Theo đó, từ ngày 1- 2/6, TP sẽ tổ chức Ngày hội tại tuyến đường Nguyễn Huệ (từ đường Mạc Thị Bưởi đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1). Tại đây, sẽ có khu vực không gian đọc sách xưa, giới thiệu quá trình hình thành và phát triển của sách qua các thời kỳ; trưng bày những cuốn sách quý, sách cổ, sách chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh hòa bình, hội nhập và phát triển”.
Cạnh khu vực này sẽ có khu vực triển lãm bộ bản đồ và hình ảnh tư liệu “Biển đảo thiêng liêng”, những hoạt động của TP HCM hướng về biển đảo; hình ảnh đẹp về thiếu nhi và những tư liệu, mô hình xây dựng và phát triển Văn hóa đọc của thành phố trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, TP HCM cũng trưng bày và giới thiệu các mô hình, giải pháp hay của hệ thống thư viện thành phố giúp việc đọc thuận tiện và hấp dẫn hơn. Giới thiệu các Nhà xuất bản sách điện tử, phương tiện phục vụ đọc sách điện tử và truy cập Internet thông tin về sách và Văn hóa đọc; sách dành cho người khiếm thị…
Một điểm nhấn khác của Ngày hội là khu vực không gian đọc và vui chơi dành cho thiếu nhi. Qua đó, giới thiệu và giúp các cháu thiếu nhi trải nghiệm hoạt động vẽ tranh, kể chuyện, đố vui theo sách, tìm hiểu nhân vật thành công qua câu chuyện, qua sách, chương trình đọc sách - viết tiếp ước mơ của trẻ, kể truyện sách Hè...
Đặc biệt, tại sự kiện sẽ diễn ra các hoạt động tuyên truyền và phát triển văn hóa đọc như: Hoạt động trao đổi sách giúp những người yêu thích sách được gặp gỡ bạn bè cùng sở thích, trao đổi, chia sẻ với nhau các loại sách quý, hiếm và hoạt động giao lưu với tác giả, nhân vật nổi tiếng về giải trí, hoạt động thu hút thiếu nhi...
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, những hoạt động này sẽ góp phần lan tỏa phong trào đọc sách, tình cảm yêu mến sách trong cộng đồng, giới thiệu những giải pháp, công nghệ mới phục vụ cho nhu cầu đọc sách, khám phá và tìm hiểu tri thức thông qua việc đọc của đông đảo người dân thành phố.
Ngoài ra, thông qua các hoạt động khác, TP cũng muốn xây dựng các mô hình, không gian đọc và tìm hiểu tri thức phù hợp với người dân thành phố và du khách, dần dần phát triển Văn hóa đọc mang nét đặc trưng của TP HCM. Góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ngoài Ngày hội nói trên, TP HCM cũng triển khai thêm hoạt động trao đổi sách, tạo sân chơi cho bạn đọc yêu thích sách. TP cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và phát triển Văn hóa đọc tại các quận - huyện, các Trường Đại học... TP phối hợp với Công ty TNHH ProwTech International Vina (đơn vị xã hội hóa) tổ chức chương trình “Hành trình tri thức 4.0” đưa sách và hoạt động phát triển Văn hóa đọc đến các cơ quan, xí nghiệp, trường học trên địa bàn thành phố trong suốt năm 2019.
Được biết, để thực hiện kế hoạch, TP đã huy động tổng lực các sở, ban ngành tham gia để nhằm lan tỏa chương trình. Đơn cử như TP huy động 600 đoàn viên thanh niên 400 công nhân lao động tham dự Ngày hội…
Theo Quyết định phê duyệt Đề án phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
Đề án đưa ra nhằm xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu