Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, trong 7 ngày trước đó, một số địa phương trên địa bàn TP HCM có số F0 tăng cao, cụ thể là huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức, quận 12, quận Gò Vấp.
Tính riêng 3 ngày trước hội nghị, huyện Bình Chánh và Hóc Môn là 2 nơi có nhiều trường hợp nhiễm nhất.
Đối với tình hình thu dung, điều trị tại TP, ông Tăng Chí Thượng chia sẻ, tính từ 1/10 - 12/11, số F0 cách ly tại nhà có xu hướng tăng, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Ngoài ra, số trường hợp thở máy xâm lấn duy trì ở mức ổn định, các ca thở máy không xâm lấn và thở oxy có xu hướng giảm nhẹ.
Dù vậy, số ca cách ly tại nhà đang có chiều hướng tăng trong khi trường hợp tại cơ sở cách ly tại quận, huyện giảm dần vì TP đang thu hẹp các cơ sở này. Do đó, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị BCĐ sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện. Ngoài ra cần có thêm BV dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, dựa trên thống kê cho thấy số F0 tại địa phương đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê. Mặc dù đã tầm soát tại BV và có nhiều biện pháp xét nghiệm nhưng không thể nắm hết được người có mầm bệnh trong cộng đồng.
Qua phân tích của Sở Y tế, tỉ lệ F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ là trên 90%, riêng tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong có tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. Bí thư TP HCM nhận định, nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn. Do đó, từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động.
Giải thích lý do số ca nhiễm tăng trở lại trong live stream “Dân hỏi, Thành phố trả lời” tối 12/11, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP cho biết, đây là kết quả tất yếu khi TP mở cửa trở lại, bỏ giãn cách xã hội. COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt tiếp xúc gần, không đeo khẩu trang thì sẽ lây lan dữ dội.
Từ ngày 1/10, TP đã ở vào giai đoạn mở cửa và quan điểm hiện nay là thích ứng linh hoạt có kiểm soát hiệu quả với dịch COVID-19, sống chung với virus SARS-CoV-2.
“Sống chung với virus SARS-CoV-2 chứ không phải sống chung với dịch. Nếu chúng ta để dịch quay trở lại, rồi lại bệnh nặng và chết người thì không được”, TS.BS Châu nhấn mạnh.