Từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP HCM đã đồng hành cùng TP và các gia đình chính sách triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Theo đánh giá của UBND TP, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của thành phố. Tính đến giữa năm 2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại NHCSXH chi nhánh TP đạt trên 3.300 tỉ đồng, tăng hơn 1.000 tỉ đồng (gấp 1,43 lần) so với thời điểm cuối năm 2015.
Từ năm 2016 đến nay, NHCSXH chi nhánh TP đã giải ngân cho hơn 163.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với doanh số cho vay đạt 5.042 tỉ đồng, bình quân cho vay hơn 1.440 tỉ đồng/năm...
“Chương trình này đã góp phần giúp gần 50.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo giai đoạn 2016 - 2018; giải quyết việc làm cho trên 82.000 lao động; hỗ trợ gần 2.400 lượt hộ gia đình bị thu hồi đất có vốn làm ăn; giúp trên 8.400 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập”, UBND TP HCM thông tin và cho biết thêm, cũng từ sự hỗ trợ này, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả.
Đơn cử như: dự án chăn nuôi bò thịt ở huyện Củ Chi; trồng mai ở quận Thủ Đức; tổ hợp tác trồng rau sạch huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh; nuôi con hàu và làm muối ở huyện Cần Giờ; tổ hợp tác may gia công các mặt hàng truyền thống của cộng đồng người Chăm quận Phú Nhuận…
Theo UBND TP, địa phương sẽ tăng cường bố trí nguồn vốn ủy thác từ địa phương và tranh thủ nguồn vốn trung ương hỗ trợ qua NHCSXH để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bèn vững, đảm bảo an sinh xà hội và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện nghiêm túc công tác bình xét cho vay, đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy trình, thủ tục, mức vay phù hợp…
Ngoài ra, để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn này, UBND TP kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng của chương trình cho vay học sinh sinh viên, nâng mức cho vay từ 1,5 triệu lên mức 2,5 triệu /tháng để phù hợp với mức tăng học phí và biến động giá cả thị trường. Đồng thời, đề nghị xem xét, có cơ chế khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ từ 3-5 năm cho những trường hợp hộ gia đình vay vốn học sinh, sinh viên đã hết thời gian gia hạn nợ và có đơn đề nghị trả nợ dần, được địa phương xác nhận không có thu nhập để phụ giúp gia đình trả nợ...
UBND TP kiến nghị Chính phủ quan tâm, bổ sung chính sách cho vay ưu đãi đối với các hộ dân trên địa bàn thị trấn (thuộc huyện), các phường (thuộc quận) còn sản xuất nông nghiệp có nhu cầu được vay vốn để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo và sửa chữa các công trình nước sạch, công trình vệ sinh nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, UBND TP đề nghị tiếp tục chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tham gia thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, ngành nghề... để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân cùng tham gia, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội…