Được biết, những năm trước 1975, gia đình ông Đinh Văn Hoành đã về đây khai hoang, vỡ hoá. Năm 1976, ông Hoành và vợ là bà Hồ Văn Màng bán lại toàn bộ thửa đất trên cho ông Trương Ngọc Thạch. Sau đó ông Thạch đứng tên kê khai rộng đất, cất nhà ở và đăng ký nhân hộ khẩu. Chính quyền sở tại thời điểm đó đã cấp số nhà 288/6 Hương lộ 34, xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, TP HCM (nay là 288/6 tổ 6, KP1, đường 34, phường Tân Phong, quận 7) cho ông Thạch. Năm 1978, ông Thạch sang nhượng lại cho ông Trần Văn Công.
Liên tục những năm sau đó, ông Công đã sinh sống ổn định ở đây, thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất đầy đủ. Vì tu tại gia và có lòng hướng thiện nên ông đã xây dựng một tịnh xá nhỏ đặt tên là Tịnh xá Ngọc Quy (không để bảng tên). Năm 1999, với tư cách là người nhận chuyển nhượng hợp pháp và là chủ quản lý sử dụng đất, ông Công kê khai đăng ký nhà đất với chính quyền phường Tân Phong và được UBND phường Tân Phong xác nhận ngày 25/2/2000.
Năm 2002 – 2003, Nhà nước có chủ trương xây dựng cầu Kênh Tẻ, trong đó có thu hồi một phần diện tích đất của ông Công. Tại biên bản xác minh nguồn gốc nhà đất, UBND phường Tân Phong và UBND quận 7 đều xác nhận chủ tài sản sử dụng đất là ông Trần Văn Công và xác định mức bồi thường gần 1 tỷ đồng.
Nhưng khi UBND quận 7 chưa chi trả tiền đền bù cho ông Công thì ngày 7/4/2003, Thành hội Phật giáo TP HCM có văn bản gửi UBND quận 7 cho rằng Tịnh xá Ngọc Quy đã ra nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có tên trong danh mục Tu Viện do Thành hội Phật giáo TP HCM thống nhất quản lý, yêu cầu UBND quận 7 giao số tiền đền bù đó cho Giáo hội.
Theo đó, UBND phường Tân Phong trả lời ông Công không phải là chủ hợp pháp của khu đất trên nên kiến nghị UBND quận không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Công. Còn Thành hội Phật giáo TP HCM lại khẳng định Tịnh xá Ngọc Quy được xây dựng từ năm 1978, đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên khu đất trên là do Thành hội Phật giáo TP HCM quản lý. Đại diện Thành hội Phật giáo cũng cho rằng, thầy Đại Đức Thích Giác Thế (tên pháp danh của ông Trần Văn Công) không phải trụ trì của Tịnh xá cũng như không có hộ khẩu ở đây.
Ông Công cho biết, từ năm 1978 khi mua được miếng đất của ông Thạch, với tấm lòng hướng thiện, ông đã giúp đỡ bà con lối xóm, những người có hoàn cảnh khó khăn cơ nhỡ công ăn việc làm, khi ốm đau, bệnh tật và ngay cả những lúc chết. “Tôi chỉ tu tại gia, không tham gia vào Giáo hội phật giáo, cũng không hiến tặng tài sản của mình. Nhưng từ năm 2003, khi tôi làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ thì Giáo hội phật giáo lại cho rằng tài sản đó không phải của tôi. Tranh chấp cứ thế kéo dài đến năm 2015, Giáo hội Phật giáo TP HCM đã cho dựng biển bảng “Tịnh xá Ngọc Quy” ngay trên đất của tôi. Từ đó, có rất nhiều người lạ mặt thường xuyên xuất hiện hành hung sư cô trong Tịnh xá, doạ nạt tôi làm cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Công nói.
Theo phản ánh của ông Công, đề nghị UBND phường Tân Phong, UBND quận 7 và các cơ quan chức năng xem xét vụ việc một cách khách quan, tránh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.