Khởi tố nhiều cán bộ sai phạm
Ngày 21/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét nơi ở, làm việc của 12 bị can về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị can gồm: Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM); Lê Hoàng Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Vũ Xuân Đức, Phạm Xuân Trung, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Phùng Đức Trí, Lương Trí Cường, Đoàn Thị Minh Trang, Trần Đăng Linh (là lãnh đạo, cán bộ làm việc tại IPC), Trần Mạnh Khôi (Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), Lâm Văn Tuấn (cán bộ Trung tâm Cung ứng dịch vụ tổng hợp thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích thanh niên xung phong) và Đoàn Minh Lý. Trong đó, các bị can Phạm Xuân Trung, Trần Mạnh Khôi và Đoàn Minh Lý bị bắt giam, còn lại là tại ngoại.
Trong số 12 bị can bị khởi tố nói trên, có ông Phạm Văn Thông và ông Lê Hoàng Minh. Trước đó, vào tháng 3/2019, ông Thông đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng liên quan đến nhiều sai phạm. Trong đó, có sai phạm liên quan đến việc tăng vốn điều lệ tại Sadeco. Còn ông Minh vào tháng 8/2020 đã bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM kỷ luật cảnh cáo về các sai phạm trên cương vị quản lý IPC.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam đối với bị can Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP HCM, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Sadeco). Trước đó, ông Long bị khởi tố bị can nhưng được cho tại ngoại.
Đây là kết quả điều tra mở rộng vụ án liên quan đến ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Sadeco) và bà Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Sadeco).
Vào tháng 5/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc điều tra về 2 tội danh “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Cùng liên quan tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, vào tháng 6/2020, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 3 bị can, gồm: Trần Công Thiện (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Đỗ Công Hiệp (nguyên kế toán trưởng Sadeco) và Huỳnh Phước Long.
Như vậy, đến nay Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã khởi tố 17 bị can, tất cả các bị can này đều có sai phạm trong việc quản lý vốn Nhà nước tại IPC và Sadeco.
Được biết, ông Tề Trí Dũng (SN 1981) là đại biểu HĐND TP HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ông Dũng làm Tổng giám đốc IPC khi mới 34 tuổi, nắm quyền điều hành doanh nghiệp Nhà nước mà UBND TP HCM sở hữu 100% vốn điều lệ lên đến khoảng 2.900 tỷ đồng. Ông cũng nắm quyền chi phối ở nhiều công ty con, công ty liên doanh, liên kết IPC.
Bán rẻ cổ phần
Sadeco (trụ sở quận 1, TP HCM) được thành lập vào tháng 6/1994 hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, dân dụng, cơ sở hạ tầng, tư vấn lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch… Công ty này có một “sứ mệnh đặc biệt” trong chiến lược phát triển của TP HCM vào những năm đầu thập niên 1990.
Vào thời điểm năm 2015, IPC chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco. Ngày 10/11/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim (gọi tắt là Công ty Nguyễn Kim) có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Đến ngày 29/6/2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp Nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan gồm 4 thành viên: Tề Trí Dũng, Trần Đăng Linh, Hồ Thị Thanh Phúc và Trần Mạnh Khôi biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỷ đồng.
Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%). Trong khi đó, Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.
Ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc trong một cuộc họp |
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra TP HCM, trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, vào năm 2015, nhóm cổ đông Nhà nước cũng đã bán 5.235.683 cổ phần Sadeco cho Công ty Exim, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, vào tháng 6/2016, Công ty Exim chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Công ty Nguyễn Kim với mức 57.000 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm kể từ đầu năm 2017, nhà đất khu Nam TP HCM (nơi Sadeco có nhiều dự án quan trọng với quy mô đất đai lớn) ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nhưng Sadeco bán chỉ định không thông qua đấu giá cho Công ty Nguyễn Kim chỉ 40.000 đồng/cổ phiếu (tháng 6/2017).
Theo Thanh tra TP HCM, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Cơ quan thanh tra khẳng định, việc làm này là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại sẽ rất lớn.
Thanh tra TP HCM cũng khẳng định, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với Công ty Exim, chỉ định 3 cá nhân đứng tên sở hữu cho thấy tại thời điểm mua cổ phần của Công ty Exim, Công ty Nguyễn Kim đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc cùng có hành vi chấp thuận sử dụng kết quả định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai phạm pháp luật để quyết định giá phát hành cổ phiếu Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại rất lớn cho Sadeco và Nhà nước.
Ngoài ra, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Hồ Thị Thanh Phúc còn đề xuất Tề Trí Dũng duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng Hội đồng quản trị, cho các thành viên Hội đồng quản trị khác sử dụng trái quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các cá nhân này chiếm đoạt số tiền lớn của Nhà nước. Với sai phạm tại Sadeco, số tiền mà các cá nhân sử dụng trái phép là hơn 5 tỷ đồng và số tiền thiệt hại trong việc định giá tài sản là hơn 150 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cũng đã điều tra, làm rõ sai phạm trong việc Sadeco phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (là công ty con của IPC) và Công ty Tuấn Lộc.
Ngoài ra, cơ quan công an cũng điều tra việc thực hiện dự án khu dân cư Long Hậu (tỉnh Long An), việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích của IPC.