TP Hồ Chí Minh: Giám sát, theo dõi lịch sử đi lại của bệnh nhân sốt rét

Một số trường hợp nhập viện vì sốt rét. Ảnh minh họa.
Một số trường hợp nhập viện vì sốt rét. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ngày 10/6, Sở Y tế TP HCM cho biết, trong tuần cuối cùng của tháng 5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố đã tiếp nhận điều trị 2 trường hợp sốt rét ác tính.

Tiếp nhận 2 trường hợp sốt rét ác tính

Theo đó, trường hợp đầu tiên là nữ du học sinh 24 tuổi, ở quận Bình Thạnh, theo học chương trình ngôn ngữ Pháp ở Yaounde, Camerron, khoảng 10 tháng qua.

Ngày 17/5 trên máy bay trở về nước, bệnh nhân sốt lạnh run khoảng 2 cơn một ngày. Tình trạng sốt không cải thiện, nữ du học sinh quyết định đi khám, xét nghiệm tại 4 cơ sở y tế tư nhân và công lập. Sau đó được chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết Dengue. Đến ngày 24/5, mẫu máu được gửi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để kiểm tra có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với Plasmodium falciparum.

Bệnh nhân sau đó nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới với chẩn đoán sốt rét ác tính thể não, vàng da, tiểu huyết sác tố và mật độ ký sinh trùng cao do Plasmodium falciparum. Sau 6 ngày điều trị tích cực, nữ du học sinh đã xuất viện.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam 63 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, làm việc ở Abidjan, Bờ Biển Ngà được 28 tháng.

Trên chuyến bay ngày 31/5 từ Bờ Biển Ngà về Việt Nam người này lên cơn sốt lạnh run. Trước đó quá cảnh 10 giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông được một bác sĩ người Trung Quốc (đi cùng chuyến bay) đưa đến khám ở một bệnh viện quốc tế và làm xét nghiệm nhanh sốt rét dương tính Plasmodium falciparum.

Ông được chuyển ngay đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới vào rạng sáng 1/6 và được chẩn đoán sốt rét ác tính thể vàng da, suy thận, nhiễm toan và mật độ ký sinh trùng cao do Plasmodium falciparum. Hiện ông vẫn đang được điều trị tích cực tại khoa hồi sức sốt rét của bệnh viện.

Được biết, năm 2020, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM tiếp nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 ca sốt rét ác tính. Năm 2021 chỉ có 2 trường hợp sốt rét cơn. Trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính. “Tất cả bệnh nhân sốt rét nhập viện và điều trị trong những năm qua đều đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở Tây Nguyên (Đắk Ơ, Bình Phước…) hoặc đi công tác tại các nước châu Phi…”, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho biết.

Bệnh nhân sốt rét nhập viện phải khai báo lịch sử đi lại

Trước tình hình trên, đồng thời nhằm hạn chế sự gia tăng của các trường hợp sốt rét nhập cảnh, Sở Y tế TP HCM đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tăng cường điều tra dịch tễ, lưu ý tiền sử đi lại của những bệnh nhân từ các vùng có sốt rét lưu hành về, tiến hành xét nghiệm để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.

Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận trường hợp người bệnh có sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét (test nhanh hoặc nhuộm lame máu) để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.

Theo Sở Y tế, từ năm 2011 đến nay TP HCM không phát hiện ca bệnh sốt rét nội tại (là ca bệnh tại TP HCM) mà tất cả đều là các ca nhiễm từ các vùng dịch tễ lưu hành. Kết quả giám sát trung gian truyền bệnh sốt rét tại thành phố không phát hiện muỗi Anopheles. “Vì vậy, nguy cơ lây lan bệnh sốt rét tại thành phố là gần như không có”, Sở Y tế TP HCM khẳng định.

Tuy nhiên, Sở Y tế đánh giá TP HCM là nơi có biến động dân cư rất lớn, tập trung nhiều bệnh viện tuyến cuối nên vẫn ghi nhận một số trường hợp sốt rét là những người đến từ vùng đang có dịch sốt rét lưu hành trong và ngoài nước.

Những người chưa từng bị sốt rét (chưa có miễn dịch) là nhóm có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng và tử vong khi nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Nhóm này cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Do đó, ngành Y tế vẫn khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp tiêu diệt lăng quăng, ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh các bệnh lây lan do muỗi truyền. Trong đó, sốt xuất huyết đang là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại thành phố đang bắt đầu vào mùa dịch khi mùa mưa đang đến.

Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ và người lớn tuổi có bệnh lý nền cần lưu ý trong giai đoạn lưu hành của bệnh sốt xuất huyết khi có biểu hiện sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm và chẩn đoán.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.