Omicron, Sở Y tế TP HCM giao các đơn vị rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ 28/11 và dương tính với SARS-CoV-2. Các đơn vị phối hợp với Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm xác định biến thể Omicron. Nếu ghi nhận ca dương tính nhiễm biến thể Omicron, các đơn vị rà soát người tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nếu dương tính.
Có thể nói, hoạt động của hệ thống giám sát phải được tăng cường để sớm phát hiện ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường. Các đơn vị chủ động phối hợp với Viện Pasteur để lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới.
Viện Pasteur tập huấn cho cán bộ điều tra, xử lý ổ dịch, cơ sở xét nghiệm COVID-19 về điều tra, bảo quản, vận chuyển mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và xét nghiệm, giải trình tự gene…
Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hoài Nam vừa có công văn khẩn gửi UBND TP HCM và Sở Xây dựng TP HCM về tình hình sử dụng và sản xuất khí oxy của các đơn vị.
Theo đó, hiện nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhu cầu oxy lỏng y tế cho các bệnh viện, cơ sở y tế đang tăng dần. Trong khi đó, công suất sản xuất của các nhà cung cấp có hạn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt oxy lỏng để cung cấp cho y tế. “Việc thiếu hụt oxy lỏng cung cấp cho các bệnh viện là rất nguy hiểm và ảnh hưởng tới công tác cấp cứu, điều trị người bệnh”, Sở Y tế chỉ ra nguy cơ.
Nhu cầu oxy lỏng của các đơn vị y tế từ 11-17/12 là 1.070 tấn và 10.500 chai oxy loại 40 lít (tương đương 0,54 tấn). Nếu tính riêng ngày 17/12 là 166 tấn với 1.500 chai oxy loại 40 lít (tương đương 0,54 tấn). Dự kiến, trong thời gian tới, ngành Y tế cần 350 tấn oxy lỏng dự trữ mỗi ngày, thế nhưng, năng lực cung ứng tối đa của các đơn vị chỉ là 232 tấn/ngày.
Liên quan đến công tác xét nghiệm, Sở Y tế TP HCM vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế và Thanh tra TP HCM tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm rRT-PCR.
Cụ thể, Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19; và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Sở cũng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, rà soát quy trình, thủ tục mua sắm, chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm.
Tiếp tục kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm PCR; việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sinh phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn.
Sở Y tế có trách nhiệm báo cáo, đề xuất UBND TP HCM chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, Sở Y tế tham mưu UBND TP HCM chuyển hồ sơ sang Công an TP HCM để xử lý theo quy định của pháp luật.