Sở Y tế TP HCM yêu cầu các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7; khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Các đơn vị đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khi người dân tự đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh…
Ngoài ra, các bệnh viện cần chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu; đảm bảo không để người bệnh diễn biển nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhận viên nhằm thực hiện hướng đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong; không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Nhanh chóng triển khai tiêm vaccine
Theo thống kê mới nhất, thêm 159.389 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số người được tiêm vaccine tại TP HCM lên 1.430.828 người trong đợt 5 và 6. TP đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn tất chích ngừa cho khoảng 70% dân số trên 18 tuổi, đạt miễn dịch cộng đồng trong tháng 8/2021.
Hiện TP HCM đang triển khai tiêm vaccine đợt 6 với số lượng đã được phân bổ. Riêng 1 triệu liều vaccine Vero Cell chưa triển khai do đang chờ Bộ Y tế kiểm tra, thẩm định. Nguyên tắc tiêm vaccine lần này của thành phố trên tinh thần tự nguyện của người dân và hoàn toàn miễn phí.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM nhận tổng số liều vaccine theo phân bổ của Bộ Y tế và tiếp nhận tại kho của Viện Pasteur TP HCM tính đến 3/8 là 3.177.540 liều. Trong đó, 2.532.350 liều vaccine AstraZeneca, 54.990 liều Pfizer và 571.200 liều Moderna và 19.000 liều Sinopharm.
Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và chất lượng số vaccine được Bộ Y tế phân bổ, Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu các UBND, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế TP Thủ Đức và các quận huyện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP; các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, công lập và ngoài công lập khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine của Pfizer và Moderna, trước ngày 8/8.
Lương thực, thực phẩm vẫn rất cấp thiết
Lương thực và nhu yếu phẩm vẫn là vấn đề cấp thiết và quan trọng đối với người dân ở TP HCM. Theo Sở Công thương TP HCM, hiện còn 33 chợ truyền thống đang hoạt động, chủ yếu cung cấp thịt, cá, rau củ quả, thực phẩm khô... Có 201 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối lớn đang tạm ngưng hoạt động để phòng dịch.
Từ đầu tháng 8 đến nay, TP HCM đã khôi phục hoạt động cho 5 chợ truyền thống để bán lương thực, thực phẩm và các hàng hoá thiết yếu là chợ Bình Thới, Thới An, Hiệp Thành, Phước Thạnh, Nguyễn Tri Phương và Hòa Hưng.
Theo đại diện các quận, huyện và TP Thủ Đức lý giải, hiện diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, khu vực xung quanh chợ hoặc bản thân tiểu thương chợ, nhân viên ban quản lý chợ có người dương tính với SARS-CoV-2 hoặc đang ở trong khu cách ly, phong tỏa. Vì vậy, chính quyền địa phương vẫn đang rà soát, đánh giá, nếu chợ nào bảo đảm tiêu chí an toàn phòng, chống dịch sẽ tổ chức mở lại.
Trước mắt, chính quyền địa phương đang phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể và Sở Công Thương TP HCM triển khai các giải pháp bán hàng lưu động, hỗ trợ mua chung, mua hàng theo combo, bán hàng online... Cùng với đó là thông tin, phối hợp với các siêu thị, cửa hàng để tính toán tăng cường hàng hóa về các điểm bán để cung cấp đủ hàng cho người dân.
Ngày 5/8, Sở Y tế TP HCM cho biết, TP có 30 ổ dịch đang được khoanh vùng giám sát chặt, những ngày qua không phát sinh ổ dịch mới. Số bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, được xuất viện trong hơn một tuần gần đây tăng liên tục, trung bình mỗi ngày từ 3.000 - 4.000 người. Tính đến 7h ngày 4/8, đã có 43.751 bệnh nhân được điều trị khỏi từ khi dịch bệnh bắt đầu. Bộ Y tế cũng thông tin, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam đã có 51.558 người được công bố khỏi Covid-19, chiếm 29% tổng số ca mắc đợt dịch này.